Căng thẳng trước lệnh cấm vận dầu Nga
Giới chuyên gia lo ngại lệnh cấm vận mới sẽ gây tác động nghiêm trọng hơn so với lệnh cấm hồi tháng 12-2022 vì gần 1/2 lượng dầu diesel nhập khẩu của EU đến từ Nga
- 01-02-2023"Phù phép" dầu Nga: Cách các nước Trung Đông ăn đậm nhờ khủng hoảng năng lượng
- 31-01-2023Tổng thống Nga điện đàm Thái tử Ả Rập Xê-út, bàn về ổn định thị trường dầu
- 17-01-2023Nga nói đang bán dầu thấp hơn giá trần của phương Tây
Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga được vận chuyển bằng đường biển chính thức có hiệu lực từ ngày 5-2. Cùng với EU, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nước đồng minh sẽ áp đặt mức giá trần toàn cầu lên các sản phẩm dầu tinh chế của Nga.
Cụ thể, mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm như dầu nhiên liệu cũng có hiệu lực cùng ngày. Các công ty vận chuyển và bảo hiểm phương Tây bị cấm bảo hiểm hoặc vận chuyển sản phẩm dầu của Nga trừ khi chúng được mua bằng hoặc thấp hơn giá trần nêu trên.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng việc áp đặt giá trần là nhằm cắt giảm nguồn thu từ dầu của Nga, đồng thời bảo đảm thị trường năng lượng toàn cầu ổn định.
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay các biện pháp trừng phạt đang khiến Điện Kremlin gặp khó khăn trong việc trang bị vũ khí cho quân đội và tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Nga hôm 3-2 cho thấy nguồn thu ngân sách hằng tháng từ dầu mỏ và khí đốt trong tháng 1 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8-2020 do tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây, bao gồm việc áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng hồi tháng 12-2022 lên dầu thô xuất khẩu từ Nga.
Nhà máy lọc dầu của Công ty Lukoil ở TP Volgograd - Nga Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), các biện pháp trừng phạt cho đến nay vẫn chưa có tác động lên Nga như dự báo vì giá thị trường đối với dầu Nga vẫn thấp hơn đáng kể so với mức giá trần.
Trong động thái đáp trả, từ ngày 1-2, Nga cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga "ở mọi giai đoạn" cho các quốc gia và công ty nếu các hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp áp dụng giá trần của EU. Lệnh cấm này sẽ duy trì trong 5 tháng.
Ông Julien Mathonniere, nhà kinh tế thị trường dầu mỏ tại Công ty Energy Intelligence Group (Mỹ), cho rằng lệnh cấm sắp tới đối với các sản phẩm dầu của Nga và việc áp giá trần sẽ có tác động mạnh mẽ nhưng không xảy ra ngay lập tức do các nước còn nguồn dự trữ. Theo giới phân tích thị trường, hồi năm ngoái, châu Âu đã nhập khoảng 700.000 thùng dầu diesel/ngày từ Nga, chiếm 1/2 tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu của châu Âu.
Về lâu dài, ông Matteo Ilardo, nhà phân tích địa chính trị của Công ty Tình báo rủi ro RANE (Anh), cho biết lệnh cấm sẽ tác động lên người châu Âu và việc loại bỏ hoàn toàn dầu diesel của Nga sẽ là thách thức.
Trong khi đó, ông Hedi Grati, người đứng đầu bộ phận lọc dầu và tiếp thị tại Công ty Dữ liệu và Nghiên cứu năng lượng S&P Global Commodity Insights (Anh), nhận định châu Âu sẽ phải tìm nguồn cung dầu diesel từ nơi khác như Ả Rập Saudi, Kuwait, Ấn Độ và Mỹ.
Ông Mathonniere cũng cảnh báo châu Âu có thể đối mặt tình trạng thiếu hụt dầu diesel, cùng nguy cơ giá tăng cao hơn trong thời gian dài hơn, tác động trực tiếp đến các tài xế, doanh nghiệp và nông nghiệp châu Âu.
Trong khi đó, theo Reuters, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - hôm 4-2, cảnh báo các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể gây thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong tương lai. Trong cuộc họp hôm 1-2, OPEC+ đã thống nhất duy trì mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày hiện nay, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới đến hết năm 2023.
Người Lao động