MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần xóa đặc quyền của VFA

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ là hiệp hội của doanh nghiệp xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp lớn.

Sáng 30-3, tại Hà Nội, VEPR và Liên minh Nông nghiệp tổ chức hội thảo đánh giá vai trò của VFA đối với ngành lúa gạo và đề xuất các giải pháp cải tổ hiệp hội. Báo cáo của VEPR đã chỉ ra hàng loạt vấn đề cần thay đổi trong cách thức tổ chức và hoạt động của VFA.

Không phản ánh đúng nguyên tắc tự nguyện

Theo báo cáo của nhóm tác giả đến từ VEPR, lịch sử cho thấy việc ra đời của VFA, ngay từ đầu đã không phản ánh đúng nguyên tắc căn bản là "dựa trên sự tự nguyện của các thành viên" mà theo ý chí của bộ phận các cơ quan quản lý nhà nước, kỳ vọng sẽ trở thành "cánh tay nối dài" của Chính phủ để quản lý ngành gạo. Bộ máy quản lý, điều hành VFA hoạt động rất kém hiệu quả và minh bạch.

Nhóm nghiên cứu cho rằng theo điều lệ, VFA được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện nhưng vị trí chủ tịch hiệp hội vẫn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê chuẩn. Vị trí này cũng thường do lãnh đạo của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thay nhau đảm nhận. Nhiều mâu thuẫn nội bộ bùng phát từ đây, khi liên tục có sự thiếu minh bạch và tự nguyện trong bầu cử lãnh đạo.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nhận xét VFA chỉ là hiệp hội của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của DN lớn. Bởi một trong những rào cản lớn nhất đối với việc gia nhập VFA hiện nay là phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Chính phủ.

Cần xóa đặc quyền của VFA - Ảnh 1.

Dù là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam vẫn chưa có những thương hiệu gạo lớn trên thị trường thế giới. Ảnh: NGỌC TRINH


Tính đại diện thấp

Theo VEPR, Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tiêu chuẩn thương nhân xuất khẩu gạo dựa trên quy mô sản xuất và địa bàn hoạt động. Nhiều DN quy mô nhỏ, đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao lại không đủ điều kiện trở thành thành viên của VFA. Như vậy, dù VFA có tên đầy đủ là Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhưng không bao phủ tới nông dân, thương nhân trung gian, mà còn không đại diện cho quảng đại cộng đồng DN đang hoạt động trong ngành gạo.

Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng khẳng định VFA đang không làm tròn vai trò bảo vệ hội viên, bị chỉ trích mạnh mẽ khi trực tiếp tham gia quá trình thực thi Nghị định 109, được cho là làm cản trở sự phát triển của hội viên. Thực tế, VFA đang thực thi vai trò bảo vệ lợi ích cho các DN nhà nước, thay vì đông đảo DN tư nhân, thể hiện rõ qua triển khai hợp đồng tập trung. Các quyết định phân bổ của VFA dựa trên cách tiếp cận từ phía quản lý, không dựa trên sự đồng thuận và tự nguyện của hội viên từ trước. Giá gạo theo hợp đồng tập trung trong nhiều trường hợp rất thấp, gây thua lỗ cho DN được phân giao chỉ tiêu và trực tiếp ép giá lúa thu mua cho nông dân giảm.

Theo VEPR, ưu đãi lãi suất trong chính sách mua, tạm trữ lúa gạo thực chất là một hình thức trợ cấp, nhưng VFA và các DN nhà nước là thành phần được hưởng lợi nhiều nhất.

"Mục tiêu của chính sách mua, tạm trữ thóc gạo hướng đến nông dân trồng lúa đã thất bại và VFA, với bản chất là hiệp hội của DN xuất khẩu, đã không có trách nhiệm về lợi ích của nông dân trồng lúa" - báo cáo của VEPR nêu.

Từ những phân tích trên, nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến nghị trong ngắn hạn, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 109, qua đó xóa bỏ đặc quyền của hiệp hội này. Trong dài hạn, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của hội, hiệp hội. Phân rõ nhiệm vụ và trách nhiệm giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và hiệp hội.

Vai trò mờ nhạt

Từ phía DN, ông Trần Dương, Công ty CP Đầu tư - Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm ITA - RICE, đặt vấn đề vai trò của VFA ở đâu khi mà Việt Nam tự hào xuất gạo nhiều nhất thế giới trong nhiều năm nhưng lại không có thương hiệu gạo ở thị trường nước ngoài. Không những vậy, nhiều lô gạo xuất khẩu bị đối tác trả về do không đạt chất lượng. "VFA có tìm hiểu hay giám sát số gạo bị trả về đi đâu hay quay lại bán ở thị trường để người tiêu dùng trong nước tiêu thụ gạo kém chất lượng" - ông Dương thắc mắc và cho rằng khi bán ra thị trường, "gạo bị trả về" cũng như gạo sạch sẽ như nhau, gây khó cho DN làm hàng nội địa.

Một nữ doanh nhân trong lĩnh vực gạo thừa nhận nhu cầu thông tin thị trường đối với các DN là rất lớn, tuy nhiên hầu hết những thông tin VFA cung cấp cho DN đều quá muộn so với thực tế.

TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, đề nghị trước mắt, VFA nên đổi tên là "Hiệp hội Xuất khẩu gạo Việt Nam" thay vì chung cho cả ngành lương thực. VFA cần xác định rõ vai trò hàng đầu là bảo vệ quyền lợi của hội viên trên thị trường quốc tế; dẫn dắt, định hướng phát triển thị trường lúa gạo theo đúng mục tiêu tăng chất lượng, tăng giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Quyền lực lớn

Theo báo cáo của VEPR, hai vấn đề tồn tại trong mối quan hệ giữa VFA với thị trường là giá sàn xuất khẩu gạo và sự nổi lên của thị trường Trung Quốc. Theo Nghị định 109, VFA được giao nhiệm vụ công bố giá sàn gạo xuất khẩu trong từng thời kỳ để làm cơ sở cho việc ký kết và đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Quyền lực xác định và công bố giá sàn của VFA "tình cờ" có tác động đặc biệt lớn, có lợi cho Vinafood 1 và Vinafood 2 khi ký kết các hợp đồng tập trung và cạnh tranh giá trên thị trường.

"Kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam đều cho thấy chính sách giá sàn là một thất bại của Chính phủ để giải quyết vấn đề thị trường. Sự nổi lên của thị trường Trung Quốc khiến mối quan hệ, hay chính xác là quyền lực của VFA với thị trường trở nên yếu hơn trước" - VEPR nhận định.


Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên