MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung : Vì sao không chỉ các doanh nghiệp thép hay thịt lợn bị tác động?

20-04-2018 - 09:01 AM | Tài chính quốc tế

Trong dài hạn, tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không chỉ dừng lại ở những doanh nghiệp đa quốc gia có hoạt động kinh doanh và sản phẩm gắn liền với toàn cầu hóa, chẳng hạn như iPhone, mà còn ảnh hưởng đến cả những doanh nghiệp nội địa sản xuất các mặt hàng thông thường.

Đánh thuế hàng hóa chủ chốt – Tác động tiêu cực toàn diện

Arrow Fastener Co., một nhà sản xuất thiết bị ghim và đinh ghim ở thành phố Saddle Brook, bang New Jersey, có thể sẽ cắt giảm thuê công nhân và hạ sản lượng vì thuế thép của Trump làm tăng giá nguyên vật liệu.

Arrow đã và đang sản xuất những loại dập ghim, súng ghim và các mặt hàng dập ghim từ năm 1929. Công ty có 280 lao động làm việc trong nhà máy. Dập ghim Staple T50 của công ty này hiện là sản phẩm dẫn đầu thị trường. Đây cũng là một trong những nhà sản xuất đinh ghim lớn của Mỹ còn duy trì hoạt động sản xuất ở trong nước.

Trước khi được bán cho Masco – một công ty sản xuất hàng gia dụng ở Mỹ - vào năm 1999, Arrow là một công ty gia đình. Năm ngoái, Masco đã bán công ty này cho Tập đoàn Great Star Hàng Châu với giá 125 triệu USD. Tập đoàn Trung Quốc rót vốn vào công ty nhằm xây dựng một cơ sở đầu mối phân phối các dụng cụ cầm tay và các sản phẩm khác của họ tại Mỹ.

Công ty không tiết lộ doanh thu. Tuy nhiên, ông Gary Duboff, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Arrow, cho biết công ty bán khoảng 2 triệu khẩu súng ghim mỗi năm và lượng dây ghim của công ty cũng đủ để nối hai lần từ Trái Đất tới Mặt Trăng.

Với khoảng 90% doanh số bán hàng là tại Mỹ, hoạt động kinh doanh của Arrow đang bùng nổ mạnh mẽ nhờ nền kinh tế nội địa khởi sắc. Doanh số bán hàng nước ngoài cũng đang giảm. Ông Duboff cho biết công ty đã có kế hoạch thuê thêm 56 công nhân trong ba tháng tới.

Tuy nhiên, quyết định về rào cản thuế quan với thép nhập khẩu từ nước ngoài đã tạo ra một sự lo lắng lớn với ông. Arrow nhập khẩu 100% thép dây cuộn dùng để sản xuất ghim T50, vì công ty không thể tìm được một nhà cung cấp trong nước hay ở Canada và Mexico, hai quốc gia mà thép được miễn thuế theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Vị Chủ tịch công ty cho biết rất muốn mua dây thép từ trong nước, nhưng không thể tìm được một nhà cung cấp nào.

Do đó, phần lớn thép nhập khẩu của Arrow đến từ Trung Quốc. Và mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu mà ông Trump đưa ra sẽ gây áp lực lớn cho công ty. Ông đang cân nhắc lại kế hoạch tuyển thêm công nhân.

Ông DuBoff nói "các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi mua những mặt hàng chủ yếu được sản xuất ở nước ngoài, mà phần lớn là từ Trung Quốc". Chúng là sản phẩm tiêu dùng, được đóng gói trong những chiếc hộp và vận chuyển vào nước Mỹ mà không phải chịu thuế. "Chúng tôi phải nhập dây thép vì muốn duy trì hoạt sản xuất ở trong nước, song lại bị đánh thuế. Chúng tôi vô cùng thất vọng. Chúng tôi hoàn toàn có thể thuê ngoài sản phẩm và bán trong nước như đối thủ. Nhưng vì chúng tôi muốn giữ việc làm ở New Jersey, nên các sắc thuế bảo hộ mới đã gây ra những trở ngại lớn."

Nếu thuế nhập khẩu thực sự tăng lên 25%, công ty có thể dừng các hoạt động sản xuất đinh ghim ở trong nước. Vị chủ tịch lâu năm của Arrow cho biết thêm "mặc dù việc này chắc chắn sẽ gây tổn thương, chúng tôi vẫn buộc phải thuê ngoài các hoạt động sản xuất mặt hàng này."

Ngành dược và ngành ô tô

Câu chuyện tương tự cũng tồn tại trong các ngành công nghiệp khác như các công ty dược phẩm hoặc những nhà máy sản xuất ô tô.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho một doanh nghiệp trở thành nạn nhân của cuộc đối đầu thương mại này. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là mức độ phụ thuộc của một nhà sản xuất ở Mỹ hay Trung Quốc vào nguyên liệu hoặc khách hàng ở nước còn lại. Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc vào Mỹ là điện tử, máy móc, đồ gỗ và hàng may mặc. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc từ Mỹ là máy bay, ô tô và các sản phẩm nông nghiệp, chẳng hạn đậu nành hay thịt lợn.

Nhưng vận may vẫn mỉm cười đối với những công ty có thể tìm được nguồn nguyên liệu hay thị trường thay thế ở những nơi khác trên thế giới.

Các công ty Mỹ sản xuất thuốc generic – các loại thuốc được sản xuất từ công thức gốc sau khi hết hạn bảo hộ độc quyền sáng chế - hiện đang cố gắng tìm xem có nguồn nào khác thay thế các nguyên liệu vẫn được nhập từ Trung Quốc nhiều năm nay không. Đó là nhận định của ông Jeffrey Francer, luật sư chính của Hiệp hội các loại Dược phẩm dễ sử dụng. Ông nói thêm "nếu một công ty dược có sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc và không có nguồn khác thay thế, công ty đó sẽ phải tăng giá bán thêm 25%". Việc đó sẽ tác động nghiêm trọng tới lợi thế cạnh tranh của công ty, nếu như loại thuốc đó có sản phẩm thay thế.

Danh sách các loại thuốc và phương pháp trị liệu có thể bị ảnh hưởng bởi hàng rào thuế mới của Trump bao gồm vắc-xin, kháng sinh, epinephrine và insulin. Đặc biệt trong đó có một số mặt hàng biên lợi nhuận đã tương đối thấp. Tuy nhiên, ông Vamil Divan – chuyên gia phân tích của Credit Suisse – nói rằng thuế quan có thể sẽ không ảnh hưởng lớn đến các mặt hàng dược phẩm. Bởi giá trị của dược phẩm phụ thuộc vào tính năng chữa bệnh rất khó để thay thế bất kể giá cả thay đổi.

Ngành may mặc

Các ngành công nghiệp khác cũng đang phải vật lộn để điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình. Ông Rick Helfenbein, người đứng đầu Hiệp hội quần áo và giày dép Hoa Kỳ, nói rằng ban đầu ông đã vô cùng vui mừng khi các mặt hàng áp thuế của ông Trump không bao gồm sản phẩm may mặc và giày dép. Ông nói "Khi danh sách áp thuế mới được công bố, chúng tôi cảm thấy sung sướng hệt như đang tận hưởng ngày Lễ Vượt Qua (ngày lễ lớn nhất của người Do Thái để tưởng nhớ sự giải phóng khỏi ách nô lệ)."

Tuy nhiên, đó lại là một buổi Lễ Vượt Qua không trọn vẹn. Bởi mặc dù sản phẩm dệt may không bị đánh thuế, nhưng một số loại máy móc để sản xuất hàng may mặc, giày dép lại nằm trong danh sách áp thuế, chẳng hạn máy dệt kim tròn, máy thêu, máy sợi và máy khâu giày dép.

Trung Quốc hiện là nhà cung cấp hàng đầu đối với các loại máy này. Mức thuế 25% sẽ làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất trong nước. Vị Chủ tịch Hiệp hội Quần áo và Giày dép Hoa Kỳ nói rằng "những tưởng lánh được nạn, bởi ông Trump muốn khôi phục lại khẩu hiệu Made in US, nhưng chính sách của ông Trump rõ ràng đang tát vào mặt chúng tôi."

Ngành năng lượng mặt trời

Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mức thuế nhập khẩu đối với các mô-đun năng lượng mặt trời nhập khẩu thậm chí còn cao hơn, lên tới 30%. UGE International là một công ty có trụ ở sở Canada chuyên thuê những công ty như Whole Foods Market để lắp đặt các tấm pin mặt trời.

Ông Nick Blitterswyk, Chủ tịch UGE International cho biết với mức thuế bảo hộ mới, chắc chắn các đơn hàng ở Mỹ sẽ giảm. Vì thế, ông đang mở rộng hoạt động sang các nước khác, bao gồm cả Philippines. Theo ông chia sẻ, chính sách của công ty là "nếu không thể chơi ở đây, hãy tìm nơi khác thích hợp hơn".

Lĩnh vực nông nghiệp

Tất nhiên, không phải công ty nào cũng có điều kiện để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang các quốc gia không có thuế. Chẳng hạn với các sản phẩm nông nghiệp, người nông dân Mỹ không thể mang trang trại của mình sang Việt Nam để canh tác sản xuất. 

Rodibaugh là một nông dân sản xuất đậu nành ở bang Indiana. Ông đang cố gắng nâng cao hiệu suất từ trang trại của mình để có thể bù lại mức thuế 25% mà Trung Quốc đánh lên các sản phẩm đậu nành nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Hiện nay, hơn 30% sản lượng đậu nành ở Hoa Kỳ được tiêu thụ tại Trung Quốc. Rodibaugh nói "Trung Quốc có thể mua đậu nành từ Brazil thay vì Mỹ". Đó là vấn đề mà ông sẽ phải đối mặt khi các mức thuế trừng phạt được áp dụng.

Các nhà phân tích của Credit Suisse cho rằng phần lớn các cổ phiếu nông sản, chẳng hạn như Tyson Foods hay Hormel Foods, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, thuế bảo hộ có thể gây ra tác động tới cả một số công ty kinh doanh thuốc thú y, chẳng hạn như công ty Zoetis.

Cho tới rượu vang

Một lĩnh vực khác cũng ở trong tâm trạng lo lắng tương tự đó là sản xuất rượu. Theo kế hoạch phía Trung Quốc đưa ra, rượu nhập khẩu từ Mỹ sẽ bị áp thuế 15%. Tổng cộng, các nhà sản xuất rượu ở Mỹ phải trả 68% các loại thuế đối với rượu của họ, trong khi các nhà máy rượu ở Chile hay New Zealand đã đàm phán được các thỏa thuận miễn thuế với Trung Quốc. David Amadia, Chủ tịch công ty Ridge Vineyards có trụ sở ở California, nói rằng người tiêu dùng Trung Quốc hiện vẫn sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm rượu vang từ Mỹ. Tuy nhiên, đợt tăng thuế lần này có thể tác động mạnh tới giới hạn chi tiêu của họ.

Bởi chính sách thuế bảo hộ được áp dụng với các nguyên liệu chủ chốt và thực phẩm, số lượng các ngành nghề bị tác động là vô cùng lớn. Thiệt hại không chỉ là nhãn tiền đối với các doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế cũng đứng trước nguy cơ sụt giảm tăng trưởng mạnh mẽ. Theo các chuyên gia, đây là nước cờ mà không bên nào được lợi.

Quang Huân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên