Cần xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp với đồ uống có đường
Nhiều ý kiến lo ngại, không chỉ các sản phẩm nước giải khát, có thể sản phẩm nước ép từ hoa quả tự nhiên hay cả sản phẩm thiết yếu như sữa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
- 23-07-2021Doanh nghiệp đồ uống, sữa, nước giải khát ‘kêu cứu’ vì không phải hàng thiết yếu
- 20-04-2020Nielsen: Ngành bia, đồ uống tăng trưởng âm; hơn 60% người tiêu dùng sẽ ăn ở nhà nhiều hơn sau đại dịch
- 10-08-2019Ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam thu hút các DN ngoại
Cần xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp với đồ uống có đường - VTV.VN
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về việc xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó, nội dung đáng lưu ý và còn nhiều băn khoăn của dự thảo luật này là bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mục đích bảo vệ sức khỏe của người dân và giảm tình trạng thừa cân và béo phì.
Điều đáng bàn là Bộ Tài chính cũng chưa nêu rõ " đồ uống có đường" là những sản phẩm nào. Do vậy, có thể được hiểu là tất cả các sản phẩm dùng để uống có chứa đường. Nhiều ý kiến lo ngại, không chỉ các sản phẩm nước giải khát mà còn có thể bao gồm cả những sản phẩm nước ép từ hoa quả tự nhiên hay cả một số sản phẩm thiết yếu như sữa, các sản phẩm từ sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… Nếu bị đánh thuế thì sẽ làm gia tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Cần phân loại rõ đồ uống có đường để áp thuế
Mới đây, Hiệp hội sữa Việt Nam có văn bản kiến nghị tới Bộ Tài chính, trong đó nêu rõ sữa và các sản phẩm từ sữa giúp nâng cao sức khỏe cho toàn dân và giảm tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em. Chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy có hệ quả giữa việc uống sữa và béo phì. Vì vậy, dự thảo Luật cần phân loại rõ ràng các đồ uống có đường để đánh thuế, tránh áp thuế các sản phẩm từ sữa.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nói: "Việc bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản phẩm đồ uống có đường nhưng không loại trừ các sản phẩm có lợi cho sức khoẻ như sữa, các sản phẩm dinh dưỡng, việc này sẽ làm giá mặt hàng trên sẽ tăng và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, sự phục hồi của người già, người bệnh. Doanh nghiệp sữa kiến nghị loại trừ sản phẩm sữa và sp đồ uống dinh dưỡng".
Ngoài ra, Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng kiến nghị, trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn như hiện nay, Bộ Tài chính cân nhắc chưa xem xét mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Nguy cơ nhiều sản phẩm sữa sẽ tăng giá nếu bị áp thuế
Việc áp thuế đối với đồ uống có đường, trong đó có các sản phẩm từ sữa, nếu áp dụng cũng sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm tăng lên, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm của người dân.
Chị Trần Kim Anh, tỉnh Yên Bái, nói: "Nếu mà đánh thuế làm tăng giá sữa thì 1 tháng tôi mua sữa cho con 4-5 lần, tôi chỉ có thể mua được 3 lần thôi".
Chị Lâm Phúc, đường Kim Mã, TP Hà Nội, cho biết: "Sữa con uống hàng tháng thì không thể cắt giảm được, vẫn phải uống hàng ngày. Trong trường hợp Nhà nước tăng thuế, giá thành sản phẩm cao hơn, có thể bố mẹ phải thắt chặt mua bán sản phẩm khác".
Tại báo cáo đánh giá tác động, Bộ Tài chính dẫn chứng theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì. Giai đoạn 2002 - 2016 thì tỷ lệ thừa cân đối với người trưởng thành ở Việt Nam (trên 18 tuổi) ở cả 2 giới đã tăng 68%.
Tuy nhiên, cũng theo WHO, ngoài đồ uống có đường thì còn có nhiều nguyên nhân khác gây ra thừa cân, béo phì như ăn các thực phẩm giàu chất béo, thói quen lười vận động, môi trường sống, việc sử dụng thuốc hay thậm chí cả di truyền.
Một nghiên cứu được trình bày tại Đại hội tim mạch châu Âu 2022 chỉ ra rằng thời gian ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi ngày cũng có khả năng khiến thanh thiếu niên bị béo phì cao hơn. Điều này cho thấy, đồ uống có đường dù không được khuyến khích nhưng cũng không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng béo phì.
Chính sách đánh thuế đồ uống có đường tại các quốc gia
Tại Anh, thuế đánh vào các đồ ăn và nước uống có đường được áp dụng từ năm 2018 sau khi tình trạng béo phì ở trẻ em trở nên đáng báo động. Nếu hàm lượng đường là từ 5-8 gram đường trên 100 ml đồ uống thì chịu thuế 18 xu, còn cao hơn 8 gram đường thì thuế là 24 xu. Tuy nhiên, những loại nước hoa quả có đường tự nhiên và các loại sữa có đường được miễn thuế. Thời gian gần đây, có những ý kiến trong chính phủ đề xuất loại bỏ thuế này do lạm phát đẩy các loại chi phí sinh hoạt lên cao.
Thậm chí, như tại Na Uy, thuế đánh vào các mặt hàng có đường đã tồn tại từ năm 1922. Tuy nhiên gần đây, chính phủ nước này đã điều chỉnh chính sách thuế này để tách biệt riêng rẽ 2 loại thuế dành cho bánh kẹo và đồ uống có đường.
Một trong những kết quả từ việc đánh thuế này là tại Na Uy, doanh số bán ra của các loại đồ uống có đường đã giảm đáng kể vì giá cả trở nên đắt đỏ hơn. Nhưng cũng có hiện tượng người dân lái xe qua biên giới sang nước láng giềng Thuỵ Điển để mua đồ ngọt vì chúng rẻ hơn. Còn một nghiên cứu thực hiện năm 2020 cũng cho thấy, tình trạng béo phì thừa cân cũng không được cải thiện nhiều.
Quốc gia Trung Mỹ Mexico cũng áp dụng thuế đặc biệt đối với các loại nước ngọt từ năm 2014 nhưng quốc gia này vẫn miễn thuế cho các loại sữa công thức cho trẻ em, các sản phẩm từ sữa và nước hoa quả. Theo một nghiên cứu của trang FoodBev.com, thời gian đầu người tiêu dùng Mehico đúng là có giảm việc tiêu thụ nước ngọt, nhưng sau đó mức tiêu thụ lại quay trở về ban đầu. Điều này cho thấy mục tiêu vì sức khoẻ cộng đồng khó mà thực hiện được nếu người dân không thay đổi thói quen ăn uống vốn có.
Nhiều quốc gia cũng đã áp thuế với các đồ uống có đường, nhưng họ đã có sự phân loại rõ ràng, hàm lượng đường cao thì đánh thuế cao hơn. Nhưng có thể thấy là hiệu quả từ việc đánh thuế và giảm tỷ lệ béo phì cũng chưa tương đồng.
Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Tài chính cần có nghiên cứu kỹ, có thêm thời gian để đánh giá tác động của việc áp thuế đối với đồ uống có đường với sức khỏe của người dân và doanh nghiệp. Trong trường hợp đánh thuế cũng cần phân loại rõ ràng từng sản phẩm, có lộ trình áp thuế phù hợp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Cần xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp với đồ uống có đường
Năm 2023, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình Chính phủ các phương án để miễn, giảm, gia hạn thuế phí cho người dân và doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Vì vậy, theo các chuyên gia thời điểm này chưa phải là phù hợp để mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam, cho biết: "Mong rằng Bộ Tài chính cân nhắc thời điểm trình dự luật, cân nhắc việc tăng thuế trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế còn khó khăn. Tiêu dùng đang có xu hướng giảm. Năm 2023 cũng là năm Quốc hội và Chính phủ đang hỗ trợ việc phục hồi nên những đề xuất tăng nghĩa vụ của doanh nghiệp cần cân nhắc thận trọng".
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu, nước giải khát Việt Nam, nhận định: "Tăng thuế là chi phí cao, doanh thu giảm, lợi nhuận giảm thì đóng thuế giảm, tất cả liên hoàn với nhau".
Đánh thuế đồ uống có đường ngay lập tức cũng sẽ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp trực tiếp sản xuất và cũng như lực lượng lao động trong cả chuỗi cung ứng của ngành.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc áp thuế với đồ uống có đường có thể lùi 1 thời gian để doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ngoài ra, có thể áp thuế theo tỷ lệ % đường trong sản phẩm, giống như đang áp dụng đánh thuế cho bia rượu hiện nay và loại trừ các sản phẩm thiết yếu hàng ngày như sữa.
VTV.VN