MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng ở biển Đỏ đe dọa chuỗi cung ứng

20-12-2023 - 09:20 AM | Tài chính quốc tế

Căng thẳng ở biển Đỏ đe dọa chuỗi cung ứng

Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển toàn cầu đi qua kênh đào Suez - nối Địa Trung Hải với biển Đỏ và là tuyến vận tải ngắn nhất giữa châu Âu với châu Á

Một liên minh 10 nước vừa được thành lập để tiến hành tuần tra chung tại phía Nam biển Đỏ và vịnh Aden nhằm bảo vệ hoạt động vận tải thương mại đường biển trước làn sóng tấn công của nhóm vũ trang Houthi tại Yemen.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa ra thông báo trên hôm 19-12 khi đang ở thăm Bahrain. Cụ thể, liên minh này gồm Bahrain, Anh, Canada, Pháp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Seychelles, Tây Ban Nha và do Mỹ dẫn đầu. "Đây là thách thức quốc tế đòi hỏi hành động chung" - ông Austin nhấn mạnh khi công bố sáng kiến an ninh đa quốc gia mới nói trên. 

Hiện chưa rõ những nước tham gia liên minh có sẵn sàng làm điều tàu chiến Mỹ đã tiến hành trong những ngày gần đây, gồm bắn hạ tên lửa của Houthi và hỗ trợ các tàu thương mại bị tấn công.

Đáp lại, đại diện Houthi tuyên bố họ đủ sức đối đầu với mọi liên minh do Mỹ thành lập tại biển Đỏ. Nhóm này thời gian qua đe dọa tấn công mọi tàu chở hàng hướng đến Israel trong động thái ủng hộ người Palestine kể từ xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas nổ ra vào đầu tháng 10. Đã có hơn 10 tàu bị Houthi tấn công cho đến giờ, trong đó có 2 tàu hôm 18-12.

Các tay súng Houthi trên một tàu hàng ở biển Đỏ trong bức ảnh công bố hôm 20-11Ảnh: Reuters

Các tay súng Houthi trên một tàu hàng ở biển Đỏ trong bức ảnh công bố hôm 20-11Ảnh: Reuters

Một số nhà quan sát chỉ ra rằng dù Houthi tuyên bố chỉ tấn công tàu thuyền liên quan đến Israel, mục tiêu của họ còn gồm cả những tàu không hướng đến hoặc không có liên hệ gì với Israel.

Chuyên gia Jack Kennedy của Công ty S&P Global Market Intelligence (Mỹ) cho rằng Houthi có lẽ đang sử dụng khả năng tấn công ở biển Đỏ để thúc đẩy ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực, bên cạnh tác động đến xung đột Israel - Hamas.

Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển toàn cầu đi qua kênh đào Suez - nối Địa Trung Hải với biển Đỏ và là tuyến vận tải ngắn nhất giữa châu Âu với châu Á. Tình hình căng thẳng tại biển Đỏ buộc ngày càng có nhiều công ty vận tải hàng hóa cho tàu đi vòng qua châu Phi, từ đó tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Theo Reuters, chuyên gia Albert Jan Swart của Công ty ABN Amro ước tính số công ty có động thái trên hiện "kiểm soát gần một nửa thị trường vận tải container toàn cầu".

Tập đoàn tàu chở dầu Frontline (Cyprus) là một trong những cái tên mới nhất tham gia danh sách này hôm 18-12. Cùng ngày, Tập đoàn Năng lượng Equinor (Na Uy) thông báo một số tàu chở dầu thô và khí thiên nhiên hóa lỏng (LPG) của họ thay đổi lộ trình để không qua biển Đỏ. 

Tương tự, Tập đoàn Dầu BP (Anh) cũng dừng các chuyến hàng qua biển Đỏ. Theo Reuters, những động thái này là tín hiệu cho thấy ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đã lan sang hoạt động vận chuyển năng lượng.

Ông Lars Barstad, Giám đốc điều hành Frontline, nhận định với Reuters rằng việc tàu thuyền phải đổi hướng đi vòng qua châu Phi khiến thời gian vận chuyển hàng hóa lâu hơn, đe dọa khiến giá cả gia tăng. 

Chi tiết hơn, ông Rico Luman, nhà phân tích tại Công ty Dịch vụ tài chính ING (Hà Lan), cho biết tàu container hàng hóa sẽ tốn thêm ít nhất 1 tuần nếu tránh đi qua biển Đỏ. 

Ông Marco Forgione, Tổng Giám đốc Viện Xuất khẩu và Thương mại quốc tế (Anh), cho rằng tình trạng xáo trộn nói trên có thể ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng hàng hóa tiêu dùng trước dịp Tết Nguyên đán 2024, khiến giá cả tăng. 

Theo đài CNBC, một số chuyên gia còn chỉ ra việc chở container trống về châu Á cũng bị trì hoãn, khiến chuỗi cung ứng gặp thêm sức ép. 

Giá dầu vẫn ổn định

Giá dầu thế giới hôm 19-12 ít biến động trong bối cảnh nhà đầu tư xem xét tác động của tình hình căng thẳng tại biển Đỏ lên nguồn cung dầu. Theo Reuters, giá dầu thô Brent có lúc tăng chút ít lên 78,06 USD/thùng trong khi giá dầu thô WTI giao sau có thời điểm tăng nhẹ lên 72,53 USD/thùng.

Bà Tina Teng, chuyên gia của Công ty CMC Markets (Anh), nhận định bất chấp giá dầu ổn định trong ngày, những rủi ro tiềm tàng do gián đoạn nguồn cung và bất ổn tại Trung Đông có thể khiến thị trường dầu biến động mạnh. Theo bà Tina Teng, nếu căng thẳng địa chính trị leo thang, sức ép tăng giá có thể gia tăng lên dầu.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng hoạt động vận chuyển năng lượng qua biển Đỏ bị gián đoạn khó có thể ảnh hưởng mạnh đến giá dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vì các tàu vẫn có thể chuyển hướng và hoạt động sản xuất không bị ảnh hưởng trực tiếp. Họ ước tính kịch bản chuyển hướng toàn bộ nguồn cung 7 triệu thùng dầu/ngày sẽ làm tăng giá dầu thô giao ngay lên thêm 3-4 USD/thùng so với giá hợp đồng dài hạn.

Trong khi đó, theo đài CNBC, ông Ben Emons, quản lý danh mục đầu tư cấp cao của Công ty Quản lý tài sản NewEdge Wealth (Mỹ), nhận định diễn biến mới về giá dầu cũng sẽ gây tác động lan rộng đến các mặt hàng khác như cà phê, đậu nành, niken và dầu cọ, với ước tính khoảng 12% lưu lượng mặt hàng phi dầu mỏ đi qua kênh đào Suez.

Xuân Mai


Theo Hoàng Phương

Người Lao động

Trở lên trên