MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần Thơ còn hơn 5 nghìn tỷ đồng cần giải ngân

Công tác triển khai thực hiện các dự án, công trình của Cần Thơ nhìn chung còn rất chậm. Ảnh minh họa: CK

Công tác triển khai thực hiện các dự án, công trình của Cần Thơ nhìn chung còn rất chậm. Ảnh minh họa: CK

Ngày 19/8, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các sở ngành, địa phương kiểm điểm, đánh giá tiến độ triển khai dự án và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, tính đến ngày 15/8, tỷ lệ giải ngân của thành phố là 29,1%. Trong đó, 33 chủ đầu tư cấp thành phố đạt 20,2%; còn 9 chủ đầu tư quận/huyện đạt 58,4%.

Tỷ lệ giải ngân của thành phố đạt thấp so với tỷ lệ giải ngân chung toàn quốc. Mặc dù Chủ tịch UBND TP đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng kết quả công tác triển khai thực hiện các dự án, công trình nhìn chung còn rất chậm.

Thời gian còn lại trong năm 2022 không còn nhiều, trong khi khối lượng và số vốn cần giải ngân còn rất lớn (trên 5 nghìn tỷ đồng). Hiện một số chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa hoàn tất hồ sơ tổ chức lựa chọn nhà thầu triển khai dự án, công tác bàn giao mặt bằng chưa đảm bảo tiến độ thi công ở một số công trình…

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, chủ tịch UBND quận/huyện tổ chức kiểm điểm, đánh giá tiến độ triển khai dự án và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, đề ra biện pháp khắc phục ngay và khẩn trương triển khai các nhiệm vụ.

Trong đó, khắc phục ngay các nguyên nhân chậm giải ngân, đảm bảo kết quả giải ngân của đơn vị mình đạt trên 95% kế hoạch vốn giao năm 2022. Trường hợp không đạt thì thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước Thành ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.

Giám đốc Sở KH&ĐT theo dõi, kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền điều chuyển vốn nội bộ, điều chuyển vốn sang đơn vị và dự án giải ngân tốt, đảm bảo hiệu quả và tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch.

Phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát khả năng cân đối nguồn vốn, nghiên cứu đề xuất phương án tạm dừng/cắt giảm các dự án chưa thật cấp bách trong giai đoạn 2021-2025; ưu tiên cân đối vốn các dự án trọng điểm , cấp bách theo chủ trương của trung ương và lãnh đạo thành phố.

Giám đốc các sở KH&ĐT, Xây dựng, GTVT, Công Thương, NN&PTNT, TN&MT, Chủ tịch UBND quận/huyện tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết kịp thời các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư, tiến độ thi công các gói thầu, tăng tỷ lệ giải ngân…

Theo Cảnh Kỳ

Tiền Phong

Trở lên trên