MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Canh bạc' mới của Nhật Bản: Ông lão 73 tuổi được giao hàng tỷ USD để xây dựng tượng đài công nghệ từ số 0 tròn trĩnh, mục tiêu dẫn đầu thế giới sau 4 năm

10-05-2023 - 15:59 PM | Tài chính quốc tế

'Canh bạc' mới của Nhật Bản: Ông lão 73 tuổi được giao hàng tỷ USD để xây dựng tượng đài công nghệ từ số 0 tròn trĩnh, mục tiêu dẫn đầu thế giới sau 4 năm

Xét trên khía cạnh nào đó thì nỗ lực này giống như “quay ngược kim đồng hồ” trở về những năm 1980 và 1990, khi Nhật Bản là quê nhà của một vài trong số những nhà máy hiện đại nhất thế giới.

Tetsuto Higashi đang tự đặt ra cho mình 1 nhiệm vụ mà nhiều người cho là không thể: tạo ra cho Nhật Bản 1 nhà sản xuất chip bán dẫn có đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, hoàn toàn từ con số 0 tròn trĩnh nhưng sẽ hoàn tất chỉ trong 4 năm.

Người đàn ông 73 tuổi không hề thoái chí. Theo ông, công ty vừa mới được thành lập mang tên Rapidus có thể nhanh chóng tăng tốc và cạnh tranh với những cái tên nổi tiếng như TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) hay Samsung Electronics của Hàn Quốc. Ông tin tưởng vào sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản và các nhà sản xuất thiết bị trong nước.

Rapidus đang cố gắng làm điều mà các chuyên gia cho rằng đáng lẽ Nhật Bản nên bắt tay hành động từ nhiều thập kỷ trước để không bị tụt hậu trong ngành chip như bây giờ. Được thành lập từ tháng 8 năm ngoái, công ty được nhà nước hỗ trợ đang chi hàng tỷ USD để theo đuổi mục tiêu đến năm 2027 sẽ tạo ra nhà máy chế tạo chip bán dẫn tân tiến nhất thế giới. Nhà máy này sẽ trở thành thứ tài sản giúp củng cố và nâng cao sức mạnh cho kinh tế Nhật Bản.

“Đi trước người khác và độc nhất vô nhị là vị thế duy nhất mà chỉ khi ở đó bạn mới có thể kiếm được thật nhiều lợi nhuận”, ông Higashi chia sẻ. “Bạn sẽ tự hạ giá bản thân nếu làm điều gì đó mà người khác đã từng làm”.

'Canh bạc' mới của Nhật Bản: Ông lão 73 tuổi được giao hàng tỷ USD để xây dựng tượng đài công nghệ từ số 0 tròn trĩnh, mục tiêu dẫn đầu thế giới sau 4 năm - Ảnh 1.

Ông Tetsuto Higashi. Ảnh: Bloomberg.

Chính phủ nhiều nước, từ Washington đến Bắc Kinh và Brussels, đều đang cố gắng tăng cường năng lực sản xuất chip của quốc gia. Tuy nhiên, vẫn có thể coi đây là cú đặt cược mạnh mẽ nhất trong ngành chip. Rapidus đặt mục tiêu có thể sản xuất đại trà những con chip kích cỡ 2 nanomet chỉ chậm hơn 2 năm so với những “lá cờ đầu” TSMC và Samsung.

Đã nhiều năm nay, khả năng sản xuất những con chip hiện đại nhất của toàn thế giới đang tập trung trong tay vỏn vẹn 3 công ty: TSMC, Samsung và Intel. Mọi đối thủ khác đều bỏ cuộc vì không thể theo kịp với tiền bạc cũng như tính chuyên môn cao mà bộ 3 này đã rót vào mỗi thế hệ chip. Và hiện tại kể cả Intel cũng đang hụt hơi so với 2 cái tên còn lại.

“Điều mà Rapidus đang theo đuổi thực sự thách thức, nhưng không phải là không thể bời vì họ hợp tác với các đối tác tầm cỡ toàn cầu và cả chính phủ của các nước liên quan cũng sẽ vào cuộc khi cần thiết”, chuyên gia phân tích Akira Minamikawa của công ty nghiên cứu Omdia nhận định.

Xét trên khía cạnh nào đó thì nỗ lực này giống như “quay ngược kim đồng hồ” trở về những năm 1980 và 1990, khi Nhật Bản là quê nhà của một vài trong số những nhà máy hiện đại nhất thế giới. Những công ty như NEC, Toshiba và những cái tên thân thuộc khác hiện đang bị bỏ lại phía sau, một phần vì họ đã ngừng đổi mới, ngừng chấp nhận những rủi ro cần thiết để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường biến đổi không ngừng.

Ông Higashi là cựu Chủ tịch kiêm CEO của Tokyo Electron, một công ty cung ứng các thiết bị sản xuất chip. Ông cho rằng Rapidus có đủ tất cả các nguyên liệu cần thiết để trở thành 1 thế lực trong ngành. Chính phủ Nhật đã đầu tư vào đây 330 tỷ yên (tương đương 2,4 tỷ USD), và Bộ trưởng Thương mại tuyên bố sẵn sàng cung cấp chừng đó tiền mỗi năm ít nhất là trong tương lai gần.

Tới nay Rapidus đã lập liên minh với IBM và IMEC, trung tâm nghiên cứu về microelectronics có trụ sở tại Bỉ. Công ty còn nhận được sự trợ giúp từ những tập đoàn lớn trong nước như Toyota, Sony và SoftBank.

Theo Higashi, Nhật Bản có đầy đủ nhà cung ứng nội địa cho các nguyên liệu, linh kiện cũng như máy móc quan trọng nhất phục vụ ngành chip. Rất nhiều trong số này đang háo hức làm việc với 1 công ty chip Nhật Bản vì họ có thể hợp tác chặt chẽ với nhau mà không phải lo về việc bị đánh cắp công nghệ. Thành công của Rapidus cũng sẽ chứng minh hệ sinh thái công nghệ Nhật Bản có thể tạo ra mức lợi nhuận đủ cao để cạnh tranh với các nước khác.

Hiện nguồn tài chính của Rapidus chủ yếu đến từ chính phủ và các đối tác. Ông Higashi cho biết Rapidus không có ý định huy động vốn từ khu vực tư nhân cho đến khi công ty bắt đầu sản xuất chip, nhiều khả năng vào năm 2027. Sau đó ông mới nghĩ đến chuyện IPO, vì mục tiêu hàng đầu là độc lập về tài chính và ổn định để sản xuất ra những con chip hiện đại nhất.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên