MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần tính tới các chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế chịu tác động bởi giá dầu

Cần tính tới các chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế chịu tác động bởi giá dầu

Theo nhiều chuyên gia, Chính phủ cần tính tới các chính sách hỗ trợ cụ thể cho những ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu, qua đó giảm áp lực lên giá hàng hoá những tháng cuối năm.

Ngay trong tháng 9 này, lần đầu tiên thị trường xăng dầu trong nước đã chứng kiến giá các mặt hàng nhiên liệu dầu hoả và điêzen tăng mạnh và đứng ở mức cao, vượt 25.000 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành gần đây, giá các mặt hàng dầu đã được điều chỉnh giảm hơn 1.000 đồng/lít, song các dự báo cho thấy, nhu cầu về dầu diêzen tiếp tục tăng cao do nhiều quốc gia EU và Mỹ tăng mua trữ cho sản xuất và sưởi ấm vào mùa đông, đồng nghĩa sẽ tiếp tục đẩy giá dầu đứng ở mức cao trong những tháng tới đây.

Theo nhiều chuyên gia, Chính phủ cần tính tới các chính sách hỗ trợ cụ thể cho những ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu, qua đó giảm áp lực lên giá hàng hoá những tháng cuối năm.

Hiện nay có 4 loại thuế đang thu trên các mặt hàng xăng dầu nói chung, đó là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế/phí bảo vệ môi trường.

Trong đó, Việt Nam không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt và áp dụng mức thuế/phí bảo vệ môi trường rất thấp đối với các mặt hàng dầu do xác định dầu là nhiên liệu đầu vào quan trọng của các ngành sản xuất, kinh doanh. Thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dầu về cơ bản cũng đã về 0% do áp dụng/tuân thủ theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các nước đối tác và cộng đồng quốc tế…

Ngay cả thuế nhập khẩu ưu đãi theo hình thức tối huệ quốc (MFN) cũng đã giảm về 7% đối với các loại dầu diesel, madút, dầu hỏa và nhiên liệu bay.

Cần tính tới các chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế chịu tác động bởi giá dầu - Ảnh 1.

Theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng quỹ bình ổn đối với điều hành giá xăng dầu nói chung, các mặt hàng dầu nói riêng không có nhiều dư địa, do việc trích lập vào quỹ bình ổn đối với mặt hàng dầu là không nhiều.

Theo tính toán của chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, các loại thuế, phí đang còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu giá xăng, dầu (cụ thể khoảng dưới 20% đối với xăng và chỉ từ 7 đến 9% đối với các mặt hàng dầu). Vì vậy, việc đề xuất miễn/giảm tiếp các loại thuế với xăng, dầu cần được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi dư địa giảm thuế đối với các mặt hàng dầu là không đáng kể.

Phân tích một số bất cập từ đề xuất tiếp tục giảm thấp thuế đối với xăng, nhất là việc xin giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế/phí bảo vệ môi trường đối với mặt hàng được khuyến nghị hạn chế tiêu dùng là không phù hợp, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, làm như vậy sẽ tạo ra sự không công bằng cho người sử dụng, do tác động từ đi lại, vận chuyển từ phương tiện dùng xăng tới nền kinh tế là không lớn mà chủ yếu xăng phục vụ phương tiện cá nhân - nghĩa là những người có thu nhập cao, càng tiêu dùng xăng nhiều thì càng được hỗ trợ nhiều hơn, còn người có thu nhập thấp, sử dụng phương tiện xe máy, xe thô sơ thì được hỗ trợ ít hơn, thậm chí là không được hỗ trợ.

Trước tác động của giá dầu tăng cao ảnh hưởng tới nhiều ngành sản xuất, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị: "Chúng tôi cho rằng việc quan trọng nhất, chúng ta cần hỗ trợ khi có những thay đổi đột biến trong lĩnh vực xăng dầu; đó là tìm nguồn ngân sách nhà nước, ngành nghề, những loại hàng mà cần thiết hỗ trợ để đáp ứng mục tiêu nhất định. Thì lúc đó nó vừa đảm bảo được vai trò của Nhà nước trong việc điều chỉnh giá cả của hàng hóa.

Đồng thời nó cũng thể hiện việc Nhà nước quan tâm đến lĩnh vực này hay lĩnh vực khác để phát triển theo yêu cầu của nền kinh tế quốc dân cũng như của Nhà nước; và vai trò của Nhà nước cũng thể hiện rất rõ, và người mà nhận được hỗ trợ đó người ta cũng thấy rằng Nhà nước đã quan tâm đến lĩnh vực, ngành nghề của mình... thì nó sẽ phù hợp hơn".

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty chứng khoán dầu khí, do mặt hàng dầu tác động mạnh tới các ngành vận tải, dịch vụ/logistics, hoạt động sản xuất công nghiệp (nhất là ngành khai thác than) và các hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản trong ngành nông nghiệp nên việc điều hành giá dầu cần tính tới phương án giữ ổn định giá mặt hàng này.

Theo ông Tuấn: "Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện chỉ áp dụng với giá xăng còn dầu hiện tại không bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt, đang ở mức 0%. Trong thời gian tới có chăng nhà nước chỉ có thể áp dụng, một là sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm áp lực tăng giá dầu diesel.

Cái thứ hai là có chính sách cho dầu diesel sản xuất trong nước tại các nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn tiêu thụ trong nước sẽ có mức ưu đãi về chiết khấu giá nào đó để giá dầu diesel bình ổn, bớt ảnh hưởng tới CPI trong thời gian tới…".

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng quỹ bình ổn đối với điều hành giá xăng dầu nói chung, các mặt hàng dầu nói riêng không có nhiều dư địa, do việc trích lập vào quỹ bình ổn đối với mặt hàng dầu là không nhiều. Ví như 1 số kỳ điều hành gần đây, cơ quan điều hành giá chỉ trích lập quỹ bình ổn đối với dầu diesel ở mức 90 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg (như kỳ trước) trong khi biến động giá lại khá lớn.

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thưởng trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, cùng với tăng dự trữ dầu, phải có các đánh giá cụ thể tác động của giá dầu lên từng ngành kinh tế, qua đó chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ trực tiếp cho từng đối tượng cụ thể.

"Trong Nghị quyết của Chính phủ cũng nói rằng điều chỉnh các yếu tố cấu thành chi phí xăng dầu thì có biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng gặp khó khăn như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, tức là những người có thể chịu ảnh hưởng, như vậy, biện pháp hỗ trợ trực tiếp, cụ thể ngoài biện pháp hỗ trợ về các chi phí về cấu thành giá (thuế, phí).

Như vậy rõ ràng là tôi thấy rằng về mặt vĩ mô và về mặt chủ trương thì theo tôi rõ ràng đây là những biện pháp mà Quốc hội cũng đã thảo luận, đã đưa ra Nghị quyết, và sắp tới - hiện nay, trong bối cảnh này thì tôi cũng rất mong là những chỉ đạo này được thực thi một cách quyết liệt hơn, kịp thời hơn…" - chuyên gia Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, cùng với cac biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ thì sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng là giải pháp quan trọng của các ngành nghề, doanh nghiệp, vừa góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, vừa góp phần giảm áp lực phải nhập khẩu xăng dầu../.

Theo Nguyên Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên