Cận thị 20 đi ốp do di truyền có nhiều ở Việt Nam
Đôi mắt là "cửa sổ" tâm hồn nhưng tình trạng trẻ em bị cận thị hoặc các bệnh về mắt càng ngày càng tăng đang trở thành nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh.
Mới đây, câu chuyện của cậu học sinh 11 tuổi người Trung Quốc tên Xiao Hao mắc tật cận thị bẩm sinh từ trong bụng mẹ nên mới chỉ lên 3 tuổi, mắt em đã cận hơn 2.000 độ (tương đương 20 đi ốp ở VN).
Đây là một trong những trường hợp cực hiếm mà y học ghi nhận.
Kết quả kiểm tra cho thấy, đôi mắt của em đã cận lên tới 2.200 độ ở mắt phải và 2.300 độ ở mắt trái. Với tỷ lệ 100 độ Trung Quốc tương đương với 1 đi-ốp ở Việt Nam thì Xiao Hao có độ cận thị lần lượt là 22 và 23 đi ốp.
Với mức độ cận kịch liệt như vậy, Xiao Hao sẽ không thể nhìn thấy gì nếu bỏ kính ra. Không chỉ vậy, em còn có độ lác mắt lần lượt là 0,3 và 0,4.
(Ảnh minh họa)
Do thị lực kém, Xiao Hao rất hiếm khi đi ra khỏi nhà hoặc chơi đùa với những đứa trẻ khác. Em chỉ thích ở nhà chơi điện tử, xem tivi hoặc nuôi côn trùng.
Trường hợp cận thị bẩm sinh không phải hiếm ở Việt Nam như trường hợp của bé Vũ Minh Hiển trú tại Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội. Dù 4 tuổi nhưng cháu đã bị cận tới 14 đi ốp mắt phải và 16 đi ốp mắt trái kèm theo loạn thị 2 đi ốp.
Bố của Hiển cũng bị cận thị 8 đi ốp và đã mổ cận thị trước khi lập gia đình.
Anh Hà bố của bé Hiển cho biết, thấy con thường hay đứng gần ti vi để xem. Anh kéo con ra xa khoảng 1,5 mét là cháu bảo không xem được.
Mỗi khi nhìn cái gì mắt con nheo lại nên anh cho con đến bệnh viện Mắt trung ương kiểm tra và đến nay cháu vẫn phải theo dõi 6 tháng phải đi kiểm tra 1 lần. Tuy nhiên, anh Hà vẫn lo lắng vì một năm qua cháu tăng 0,5 đi ốp.
Thạc sĩ Phạm Thị Hằng – Trưởng khoa Tật khúc xạ , Bệnh viện mắt Quốc tế DND cho biết trong hội thảo về tật khúc xạ học đường rằng chị cũng gặp nhiều trường hợp bị cận thị bẩm sinh thậm chí có cháu mới 3 tuổi đã cận đến 20 đi ốp.
Theo nghiên cứu của bệnh viện mắt DND tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh đeo kính ngày càng tăng và trẻ hoá xuống cả độ tuổi tiểu học. Cứ 3 – 4 em học sinh có 1 em bị cận.
Tỷ lệ này ở trường chuyên, lớp chọn còn cao hơn rất nhiều có những lớp 44 cháu thì tới 18 cháu bị tật khúc xạ. Trong đó tật khúc xạ chủ yếu là cận thị chiếm tới 80%, loạn thị và viễn thị chỉ chiếm 15 - 20%.
Tỷ lệ học sinh phải đeo kính càng ngày càng tăng cao (Ảnh minh họa)
20 đi ốp cận do bẩm sinh
Giáo sư Đỗ Như Hơn – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, bệnh bẩm sinh do yếu tố di truyền, cha mẹ cận thị thì con cũng bị cận thị.
Loại này có đặc điểm là độ cận cao, có thể trên 20 đi ốp, độ cận tăng nhanh cả khi đã ở tuổi trưởng thành
Có nhiều biến chứng như: thoái hóa hắc võng mạc, xuất huyết hoàng điểm, bong hoặc xuất huyết thể pha lê, rách hay bong võng mạc... khả năng phục hồi thị lực của bệnh nhân kém dù được điều trị.
Hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ cận thị học đường tăng cao nhưng tỷ lệ cận thị bẩm sinh có được ghi nhận cũng không nhiều lắm. GS Hơn cho biết đa số những trường hợp bị cận thị bẩm sinh là những trẻ có độ cận nặng, thậm chí nặng đến 20 – 25 đi ốp.
Giáo sư Hơn cho biết cận thị dưới 6 đi ốp được coi là cận thị học đường không có khả năng di truyền nhưng cận thị cao hơn thì có thể di truyền cho con. Khi bị cận thị bẩm sinh gây ảnh hưởng thị lực cho trẻ.
Trong khi đó, để tầm soát được di truyền cận thị cho trẻ các bác sĩ nhãn khoa có thể làm được bằng cách phân tích gen nhưng các xét nghiệm sàng lọc này rất tốn kém, nên không phải gia đình nào cũng có thể sàng lọc được.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng trên 800 triệu người bị cận thị. Lứa tuổi học sinh (từ 7-16 tuổi) rất dễ mắc chứng cận thị, độ cận thị tiến triển càng nhanh do mức độ làm việc nhìn gần bằng mắt càng nhiều.
(Ảnh minh họa)
Một thống kê cho thấy, số người mắc tật khúc xạ tại Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 30% trong tổng số bệnh nhân đến khám; tỷ lệ bệnh và mức độ cận cũng tăng lên theo cấp học của học sinh, tỷ lệ cận thị ở học sinh đầu cấp là 18%.
Chính vì thế, phòng chống tật khúc xạ là cách tốt nhất bảo vệ đôi mắt của chính mình cũng như con cái. GS Hơn khuyến cáo mỗi người nên làm việc khoảng 30 - 45 phút nên để mắt nghỉ ngơi một lần khoảng 5 phút.
Những lúc nghỉ ngơi, bạn nên nhắm mắt lại khoảng 10 giây, tránh nhìn vào màn hình tivi, máy tính, điện thoại, ... có phát ra ánh sáng nguy hiểm có hại cho mắt.
Hướng tầm mắt ra xa khoảng 20m vào các khoảng không gian xanh để tập thể dục cho mắt nhìn xa. Khi bị cận thị phải được kiểm tra tại các chuyên khoa mắt và theo dõi 6 tháng lần để kiểm tra độ cận.
Trí thức trẻ/ Soha