MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Canh bạc tiền tỉ" liều lĩnh của Nhật Bản và một sự kiện kỳ quặc chưa từng có

24-07-2021 - 10:55 AM | Tài chính quốc tế

"Canh bạc tiền tỉ" liều lĩnh của Nhật Bản và một sự kiện kỳ quặc chưa từng có

Việc Nhật Bản miễn cưỡng tổ chức Olympic Tokyo 2020 như thế này thực sự là một "canh bạc lớn" của Thủ tướng Suga Yoshihide.

Ngày 23/7, Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 (Olympic Tokyo 2020) chính thức thức khai mạc. Sau khi Olympic Tokyo 2020 kết thúc vào ngày 8/8 là sẽ diễn ra Paralympic dành cho các vận động viên khuyết tật.

Nước chủ nhà Nhật Bản đón các đoàn thể thao đại diện cho hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham dự Olympic Tokyo 2020 trong bối cảnh chưa từng có trong lịch sử phong trào Olympic: hoàn toàn không có khán giả vào xem và cổ vũ do dịch Covid-19 lại bùng phát.

Thế vận hội không khán giả và nhiều quy định nhất trong lịch sử

Sau 1 năm phải hoãn lại vì cả thế giới phải gồng mình chống chọi đại dịch Covid-19, cuối cùng, Olympic Tokyo 2020 đã chính thức được tổ chức dù tình hình dịch bệnh lại bùng lên phức tạp do biến chủng Delta. Nhưng cách thức tổ chức lại không giống bất kỳ thế vận hội nào từ xưa đến nay.

Theo đó, sẽ không có bất kỳ khán giả nước ngoài hay ở trong nước nào được đến xem tại các địa điểm thi đấu. Ban đầu, chính phủ Nhật Bản đã ra quy định cấm khán giả nước ngoài, sau đó là đến khán giả trong nước. Một loạt các biện pháp phòng dịch khắt khe nhất được áp dụng cho những người tham dự sự kiện, khiến Olympic Tokyo 2020 trở thành kỳ Thế vận hội kỳ quặc và có nhiều quy định nhất trong lịch sử.

Mọi hoạt động, di chuyển của tất cả thành viên các đoàn thể thao đến Nhật Bản đều bị giới hạn và kiểm soát chặt chẽ và họ còn phải đối mặt với khả năng bị "trục xuất".

Canh bạc tiền tỉ liều lĩnh của Nhật Bản và một sự kiện kỳ quặc chưa từng có - Ảnh 1.

Giới chức Olympic Tokyo 2020 đón đoàn vận động viên Ireland tại sân bay Narita trong bộ đồ phòng hộ chống dịch. Ảnh: AP

Theo quy định, tất cả các vận động viên và người đi cùng trong đoàn đều phải tiêm vắc xin đầy đủ 2 liều. Rượu bia bị hạn chế hoặc bị cấm. Ngoài khu vực thi đấu, các vận động viên chỉ được di chuyển đến các khu vực nằm trong danh sách liên quan đến Olympic Tokyo 2020. Các hoạt động giao lưu hay di chuyển đến các địa điểm nằm ngoài danh sách này như: điểm tham quan du lịch hoặc vui chơi giải trí bị cấm hoàn toàn.

Nếu vi phạm các quy định phòng dịch thì các vận động viên cũng như các thành viên của đoàn sẽ bị buộc rời khỏi Olympic ngay.

Tất cả những biện pháp như vậy đang dần dần biến Olympic Tokyo 2020 thành một kỳ Thế vận hội ảm đạm, đầy lo lắng, thiếu vắng không khí đích thực của ngày hội thể thao.

Hai thế giới đối lập

Bản thân sự kiện cũng đang chia rẽ Nhật Bản thành hai thế giới đối lập.

Ở một bên chiến tuyến, người dân Nhật Bản (hầu hết vốn vẫn chưa tiêm vắc xin đầy đủ) ngày càng phẫn nộ khi chính phủ quyết định vẫn tổ chức kỳ thế vận hội này. Họ cho rằng, chính kỳ thế vận hội sẽ làm bùng phát dịch nghiêm trọng và hoàn toàn thất vọng khi không được vào sân xem và cổ vũ mà chỉ được xem qua truyền hình.

Nhiễm bệnh và phục hồi, làm việc và giải trí, cả hai đều bị kiểm soát bởi các hạn chế nghiêm ngặt vì đại dịch: Nhưng cuộc sống, như vốn có của nó, vẫn sẽ luôn tiếp diễn.

Trong khi đó, bên trong các sân vận động lớn (và cực kỳ đắt đỏ) bị khóa kín, các siêu vận động viên đã được tiêm vắc xin đầy đủ, đội ngũ báo chí truyền thông, quan chức Ủy Ban Olympic quốc tế (IOC), tình nguyện viên và những người điều hành Thế vận hội, vẫn miệt mài nỗ lực tập trung vào các môn thể thao để phục vụ hàng tỷ "khán giả online".

Canh bạc tiền tỉ liều lĩnh của Nhật Bản và một sự kiện kỳ quặc chưa từng có - Ảnh 2.

Không có bất kỳ khán giả nước ngoài hay ở trong nước nào được đến xem tại các địa điểm thi đấu. Ảnh: AP

Kể từ khi lần đầu tiên bị hoãn do đại dịch, giới truyền thông Nhật Bản thật sự đã bị ám ảnh bởi Olympic Tokyo 2020. Nhiều câu hỏi quẩn quanh. Liệu nó có diễn ra không? Nếu diễn ra thì sẽ được tổ chức như thế nào? Và giờ đây, viễn cảnh đáng lo ngại nhất đã xảy ra khi Olympic Tokyo 2020 vẫn diễn ra nhưng theo cách mà không ai có thể ngờ tới được.

Trong một bài viết mới đây, nhật báo Asahi Shimbun, đối tác chính của Thế vận hội Tokyo 2020, cho rằng: "Tư tưởng cho rằng Olympic Tokyo 2020 bị "ép" phải diễn ra khiến mọi việc rơi vào khủng hoảng. IOC và các quan chức Nhật Bản nên biết rằng chính sự vô lý của họ đã khiến người dân mất lòng tin vào Olympic Tokyo 2020".

Điều gì đang chờ đợi Olympic Tokyo 2020?

Tất nhiên, còn quá sớm để dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra khi hàng chục ngàn người hội tụ về với Olympic Tokyo 2020. Theo AP, có khoảng 15.000 vận động viên và gần 70.000 quan chức, giới truyền thông và những người khác sẽ "hòa mình" vào dòng chảy của Tokyo theo những cách riêng biệt và những hạn chế nghiêm ngặt.

Liệu những người dân Nhật Bản, bình thường vốn rất hiếu khách, có nồng nhiệt chào đón những đoàn khách này hay không? Liệu các vận động viên Olympic và những người khác có tuân thủ các quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt của nước chủ nhà hay không? Liệu họ có mang đến những biến chủng mới nguy hiểm khác và làm bùng dịch kinh hoàng ở Nhật Bản hay không? Liệu những nỗ lực dập dịch của nước này có tan tành theo Olympic Tokyo 2020 hay không?

Chưa ai trả lời được những câu hỏi trên nhưng có một điều có vẻ chắc chắn: sẽ không còn nhiều cuộc đấu hấp dẫn mà thế giới mong đợi từ Olympic Tokyo 2020, cũng như các hoạt động ăn mừng và giao lưu văn hóa bên lề giữa người hâm mộ, vận động viên và người dân địa phương.

Thông thường, Olympic là một bữa tiệc sôi động kéo dài 2 tuần và là dịp để quốc gia đăng cai quảng bá hình ảnh và "quyến rũ" thế giới. Sẽ có rất nhiều khách du lịch đến với Nhật Bản và các doanh nghiệp kỳ vọng thế vận hội sẽ mang đến cơ hội quảng bá thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Nhưng kỳ vọng này đã tan biến trong bối cảnh hiện nay. Các tờ báo ở Nhật Bản đều cho rằng khi cho rằng, IOC là bên có lợi nhất, khi họ vẫn thu được phí bản quyền truyền hình tương đương với khi tổ chức sự kiện bình thường, trong khi đó thế vận hội thực sự là một gánh nặng đối với Nhật Bản.

Việc Nhật Bản miễn cưỡng tổ chức Olympic Tokyo 2020 trong đại dịch như thế này thực sự là một "canh bạc lớn" của Thủ tướng Suga Yoshihide. Và cái giá phải trả như thế nào, thì phải đợi cho đến khi các đoàn thu dọn đồ đạc và rời khỏi nước Nhật, mới biết được.

(*) Trên đây là phần lược dịch bài viết của tác giả FOSTER KLUG đăng trên AP News

Theo Nam Anh

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên