MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng Mỹ - Trung lại bùng phát trong lĩnh vực công nghệ

13-08-2023 - 09:40 AM | Kinh tế số

Mỹ vừa công bố lệnh cấm đầu tư vào ngành công nghệ Trung Quốc, nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến.

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký lệnh cấm, cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty công nghệ của Trung Quốc trong 3 lĩnh vực, bao gồm chip bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử, và trí tuệ nhân tạo. Trong thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden cho biết, ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đối phó với mối đe dọa từ những nước như Trung Quốc trong việc phát triển các công nghệ nhạy cảm và sản phẩm quan trọng trong các lĩnh vực quân sự, tình báo, giám sát và năng lực mạng.

Sắc lệnh này nhằm ngăn chặn nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ, giúp phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.

Sắc lệnh của ông Biden là động thái mới nhất trong loạt hành động của Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến. Sự hạn chế mà Mỹ đặt ra với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ được cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi là chiến lược “sân nhỏ, rào cao” nhằm bảo vệ các công nghệ nền tảng của Mỹ. Mỹ có thể tách khỏi Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và chuỗi công nghiệp công nghệ mới nổi.

Căng thẳng Mỹ - Trung lại bùng phát trong lĩnh vực công nghệ - Ảnh 1.

Mỹ vừa công bố lệnh cấm đầu tư mới nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ nhạy cảm như chip bán dẫn - Ảnh: VCG

Theo chiến lược "sân nhỏ, rào cao" của chính quyền Joe Biden, việc Mỹ tách khỏi Trung Quốc sẽ tập trung vào các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, thiết kế chip, công nghệ lượng tử và chuỗi khối. Đáng chú ý là việc tách rời công nghệ của Mỹ khỏi Trung Quốc đã đi từ kiểm soát công nghệ sang chuỗi cung ứng sản xuất và ứng dụng công nghệ mới nổi.

Theo đó, Mỹ loại bỏ các yếu tố Trung Quốc trong chuỗi công nghiệp toàn cầu về các công nghệ mới nổi, thực hiện các biện pháp "phi Trung Quốc hóa" trong chuỗi cung ứng. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan từng nhấn mạnh, các hạn chế trong xuất khẩu công nghệ và tăng cường sàng lọc các khoản đầu tư ra nước ngoài nhằm ngăn chặn khả năng các công nghệ tiên tiến được sử dụng trong lĩnh vực quân sự và làm phương hại tới an ninh quốc gia Mỹ.

Tuy nhiên, phía Mỹ cũng nhấn mạnh, mặc dù đang cạnh tranh với Trung Quốc trên nhiều mặt trận, Mỹ không tìm kiếm xung đột hoặc đối đầu mà tìm cách quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm. Đồng thời muốn hợp tác với Trung Quốc trong ứng phó với một số thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh y tế và an ninh lương thực.

Động thái của Mỹ chắc chắn ít nhiều sẽ là rào cản cho nỗ lực giảm căng thẳng giữa hai nước, mặc dù phía Mỹ trong thời gian qua đã có một số động thái, bao gồm các chuyến thăm tới Trung Quốc nhằm làm ấm lại quan hệ song phương vốn bị ảnh hưởng bởi một loạt vấn đề, bao gồm Đài Loan, cuộc xung đột ở Ukraine, tình báo và kiểm soát công nghệ.

Trong ngắn hạn, các tiến triển về ngoại giao (mặc dù rất hạn chế) trong thời gian qua giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạm ngừng, bởi sắc lệnh của Tổng thống Biden. Về lâu dài, Mỹ và Trung Quốc đang ở trong tình trạng cạnh tranh, khiến họ phải tháo gỡ các mối quan hệ kinh tế và thương mại vốn đã tạo lực cản cho quan hệ trong nhiều thập kỷ, và các hạn chế đầu tư mới có khả năng đẩy nhanh động lực để hai bên xa nhau hơn.

Theo Phạm Huân

vov.vn

Trở lên trên