MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảng Sài Gòn hồi tố lỗ hơn 1.000 tỷ, "thổi bay" 1/2 giá trị sổ sách

20-04-2016 - 08:42 AM | Doanh nghiệp

Sau khi chuyển sang hình thức công ty cổ phần, giá trị sổ sách của Cảng Sài Gòn bỗng dưng giảm đi gần một nửa do điều chỉnh hồi tố lỗ hơn 1.100 tỷ đồng từ các cảng liên doanh tại khu vực Cái Mép.

Gần một năm sau ngày IPO, cổ phiếu SGP của Cảng Sài Gòn sẽ chính thức giao dịch trên sàn Upcom từ ngày 25/4/2016 tới đây. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.500 đồng/cp – tương đương với giá trúng bình quân trong đợt IPO.

Thông tin gây bất ngờ nhất với giới đầu tư cũng như một số cổ đông của Cảng Sài Gòn là vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm 31/12/2015 chỉ còn vọn vẻn 1.300 tỷ đồng (bao gồm lợi ích cổ đông thiểu số), thấp hơn 800 tỷ so với vốn điều lệ 2.163 tỷ đồng và giảm 1.000 tỷ so với ngày 31/10/2015, thời điểm chính thức chuyển từ mô hình công ty TNHH sang công ty cổ phần.

Trên báo cáo kết quả kinh doanh, Cảng Sài Gòn cũng không hề báo lỗ. Vậy nguyên nhân do đâu?

Trong giai đoạn 2006-2007, nhằm giảm tải cho các cảng tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh cũng thiếu cơ sở hạ tầng để đón các tàu biển có tải trọng lớn, một loạt các hãng cảng biển nước ngoài đã liên doanh với các đối tác trong nước xây mới cả chục cảng biển quốc tế tại khu vực Thị Vải – Cái Mép, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Cảng Sài Gòn đã rót cả nghìn tỷ đồng để góp 36% vốn vào Liên doanh SP-PSA, 39% vốn của Liên doanh SSIT và 15% vốn của Liên doanh CMIT. Tuy nhiên ngay từ khi đi vào hoạt động, các liên doanh của Cảng Sài Gòn cũng như các cảng khác tại khu vực Thị Vải – Cái Mép luôn ở trong tình trạng “đói hàng”. Nguồn cung quá lớn trong khi có rất ít tàu cập cảng khiến cho các cảng biển ở đây đều thua lỗ tới cả trăm tỷ mỗi năm, tổng lỗ lũy kế lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Với 36% vốn tại SP-PSA và 35% vốn tại SSIT, theo quy định hiện hành thì đây là 2 công ty liên kết của Cảng Sài Gòn, khi lập báo cáo hợp nhất sẽ phải hạch toán 2 khoản đầu tư này theo phương pháp vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, trong giai đoạn là công ty TNHH do Vinalines sở hữu 100% vốn, Cảng Sài Gòn không hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu do cho rằng trong tỉ lệ sở hữu của phía Việt Nam tại các liên doanh này bao gồm cả phần vốn góp của Vinalines và Cảng Sài Gòn, đồng thời Cảng Sài Gòn đã trao đổi và thống nhất với Vinalines về việc ghi nhận đối với khoản đầu tư vào hai liên doanh.

Hiểu nôm na là kết quả thua lỗ cả nghìn tỷ đồng của SP-PSA và SSIT đúng ra phải được ghi nhận tương ứng tỷ lệ sở hữu trên báo cáo tài chính của Cảng Sài Gòn nhưng công ty đã “tạm bỏ qua”. Vấn đề này đều được kiểm toán lưu ý trong báo cáo tài chính hàng năm.


Ba cảng mà Cảng Sài Gòn góp vốn liên doanh đã lỗ lũy kế tổng cộng 6.300 tỷ đồng

Ba cảng mà Cảng Sài Gòn góp vốn liên doanh đã lỗ lũy kế tổng cộng 6.300 tỷ đồng

Chỉ đến khi hoàn tất cổ phần hóa, trở thành công ty đại chúng thì Cảng Sài Gòn mới phản ánh đầy đủ kết quả thua lỗ nặng nề của 2 liên doanh SP-PSA và SSIT vào kết quả kinh doanh của mình. Cảng Sài Gòn đã điều chỉnh hồi tố vào chỉ tiêu LNST chưa phân phối, dẫn đến việc công ty “bỗng dưng” có khoản lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2015.

Kết quả hồi tố dẫn đến vốn chủ sở hữu của công ty giảm gần một nửa và giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu chỉ còn hơn 5.400 đồng.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên