Cẩn trọng với mở room ngoại
Giới chuyên môn cũng cảnh báo cần hết sức cân nhắc với quy định theo hướng mở quá lớn đối với một ngành được đánh giá khá nhạy cảm như ngân hàng. Đặc biệt, sở hữu của cổ đông nước ngoài có nhiều yếu tố phức tạp, nên càng cần để các ngân hàng tự quyết định...
- 15-09-2020Mở toang room ngoại: Ngân hàng không đồng tình!
- 09-09-2020Nam A Bank sắp đưa cổ phiếu lên UPCoM, để "room" ngoại ở tối đa 30%
- 09-09-2020Nhiều ngân hàng khóa “room” ngoại để tính chuyện đường dài
-
Nhiều khả năng tổng mức giảm giá của VND so với USD trong cả năm nay chỉ khoảng 2%
-
Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và cũng nhằm khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn từ trước khi diễn ra
Gần đây một số ngân hàng bất ngờ "khoá" room ngoại như Techcombank vừa chốt ở 22,5%; HDBank điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại từ mức 30% xuống còn 21,5%, VPBank cũng quyết định giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 22,77% xuống còn 15%...
Lý giải cho sự thay đổi này, lãnh đạo ngân hàng cho biết, đây là bước đi nhằm giữ lại "room" để chào bán cho các đối tác ngoại khi thị trường tài chính ổn định trở lại. Còn HDBank giải thích động thái này nhằm phục vụ kế hoạch với đối tác chiến lược.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, động thái trên có thể do các ngân hàng chưa tìm được nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) phù hợp với họ nên tạm khóa room ngoại chứ không phải là khóa vĩnh viễn với NĐTNN. "Ngân hàng có thái độ cẩn trọng để chọn mặt gửi vàng là điều cần thiết. Việc tạm thời khóa room khi chưa tìm được NĐTNN chiến lược mà ngân hàng mong muốn là hợp lý", TS. Hiếu bày tỏ quan điểm.
Thực tế thời gian qua, các ngân hàng cũng thường xuyên dùng quyền mở, đóng room và nó mang lại hiệu quả giúp ngân hàng vừa tìm đối tác đầu tư dài hạn hỗ trợ phát triển, vừa bán mức giá có lợi nhất. Đơn cử như cuối năm 2019 BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng, tương đương với giá gần 34.000 đồng/cp, cũng được đánh giá khá tốt trong giai đoạn đó. Hay tại OCB, không tiết lộ con số cụ thể, nhưng chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo OCB cho biết, mức giá cổ phần bán cho NĐTNN Aozora rất tốt...
Tuy nhiên, có thể từ năm 2021, quyền tự quyết về room ngoại của ngân hàng sẽ không còn. Tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán mà UBCKNN vừa đưa ra lấy ý kiến dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho NĐTNN của các DN đại chúng. Cụ thể, theo quy định hiện hành (Nghị định 60/2015/NĐ-CP), các công ty đại chúng không thuộc đối tượng trường hợp ngành nghề có tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo điều ước quốc tế hoặc ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Nhưng tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán UBCKNN vừa đưa ra lấy ý kiến thì cụm từ "trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác" đã bị bỏ. Các ngân hàng lo lắng với việc loại bỏ cụm từ trên đồng nghĩa với việc ngân hàng bị tước quyền quyết định room vốn ngoại.
Lãnh đạo một ngân hàng cho hay, ngân hàng đang tìm kiếm đối tác chiến lược để lấp đầy khoảng trống room ngoại còn lại. Đã có một số NĐTNN ngỏ ý tìm hiểu, nhưng ngân hàng này rất thận trọng, tiếp tục xem xét tìm hiểu thêm để chọn nhà đầu tư năng lực tài chính tốt, phù hợp với chiến lược của ngân hàng. Điều quan trọng nữa là chọn thời điểm phù hợp để đàm phán giá có lợi nhất.
"Bây giờ nếu không cho ngân hàng tự quyết mà lại mở toang room cho nhà đầu tư ngoại, khả năng đàm phán thất bại là rất lớn. Bởi họ sẽ chọn mua bán trên sàn để lựa giá tốt cho mình thay vì ký hợp đồng hợp tác kèm với cam kết hỗ trợ dài hạn ngân hàng", vị này cho biết.
Mặt khác theo nhận định của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nếu áp dụng quy định trên dẫn đến có quá nhiều NĐTNN là nhà đầu tư ngắn hạn trên thị trường là cổ đông của ngân hàng, có thể gây tác động tiêu cực đến quản trị, thay đổi định hướng phát triển hoặc gây bất ổn định đến cơ cấu cổ đông, quản trị điều hành của ngân hàng.
Trong văn bản 5924/NHNN-PC góp ý Dự thảo, NHNN cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần trả lại quyền tự quyết về room ngoại cho DN. Cụ thể, tại Điểm b khoản 1 Điều 131 Dự thảo Nghị định, NHNN đề nghị bổ sung quy định: "... thực hiện theo quy định tại pháp luật đó và Điều lệ của công ty trong đó bao gồm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Điều lệ công ty trong phạm vi giới hạn tối đa pháp luật quy định". Bởi, hiện nay các quy định của pháp luật chỉ đưa ra các tỷ lệ nắm giữ của NĐTNN tối đa không vượt quá một tỷ lệ nhất định chứ không quy định tỷ lệ này là cố định.
Theo đó, các công ty có quyền quyết định một tỷ lệ khác nằm trong tỷ lệ sở hữu NĐTNN do pháp luật quy định cho từng ngành, lĩnh vực. Ngoài lý do trên, NHNN cho rằng, việc trao quyền tự quyết room cho DN còn là cơ sở để các DN cân nhắc việc tham gia của NĐTNN phù hợp với mục tiêu lựa chọn cổ đông chiến lược, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư theo chiến lược phát triển của công ty.
Có quan điểm tương đồng, LS. Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, tỷ lệ sở hữu vốn ngoại thuộc về quyền tự quyết của DN, không nên tước bỏ quyền hay bắt DN phải bán cổ phần cho NĐTNN với tỷ lệ bao nhiêu, trừ những ngành mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại. Chưa kể, công ty cổ phần hoạt động theo nguyên tắc đối vốn, cổ đông lớn có nhiều quyền hơn trong việc đưa ra các quyết định tại DN, trong đó có tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng với NĐTNN. Do đó, việc trao quyền cho ĐHCĐ của DN quyết định room vốn ngoại là hợp lý.
Không những vậy, giới chuyên môn cũng cảnh báo cần hết sức cân nhắc với quy định theo hướng mở quá lớn đối với một ngành được đánh giá khá nhạy cảm như ngân hàng. Đặc biệt, sở hữu của cổ đông nước ngoài có nhiều yếu tố phức tạp, nên càng cần để các ngân hàng tự quyết định. Đối với ngành kinh doanh đặc thù, có nhiều yếu tố nhạy cảm như ngân hàng, TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, quy định này tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cần thận trọng.
Có hai lý do, theo TS. Thành cần cân nhắc đó là, thời điểm này có thể khuyến khích mở, nhưng đến khi cần phải khóa room cũng rất phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng. Điểm nữa, ngoài tuân thủ Luật DN, Luật Chứng khoán, các ngân hàng đang chịu điều chỉnh của luật chuyên ngành là Luật Các TCTD. Các luật này phải đảm bảo tính thống nhất tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Việc đưa ra quy định mới "phủ" quy định cũ gây bất ổn cho nền kinh tế cần hết sức tránh.
Thời báo ngân hàng