MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Canh bạc thất bại’ khiến đế chế của tỷ phú Hong Kong rơi vào vòng xoáy nợ nần

20-09-2022 - 10:24 AM | Tài chính quốc tế

Ông trùm bất động sản Pan Sutong từng có tên trong danh sách "tứ đại gia" Hong Kông giờ đang rơi vào cảnh lao đao vì nợ nần.

Cựu tỷ phú đã đặt cược hàng tỷ USD vào một dự án khủng ở khu kinh tế triển vọng bậc nhất Trung Quốc lúc bấy giờ, nhưng mọi chuyện lại không như dự tính.

Phần lớn tài sản bị đóng băng để "siết nợ", ông Pan không chỉ rớt khỏi danh sách 500 người giàu nhất thế giới, mà còn phải đau đớn nhìn đế chế mình gây dựng bao năm đứng trước bờ vực sụp đổ.

Pan Sutong đã đặt cược hàng tỷ USD vào một dự án khủng - xây dựng “khu nhà giàu” Thiên Tân. Thế nhưng, canh bạc lớn này lại trái ngược hẳn với dự tính của Pan, đẩy đại gia địa ốc hàng đầu Hong Kong vào cảnh lao đao vì nợ nần. Phần lớn tài sản bị đóng băng để “siết nợ”, ông Pan không chỉ rớt khỏi danh sách 500 người giàu nhất thế giới, mà còn đau đớn khi nhìn đế chế mình gây dựng bao năm đứng trước bờ vực sụp đổ.

‘Canh bạc thất bại’ khiến đế chế của tỷ phú Hong Kong rơi vào vòng xoáy nợ nần - Ảnh 1.

Ông trùm bất động sản Pan Sutong từng có tên trong nhóm "tứ đại gia" giàu nhất Hong Kong. Ảnh: Getty Images.

Từ đỉnh cao giàu có tới chìm trong nợ nần

Pan đã trải qua những năm tháng thiếu niên ở Mỹ trước khi chuyển đến Hong Kong vào năm 21 tuổi để khởi nghiệp trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Mặc dù chưa học hết trung học, cựu tỷ phú lại thể hiện đầu óc kinh doanh sắc bén. Ông đã đã từng bước tích luỹ tài sản từ việc sản xuất máy nghe nhạc MP3, màn hình TV karaoke đến sản xuất rượu hay cung cấp dịch vụ tài chính…

Tới khi thị trường bất động sản Trung Quốc bùng nổ vào năm 2000, Pan quyết định “xoay trục”. Năm 2008, ông đổi tên thương hiệu Matsunichi do mình thành lập năm 1993 thành Goldin Properties, rồi mua lại Fortuna International, sau đó đổi tên thành Goldin Financial.

2008 cũng đánh dấu năm Pan phất lên trong cơn sốt đất ở Hong Kong. Ở thời kỳ đỉnh cao, đế chế của San Sutong gần như không có đối thủ. Năm 2015, ông góp mặt trong nhóm “tứ đại gia” giàu nhất châu Á, với hơn 27 tỷ USD tài sản ròng, theo Bloomberg Billioinaires Index.

Thế nhưng, khi Pan khởi nguồn việc chia tách quyền sở hữu tài sản giữa công ty và lợi ích cá nhân thì mọi thứ bắt đầu rẽ sang một hướng khác. Hầu hết tài sản của Pan trở thành tài sản đảm bảo cho các khoản vay, dẫn đến việc đế chế của ông hứng chịu những đón giáng từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá tay sau này.

Các chủ nợ đòi “siết” thanh lý hầu hết các công ty của ông ở Hong Kong và Bermuda. Ngay cả biệt thự của ông ở Hong Kong cũng phải thế chấp nhiều lần để huy động tiền mặt. Doanh nhân lừng lẫy một thời, từng vươn lên những vị trí hàng đầu trên bảng xếp hạng tỷ phú Hong Kong chỉ 5 năm trước, giờ đây phải vật lộn trong cuộc chiến duy trì công ty không rơi vào cảnh phá sản.

“Sa lầy” ở Thiên Tân - Canh bạc thất bại

Pan Sutong đã đặt cược hàng tỷ USD vào một dự án phát triển khu dân cư ở Thiên Tân phía Đông Nam Trung Quốc. Dự án “khu nhà giàu” Goldin Metropolitan rộng 89 ha được hoạch định với tòa nhà chọc trời 117 tầng cao nhất Trung Quốc và tổ hợp mua sắm, khu giải trí Las Vegas, sân golf, 12 khối tháp, 33 dinh thự, các tổ hợp văn phòng, chung cư dát vàng cao cấp. Đây được coi là một dự án trọng điểm của Trung Quốc lúc bấy giờ.

‘Canh bạc thất bại’ khiến đế chế của tỷ phú Hong Kong rơi vào vòng xoáy nợ nần - Ảnh 2.

Dự án Goldin Metropolitan ở Thiên Tân từng được hứa hẹn là "không gian và tiện nghi vô song - phi thường và quyến rũ ngoài sức tưởng tượng". Ảnh: Goldin Properties.

Trên trang web của Goldin, từ năm 2007, Pan đã tự tin khẳng định rằng Thiên Tân có triển vọng phát triển thành một trung tâm kinh tế hàng đầu khu vực. Thế nhưng, kể từ đó, vai trò kinh tế của Thiên Tân lại rất mờ nhạt.

Năm 2015, công ty đã tạm dừng phần lớn việc xây dựng tòa nhà chọc trời này sau khi chỉ nhận được khoản đầu tư 5,9 tỷ USD, vẫn còn thiếu khoảng 10 tỷ USD cần thiết để hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, công ty cổ phần đầu tư Silver Starlight của Pan đã không hoàn trả các khoản vay đến hạn lần đầu vào năm 2019 và không thực hiện khoản thanh toán nào khác, ngoại trừ một phần lãi quá hạn vào năm 2020, theo tài liệu tại một phiên tòa năm ngoái.

‘Canh bạc thất bại’ khiến đế chế của tỷ phú Hong Kong rơi vào vòng xoáy nợ nần - Ảnh 3.

Ngày nay, tòa tháp cao 117 tầng được cư dân mạng Trung Quốc gọi với cái tên như “siêu dự án chết” hay “tòa nhà vô chủ lớn nhất đất nước”. Ảnh: Getty Images.

Yan Yuejin, giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc E-house nhận định: “Dự án ở Thiên Tân rất hoành tráng và rất khó để từ bỏ đối với Pan. Nhưng nếu lâm vào đường cùng, ông ấy sẽ vẫn buộc phải bán nó để giải quyết vấn đề nợ nần”.

Ông Pan và Goldin Financial đã vay nợ khoảng 38 tỷ HKD trong thời gian từ tháng 5/2017 đến 9/2020 để rót vào 4 dự án bất động sản ở Hong Kong. Cuối năm 2019, đầu năm 2020, biểu tình và dịch Covid-19 bùng lên ở Hong Kong, đẩy thành phố này vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Cổ phiếu lao dốc, những khoản “vay quá tay” lần lượt đến hạn, những gì vị tỷ phú còn lại chỉ là “một núi nợ”.

Vào tháng 7, tòa án cấp cao của Hong Kong đã yêu cầu Pan tuyên bố phá sản và giải tỏa một trong những công ty mẹ do khoản nợ 8 tỷ HKD (tương đương 1 tỷ USD) đối với Citic Bank. Theo một đại diện của công ty, ông Pan và công ty đã kháng cáo lệnh này và đưa ra bằng chứng có khả năng hoàn trả đầy đủ các khoản nợ.

Thế nhưng, những rắc rối của Pan không chỉ dừng lại ở đó. Một ngân hàng Trung Quốc tiếp tục nộp đơn yêu cầu ông tuyên bố phá sản hoặc trả khoản tiền 740 triệu NDT (tương đương 109 triệu USD) đang nợ tổ chức này. Trong khị vụ việc này còn đang tạm hoãn xét xử để chờ kết quả kháng cáo phán quyết trước đó, công ty quản lý nợ xấu Cinda Asset Management của Trung Quốc kiện ông và một số công ty liên kết về khoản vay chưa thanh toán 7,4 tỷ NDT (1,1 tỷ USD) và lãi phát sinh liên quan đến dự án Thiên Tân. Đồng thời, Deutsche Bank đã đệ đơn lên Bermuda xin thanh lý Goldin Financial Holdings, công ty niêm yết tại Hong Kong nắm giữ các doanh nghiệp phát triển rượu, tài chính và bất động sản của Pan.

Kenny Ng, chiến lược gia chứng khoán tại Everbright Securities, cho biết: “Ông ấy phải xoay sở để trả những khoản nợ đó hoặc điều đình với các chủ nợ. Nếu không, sẽ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc phá sản”.

Vòng xoáy khủng hoảng

Đối với Pan, viễn cảnh mất quyền kiểm soát dự án Thiên Tân còn song hành cùng những “cú trượt dài” của khối bất động sản khổng lồ ông sở hữu. Trung tâm Tài chính Toàn cầu Goldin 28 tầng ở Vịnh Kowloon đã bị các chủ nợ “siết” vào năm 2020, sau khi công ty không thể trả được các khoản nợ tổng trị giá hơn 1,3 tỷ USD thế chấp bởi tòa nhà. Vụ bán lại toà cao ốc chủ chốt này của công ty cũng thất bại vào tháng 5, sau khi thỏa thuận trị giá 1,8 tỷ USD trước đó bị rút lại không rõ lý do.

Tòa nhà từng là trụ sở chính của Goldin Financial đã mất hơn 90% giá trị trong 5 năm qua. Theo báo cáo tài chính mới nhất, doanh thu công ty đã sụt giảm gần 40% xuống còn 47,2 triệu USD trong vòng 1 năm. Hiện, ít nhất khoảng 956 triệu USD vẫn là nợ tồn đọng. Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ là 2,1 triệu USD.

Không chỉ nhiều lần thế chấp dinh thự của mình ở khu vực vịnh Deep Water với giá thấp nhất 85,6 triệu USD, Pan đã phải từ bỏ nhiều dự án ở Hong Kong. Trong đó điển hình là dự án khu dân cư ở Ho Man Tin vào năm 2020, hay khoản đặt cọc 3,2 triệu USD để dừng tham gia đấu thầu 1,4 tỷ USD lô đất sân bay quốc tế cũ Kai Tak vào năm 2019.

‘Canh bạc thất bại’ khiến đế chế của tỷ phú Hong Kong rơi vào vòng xoáy nợ nần - Ảnh 4.

Dinh thự ở khu vực vịnh Deep Water của Pan cũng phải đem ra thế chấp nhiều lần để huy động tiền mặt. Ảnh: Robert Olsen/Zinnia Lee

Trước đó, Goldin Financial đã chi gần 1,2 tỷ USD để mua lô đất đắt đỏ ở Kai Tak vào năm 2008. Chưa kịp hiện thực hóa những dự án ở khu vực này, công ty đã buộc phải bán lỗ với giá 7,04 tỷ HKD (908 triệu USD) để bù đắp những khoản nợ lớn và chống đỡ trước suy thoái. Sau tính toán chi phí đầu tư và tài chính ban đầu, thiệt hại của vụ thương vụ đối với Goldin lên tới 331,56 triệu USD.

Chuyên gia E-house Yan cho biết: “Ông ấy phải đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng. Phá sản hay không giờ chỉ còn phụ thuộc vào việc liệu ông ấy có thể bán thêm được tài sản nào nữa hay không”.

Tháng 6 vừa qua, Pan đã từ chức Chủ tịch và CEO Goldin Financial, và trao quyền điều hành cho cựu Phó Chủ tịch Abraham Shek Lai Him.

Theo Hồng Ngọc

Người đồng hành

Trở lên trên