MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Can thiệp vô ích, Trung Quốc sẽ bất lực trước cơn sốt giá hàng hoá?

29-05-2021 - 16:34 PM | Tài chính quốc tế

Can thiệp vô ích, Trung Quốc sẽ bất lực trước cơn sốt giá hàng hoá?

Goldman Sachs nhận định cú rớt giá sau khi Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo giới đầu cơ thậm chí còn là "1 cơ hội mua vào rõ ràng", vì giá nguyên vật liệu thô như đồng và đậu tương vẫn có xu hướng tăng trong dài hạn vì khan nguồn cung.

Nhiều khả năng nỗ lực kiềm chế cơn sốt nóng trên thị trường hàng hoá của Trung Quốc sẽ là vô ích vì nước này đã mất khả năng làm chủ thị trường toàn cầu, theo 2 ngân hàng lớn trên phố Wall.   

Nhóm chuyên gia phân tích của Goldman Sachs dẫn đầu bởi Jeff Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hoá, nhận định tốc độ hồi phục lực cầu ở các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là ở Mỹ, sẽ khiến Trung Quốc không còn là người mua lớn nhất và mất đi tầm ảnh hưởng cực lớn đến thị trường như trước đây.

Quan điểm đó cũng giống với nhận định của Ed Morse, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hoá tại Citigroup. Phát biểu trên Bloomberg Television hôm qua, chuyên gia này cho rằng mặc dù Trung Quốc rất nỗ lực kiềm chế đà tăng giá, thực trạng cán cân cung-cầu mới là thứ tác động mạnh nhất đến thị trường.

Là nước nhập khẩu nhiều nhất đối với nhiều loại hàng hoá, Trung Quốc đã cố gắng hạ nhiệt thị trường vì lo ngại lạm phát. Họ cũng đạt được một số thành công, ví dụ như giá quặng sắt tại thị trường nội địa đã giảm hơn 20% kể từ ngày 12/5 đến nay. Tuy nhiên, giá các nguyên liệu thô khác khó điều chỉnh hơn nhiều. Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index chỉ giảm khoảng 1% trong cùng kỳ.

Goldman Sachs còn nhận định cú rớt giá sau khi Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo giới đầu cơ thậm chí còn là "1 cơ hội mua vào rõ ràng", vì giá nguyên vật liệu thô như đồng và đậu tương vẫn có xu hướng tăng trong dài hạn vì khan nguồn cung.

Thực chất thì những gì Bắc Kinh đang làm giống như Washington trong thời kỳ giữa những năm 2000. "Khi các nhà bình luận không hiểu rõ thứ gì đang khiến giá cả biến hoá mạnh đến vậy, họ đổ lỗi cho giới đầu cơ".

Freeport-McMoRan, nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới trong số các công ty đã niêm yết, cũng nhận định tình trạng khan hiếm đồng sẽ đánh bại mọi nỗ lực kiềm chế giá tăng.

"Trong ngắn hạn, hành động của Trung Quốc có thể tạo ra một vài tác động. Tuy nhiên, thị trường đồng ngày nay sôi động một cách đặc biệt. Chúng ta vừa có những nguồn cầu mới lại vừa bị khan hiếm về nguồn cung", CEO của công ty nhận định.

Giá đồng gần đây liên tục lập kỷ lục mới do các nền kinh tế lớn phục hồi sau đại dịch và xu hướng năng lượng xanh làm dấy lên dự báo nhu cầu về kim loại này sẽ tăng vọt. "Thật khó để tìm thấy loại hàng hoá nào có nhu cầu mạnh như đồng. Đặc biệt là giờ đây nhu cầu đó không còn chỉ phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc như trước".

Theo Goldman, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thị trường hàng hoá không còn xoay quanh Trung Quốc nhiều như trước. Lý do lớn nhất khiến sức mạnh của Mỹ tăng lên đáng kể là các gói kích thích tài khoá của Washington, nhưng còn có những yếu tố khác. Trung Quốc không còn được hưởng lợi từ lao động giá rẻ hay các tiêu chuẩn môi trường khác biệt với thế giới như trước. Điều đó tạo ra sự thay đổi rất lớn.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên