MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam

31-10-2018 - 13:24 PM | Thị trường

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang như hiện nay, ngành dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội được hưởng lợi như từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, tác động tích cực này được đánh giá sẽ phát huy trong dài hạn.

Công ty cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam - IVS cho biết, Việt Nam hiện là một trong 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt khoảng 31 tỷ USD (Tổng cục Thống kê). Hiện nay sản phẩm dệt may Việt Nam được xuất khẩu đến các thị trường chính bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam - Ảnh 1.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam. Năm 2018, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng khoảng 8 – 10%, ước đạt trên 13 tỉ đô la Mỹ, chiếm trên 38% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có quy mô thứ hai về xuất khẩu dệt may vào Mỹ. Tiếp đến, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 thị trường tiếp theo đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Bên cạnh các thị trường trên, ASEAN cũng đang là thị trường được kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan giữa các nước trong cộng đồng kinh tế ASEAN.

Theo IVS, nhìn về nội lực của doanh nghiệp Việt Nam, thì nhóm dệt may mới chính là nhóm có kinh nghiệm, năng lực sản xuất và tạo ra thương hiệu cạnh tranh được trên thế giới. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang đi cùng với sự chậm lại của các nền kinh tế lớn đang khiến cho thương mại quốc tế sẽ chứng kiến sự giảm sút. Nhưng không như các ngành xuất khẩu khác, ngành Dệt may Việt Nam thuộc một trong số ít các nhóm mà lợi ích nhận được từ việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sẽ vượt qua các ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy giảm trong thương mại toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cũng luôn có các chính sách và định hướng hỗ trợ cho ngành, thể hiện kết quả ở các hiệp định thương mại tự do được Việt Nam ký kết với nhiều thị trường quan trọng của ngành. Nhóm dệt may niêm yết hiện tại có nhiều doanh nghiệp nằm trong nhóm tiềm năng của ngành và có thực lực để nắm bắt cơ hội đến từ các FTAs.

Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai với giá trị xuất khẩu đóng góp từ 10%-15% vào GDP. 9 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu dệt may đạt 22,561 tỷ USD, xếp thứ 2 trong nhóm các hàng hóa xuất khẩu, xếp sau giá trị xuất khẩu các sản phẩm điện thoại, linh kiện (giá trị 36,127 tỷ USD).Tính chung 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sản phẩm dệt may tăng trưởng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 9,11 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 46,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tiếp theo lần lượt là thị trường EU (28 nước) tiêu thụ 2,76 tỷ USD, tăng 11.7% so với cùng kỳ năm; thị trường Nhật Bản tiêu thụ 2,47 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm.

Điều đó cho thấy, những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN… đều tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, dệt may Việt Nam cũng đạt kết quả đáng kể về tăng trưởng so với các quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu như Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.

Đã có sự chuyển dịch về số lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Có thể thấy, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc giảm gần bằng mức tăng xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái (~ 3 tỷ USD).

IVS cho hay, nhờ các hiệp định FTA được ký kết trong những năm gần đây, giá trị xuất khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng năm 2016 là 4,44% và 2017 là 9,31%. Đáng chú ý, tác động tích cực của các hiệp định ASEAN-India FTA, KV FTA và đặc biệt là CPTPP ký kết tháng 3 năm nay nâng kỳ vọng giá trị xuất khẩu năm nay đạt 34-35 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng trên 30%.

Bên cạnh đó, tính đến năm 2017, các doanh nghiệp FDI tuy chỉ chiếm 25% về số lượng nhưng đóng góp đến 62% vào kim ngạch xuất khẩu may mặc của Việt Nam, trong đó xơ, sợi chiếm72%, vải và may mặc chiếm hơn 60%. Nguồn vốn đầu tư FDI đổ vào lĩnh vực dệt may vẫn không ngừng tăng lên trong những năm gần đây, chủ yếu nhờ vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường, đặc biệt sau một loạt các hiệp định thương mại được ký kết. Thống kê cho thấy, đầu tư FDI vào dệt may tính đến hết năm 2017 là 2.091 dự án, với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 15,89 tỷ USD. Có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, trong đó một số quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đăng ký lớn như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… Riêng 6 tháng đầu năm 2018, dệt may Việt Nam đã thu hút được 2,8 tỷ USD từ nguồn vốn FDI, đưa lũy kế đầu tư nước ngoài vào ngành đạt 17,5 tỷ USD.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang như hiện nay, IVS cho rằng, ngành dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội được hưởng lợi như từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, tác động tích cực này được đánh giá sẽ phát huy trong dài hạn. Đồng NDT mất giá mạnh so với USD, qua đó cũng mất giá so với VND. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn nhất của Việt Nam. Việc NDT mất giá do đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập được nguồn nguyên liệu với chi phí rẻ hơn.

Với những tiềm năng tăng trưởng như hiện nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2018 sẽ đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với một số thách thức liên quan đến quy tắc xuất xứ cũng như khả năng cạnh tranh từ các thị trường khác như Bangladesh, Pakistan, hay Cambodia.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam - Ảnh 2.

Cụ thể, trong số 10 hiệp định FTA Việt Nam đã đàm phán, CPTPP thì EVFTA có xuất xứ chặt chẽ nhất. Trong đó, CPTPP yêu cầu quy tắc xuất xứ từ sợi và EVFTA yêu cầu xuất xứ từ vải. Với tình trạng phát triển lệch của dệt may Việt Nam hiện nay, việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ từ 2 FTA này là khó nhưng đây lại là điều kiện bắt buộc để các doanh nghiệp trong ngành có thể hưởng lợi.

Mặt hàng dệt may, gia công chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong khi đó nguyên phụ liệu như vải, xơ, sợi vẫn chưa tự sản xuất được và phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên