Cần xử lý đối tượng lôi kéo, mời nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp sai luật
Những đối tượng lôi kéo, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp vi phạm, hiểu không đúng bản chất của trái phiếu dẫn tới rủi ro cũng cần có quy định xử lý.
- 08-06-2022Không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp
- 07-06-2022Doanh nghiệp bất động sản đứng trước áp lực trả nợ trái phiếu lớn trong 2-3 năm tới
- 04-06-2022Doanh nghiệp địa ốc rục rịch phát hành trái phiếu trở lại sau thời gian “vắng bóng”
Đây là ý kiến được bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, chia sẻ tại Hội nghị nhà đầu tư thường niên (Invest ASEAN 2022) do Công ty chứng khoán Maybank tổ chức chiều 8-6 ở TP HCM.
Số liệu báo cáo của Bộ Tài chính gửi tới kỳ họp Quốc hội đang diễn ra cho thấy, trong quý I/2022, tỉ lệ mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của nhà đầu tư cá nhân là 9,5%.
Trên thị trường thứ cấp, dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân thể hiện rõ hơn với tỉ lệ 19% tổng lượng trái phiếu lưu ký đã phát hành trong năm 2021. Nếu tính chung toàn thị trường trái phiếu riêng lẻ, các nhà đầu tư cá nhân, bao gồm cả nhà đầu tư không chuyên, đã nắm giữ hơn 30% tổng khối lượng phát hành năm 2021, chỉ xếp sau các ngân hàng với tỉ lệ 44,7%.
Các diễn giả trao đổi tại hội nghị ở TP HCM chiều 8-6
Bà Tạ Thanh Bình phân tích con số này nguy hiểm hay không với thị trường không quan trọng, mà có đúng là những nhà đầu tư chuyên nghiệp mua hay những nhà đầu tư không đạt chuẩn vì lách? Đây là mới điều đáng lo. Bởi bản chất của trái phiếu riêng lẻ là tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.
"Do ham lãi suất cao, được tư vấn không chính xác nên nhà đầu tư không đạt chuẩn tham gia cho vay nhiều từ đó nguy cơ gây những hệ lụy, rủi ro cho thị trường. Vì vậy, việc sửa luật như tăng chuẩn quy định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ là một phần, vì họ vẫn có cách lách nếu lãi suất cao và rủi ro vẫn còn hiện hữu" – bà Tạ Thanh Bình nói.
Để xử lý triệt để vấn đề này, kiểm soát những nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp thật sự tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cần có quy định để xử lý cả những đối tượng hỗ trợ nhà đầu tư cá nhân vi phạm, như các công ty chứng khoán lôi kéo, mời chào, tư vấn không đúng khiến nhà đầu tư hiểu không đúng bản chất của trái phiếu riêng lẻ…
Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu định hướng các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào những định chế đầu tư chuyên nghiệp để giảm độ rủi ro khi tham gia thị trường, giảm nhà đầu tư cá nhân không chuyên.
"Ở quy định trong Nghị định 153 sửa đổi của Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu phải đăng ký và đưa trái phiếu này trên nền tảng giao dịch tập trung tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Nền tảng này sẽ như một "chợ" chính thức để các nhà đầu tư tham gia vào, bài bản và minh bạch, các giao dịch được cách công khai" – bà Tạ Thanh Bình giải thích.
Về triển vọng thị trường, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới "nổi sóng" khoảng vài năm nay và phát sinh một số vấn đề. Nhưng sau những xử lý của cơ quan quản lý từ vụ Tân Hoàng Minh sẽ thấy đây là tín hiệu tốt cho thị trường trong dài hạn.
"Doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cũng nên chuẩn hóa các thông tin và buộc phải công khai, kê khai minh bạch. Dù năm nay thị trường này có thể gặp khó nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp cần huy động nguồn vốn rất lớn để triển khai dự án qua kênh trái phiếu doanh nghiệp, bởi nguồn vốn tín dụng ngân hàng là không thể đáp ứng nổi" – ông Thuân nói.
Người lao động