MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Càng làm càng lỗ với 737 tỷ lỗ luỹ kế, mất cân đối tài chính trầm trọng... PV Shipyard phải "cầu cứu" Tập đoàn Dầu khí

16-01-2019 - 10:35 AM | Doanh nghiệp

Có thể thấy rằng, tình hình tài chính không khả quan, năng lực ký kết các hợp đồng mới để tạo ra doanh thu trong thời gian tới là vấn đề khó với PV Shipyard, đây cũng là lý do khiến PV Shipyard mục tiêu "cầu cứu" PVN cùng PTSC hỗ trợ các gói thầu thời gian tới.

CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard, PVY) vừa công bố BCTC quý 4/2018 với doanh thu tăng gấp đôi lên 122 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp cải thiện từ mức âm 8 tỷ sang lãi 16 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, áp lực chi phí khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh Công ty vẫn âm 14 tỷ đồng, song vẫn cải thiện đáng kể so với mức thua lỗ 28 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Về hoạt động khác, trong kỳ Công ty thu về 3 tỷ lợi nhuận, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ. Kết quả là, PV Shipyard vẫn thua lỗ 10,5 tỷ đến cuối quý 4/2018, cùng kỳ mức lỗ lên đến 19 tỷ đồng.

Cả năm lỗ 63 tỷ, nâng tổng lỗ luỹ kế đến 737 tỷ đồng

Kết thúc năm 2018, doanh thu Công ty tăng tương đối từ 353 tỷ lên 370 tỷ đồng, lỗ thuần theo đó tiết giảm từ mức 24 tỷ về chỉ còn 9 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 70 tỷ, tương ứng lỗ sau thuế cả năm là 63 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2018, Công ty giảm tổng tài sản từ mức 991 tỷ về 869 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng, trong khi các khoản phải thu ngắn hạn được cắt giảm đáng kể. Ngược lại, phải thu theo tiến độ hợp đông xây dựng dự án lại tăng, cuối năm phát sinh 51 tỷ tại dự án sửa giàn Murmanskaya, 22 tỷ tại chế tạo 4 sà lan cá hồi lần 2 và gần 8 tỷ tại chế tạo 3 sà lan cá hồi lần 3.

Càng làm càng lỗ với 737 tỷ lỗ luỹ kế, mất cân đối tài chính trầm trọng... PV Shipyard phải cầu cứu Tập đoàn PVN - Ảnh 1.

Đáng chú ý, nợ ngắn hạn cuối năm hơn 658,5 tỷ, tức đang gấp ba so với tài sản ngắn hạn chỉ 296,6 tỷ đồng.

Về nợ, Công ty tăng nợ vay ngắn hạn từ 195 lên 263 tỷ đồng, ngược lại nợ vay dài hạn giảm từ mức 430 tỷ về 352 tỷ đồng. Vốn chủ Công ty hiện âm 139,5 tỷ, trong đó lỗ luỹ kế PV Shipyard tiếp tục tăng lên gần 737 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ ngắn hạn cuối năm hơn 658,5 tỷ, tức đang gấp ba so với tài sản ngắn hạn chỉ 296,6 tỷ đồng.

Cầu cứu PVN

Nói về nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục lỗ thời gian tới, phía PV Shipyard cho biết quý 4/2018 Công ty thực hiện các hợp đồng được ký với biên độ lợi nhuận trên chi phí trực tiếp ở mức thấp nên không bù đắp được chi phí cố định từng quý (gồm chi phí khấu hao, chi phí quản lý chung và chi phí tài chính cho khoản vay đầu tư xây dựng ban đầu khoảng 11,8 tỷ/quý). Do đó, BCTC tiếp tục ghi nhận lỗ 10,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, PV Shipyard dự kiến thời gian tới khi ký được các hợp đồng mới cho các dự án tiếp theo, tình hình kinh doanh của Công ty sẽ được cải thiện.

Ban điều hành Công ty hiện đang nỗ lực tìm kiếm dự án mới với các đối tác trong và ngoài nước, các đối tác từng hợp tác lâu năm... tham gia chào thầu thi công các dự án chế tạo mới các phương tiện nổi như: Sà Lan, Giàn tiếp trợ, thi công các cấu kiện... các dự sửa chữa, hoán cải, bảo dưỡng định kỳ giàn khoan và các phương tiện nổi, cung cấp dịch vụ cho thuê bến bãi, nhân lực thiết bị... Ngoài ra, Ban điều hành cũng tích cực làm việc với PTSC và PVN để nhận sự hỗ trợ, tạo điều kiện Công ty tham gia các dự án trúng thầu, đồng thời có giải pháp hỗ trợ Công ty trong vấn đề cơ cấu lại khoản vốn vay, tăng vốn điều lệ, tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho Công ty

Càng làm càng lỗ

Được biết, PV Shipyard thành lập vào năm 2007 với các cổ đông lớn đến nay không đổi, bao gồm Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (28,7%), Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC (7,5%), BIDV (4,03%), Liên doanh Vietsopetro (3,63%) và Lilama (4,03%), hơn 50% cổ phần còn lại thuộc cổ đông khác.

Càng làm càng lỗ với 737 tỷ lỗ luỹ kế, mất cân đối tài chính trầm trọng... PV Shipyard phải cầu cứu Tập đoàn PVN - Ảnh 2.

PV Shipyard từng định hướng trở thành đơn vị tiên phong thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo dầu khí Việt Nam.

Hoạt động kinh doanh chính của PV Shipyard là đóng mới, sửa chữa, hoán cải các loại giàn khoan, giàn khai thác dầu khí, phương tiện nổi và kinh doanh các nguyên vật liệu, thiết bị liên quan. PV Shipyard định hướng trở thành đơn vị tiên phong thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo dầu khí Việt Nam, tuy nhiên tình hình kinh doanh không thuận lợi khiến Công ty không những không đáp ứng kỳ vọng, mà còn liên tục thua lỗ hàng chục hàng trăm tỷ đồng. 

Nửa đầu năm 2018, hoạt động kinh doanh của PV Shipyard mặc dù có thêm khoản chế tạo 4 sà lan cá hồi lần 2 và 3 sà lan cá hồi lần 3, gần 100 tỷ đồng tương đương tỷ trọng 54%, tuy nhiên thực trạng kinh doanh dưới giá vốn và không đủ để bù đắp chi phí hoạt động, Công ty tiếp tục  lỗ ròng 30,5 tỷ. Thậm chí, nợ phải trả ghi nhận gần 1.080 tỷ đồng, trong đó riêng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 234 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn gần 395 tỷ đồng. Nợ đến hạn trả là 195 tỷ đồng.

Được biết, với việc nợ phải trả vượt tổng nguồn vốn, đặc biệt là nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn cùng với việc doanh số trong kỳ này sụt giảm mạnh cũng đặt ra nghi ngại về khả năng hoạt động của Công ty. Có thể thấy rằng, tình hình tài chính không khả quan, năng lực ký kết các hợp đồng mới để tạo ra doanh thu trong thời gian tới là vấn đề khó với PV Shipyard, đây cũng là lý do khiến PV Shipyard mục tiêu "cầu cứu" PVN cũng PTSC hỗ trợ các gói thầu thời gian tới.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên