MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng với chiêu trò của thương lái

31-12-2016 - 14:19 PM | Thị trường

Cứ vào dịp lễ, tết cuối năm, nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng cao. Để đảm bảo cho nguồn cung dồi dào, giá cả không bị tăng đột biến, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi đều có kế hoạch tăng đàn, tăng diện tích nuôi trồng để đảm bảo cho thu hoạch đúng vào dịp lễ tết.

Ngay cả những nhà quản lý ngành công thương đều khẳng định: Việc điều tiết thị trường là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nhu cầu tăng đột biến có thể dẫn tới tình trạng giá bán tăng cục bộ ở một số nơi, một số lúc. Chính vì vậy, công tác dự báo, điều tiết thị trường là hết sức cần thiết.

Đến nay, chỉ còn cách Tết Nguyên đán chưa đến một tháng, giá hầu hết các mặt hàng đều có xu hướng giảm so với các thời điểm khác trong năm (nếu áp dụng cả chương trình khuyến mãi kích cầu), nhưng điều tưởng như vô lý là giá thịt lợn (mặt hàng chủ lực chính trong nhóm ngành hàng thực phẩm) liên tục giảm, trong khi đó giá bán đến tay người tiêu dùng không có xu hướng giảm như quy luật tự nhiên. Đánh giá bước đầu của cơ quan chức năng là thị trường thịt lợn đang ở trong thế cung vượt cầu kèm với việc thương lái Trung Quốc dừng thu mua.

Việc dư cung có nhiều nguyên nhân do tình trạng nông dân phát triển, tăng đàn với số lượng nhiều dự kiến khoảng 5 - 10% so với các tháng đầu năm 2016. Nguồn cung dư giá lợn giảm đến nay khoảng 20 - 25% so với các tháng khác trong năm duy trì ở mức khoảng 40.000đ/kg (miền Nam) và 42.000 - 44.000đ/kg (miền Bắc). Điều này diễn biến hoàn toàn bất thường so với quy luật mọi năm gần tết giá thịt lợn thường tăng do nhu cầu tăng. Giá thịt lợn tại trang trại hiện nay vẫn tiếp tục giảm mạnh. Nhiều hộ chăn nuôi một thời gian dài giữ lợn vì giá giảm nhưng đến nay vẫn phải quyết định cho xuất chuồng vì càng nuôi càng lỗ.

Không chỉ nông dân, trang trại lợn mà ngay kể cả trang trại gia cầm cũng trong tình trạng tương tự. Vì vậy, mỗi ngành đều có quy hoạch, khi nông dân phá vỡ quy hoạch, tăng trưởng “nóng” một mặt hàng theo mối đặt của thương lái (đặc biệt là thương lái của Trung Quốc) thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho thị trường. Đến nay, các thương lái thu mua lợn phải thừa nhận: Mặc dù giá thu mua lợn tại trang trại, hộ dân giảm mạnh nhưng giá tại thị trường vẫn cao còn do độ trễ của giá và cước phí vận chuyển có sự điều chỉnh theo hướng tăng.

Đó là những lý do của thương lái thu mua, thiệt hại trước mắt vẫn thuộc về người chăn nuôi khi chưa tìm được “đầu ra” ổn định cho sản phẩm của mình, mà vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái.

PV

Theo Lao động

Trở lên trên