MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần tổng rà soát bằng cấp của cán bộ có chức, có quyền

29-10-2017 - 11:26 AM | Xã hội

Đạo đức của người công chức, viên chức và đặc biệt của người đảng viên không cho phép bất cứ ai được gian dối với tổ chức.

“Cần tổng rà soát công tác cán bộ và việc tuân thủ quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành”. Đó là đề nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên cơ sở tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, việc làm này sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, có năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo các đại biểu, việc tổng rà soát công tác cán bộ trong thời điểm hiện nay là cần thiết. Bởi tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển đang diễn ra gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và niềm tin của người dân với các cơ quan nhà nước. Chính vì thế, tổng kiểm tra rà soát là việc làm đúng định hướng, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đồng thời, loại bỏ ra khỏi tổ chức những cá nhân không đủ năng lực, trình độ.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, đoàn Đà Nẵng

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, đoàn Đà Nẵng cho rằng: “Việc rà soát để xem có đảm bảo hay không, nhưng đồng thời cũng phải xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan chịu trách nhiệm về việc đó. Vấn đề còn lại là chúng ta xác lập một chương trình làm việc, phương pháp làm việc, vừa đảm bảo khách quan, đảm bảo tính chính xác”.

Một trong những yếu tố được các đại biểu quan tâm trong rà soát công tác cán bộ, đó là việc sử dụng bằng cấp của cán bộ công chức viên chức. Bởi thực tế cho thấy, đã có trường hợp bị phát hiện sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực. Việc sử dụng bằng cấp gian dối không chỉ diễn ra ở một địa phương mà xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp. Do vậy, đây sẽ là một trong những nội dung trọng tâm cần rà soát. Nếu phát hiện sai phạm trong sử dụng bằng cấp của cán bộ thì cần căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý. Còn với trường hợp cán bộ vi phạm trong sử dụng bằng cấp thì phải xem xét lại toàn bộ tư cách của cán bộ đó và nếu vi phạm thì tùy theo mức độ để xử lý.

Đại biểu Triệu Thế Hùng, đoàn Lâm Đồng

Đại biểu Triệu Thế Hùng, đoàn Lâm Đồng phân tích: “Bằng cấp chỉ là một phần đánh giá đối với năng lực của cán bộ công chức, nhưng cũng phải nói rõ rằng, trách nhiệm của cán bộ công chức đã có Luật Công chức và Luật Viên chức. Tức là anh đã được quyền khai hồ sơ, khai bằng cấp thì anh phải đảm bảo sự trung thực về bằng cấp đó. Đó là đạo đức của người công chức và người viên chức, không thể khai man, khai gian dối với tổ chức được. Đặc biệt đối với những cán bộ cao cấp thì đây còn là đạo đức của người đảng viên”.

Để thực hiện tốt việc rà soát, làm cho đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, có năng lực để quản lý điều hành công việc được giao, các đại biểu cho rằng, cần giao cho Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, xem xét lại tất cả bằng cấp của cán bộ có chức, nhất là người có quyền. Đồng thời, khuyến khích toàn dân, cán bộ công chức tham gia tố cáo những trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình nêu ý kiến: “Việc rà soát này không có gì khó, cũng giống như việc thành phố Hà Nội yêu cầu công chức Nhà nước tự giác khai báo việc làm của mình trong sử dụng bằng giả. Thứ hai là phát động toàn dân, cán bộ công chức tố cáo, kể cả tố cáo nặc danh những trường hợp bằng cấp giả, sau đó tổ chức thanh tra rà soát. Thứ ba, yêu cầu thu nộp các bằng cấp, Bộ Giáo dục-Đào tạo hoặc bộ phận nào làm nhiệm vụ kiểm soát bằng cấp sẽ tìm ra đối tượng sử dụng bằng giả”.

Các đại biểu cũng đề nghị, sau khi kiểm tra, rà soát, đối với những trường hợp vi phạm, cần công khai trước nhân dân. Có như vậy, mới thể hiện tính nghiêm minh của bộ máy Nhà nước, của quá trình quản lý và củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống tổ chức thanh tra hiện nay.

Theo Hà Nam - Lê Thơm

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên