MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo cần hơn giải cứu

20-05-2019 - 08:10 AM | Thị trường

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa đưa ra cảnh báo về việc ngăn chặn nguy cơ xâm hại của động vật ngoại lai là con tôm hùm đất.

Loài tôm này được thương lái nhập từ Trung Quốc về, có sức đề kháng mạnh và phá hoại mùa màng, nguy cơ ảnh hưởng môi trường sinh thái và là loài cấm nhập tại Việt Nam.

Trước con tôm hùm đất, nước ta từng đối mặt với các loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm như cây trinh nữ hoàng cung, cá piranha, ốc bươu vàng... Những loài vật này gây ra những ảnh hưởng nặng nề lên mùa màng, đồng ruộng và cả hệ sinh thái, môi trường. Phải mất nhiều năm với rất nhiều nỗ lực mới có thể hạn chế tác hại của các loài này.

Một thực trạng khác trong đời sống nông thôn Việt Nam là chạy theo việc nuôi trồng các loại sản vật khi có thông tin về lợi nhuận cao và nhanh. Những ngày qua, báo chí đưa tin ĐBSCL rộ lên chuyện nông dân đua nhau trồng mít Thái vì sớm thu hoạch và lợi nhuận cao. Cây mít Thái đã từng tạo cơn sốt ở ĐBSCL mấy năm trước dù đã có những khuyến cáo từ cơ quan hữu trách, một thời gian im ắng nay trở lại làm nóng một số vùng đất miền Tây. Trước đó là cây mít Thái "bùng nổ" tại Bình Phước với báo, đài đưa tin rầm rộ về các mô hình thành công, kéo theo nhiều nông dân chuyển sang trồng loại cây này.

Do có chênh lệch về doanh thu so với trồng lúa và các loại cây khác nên nông dân chuyển sang trồng mít Thái là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đây là sự lựa chọn cảm tính, là điển hình của tư duy "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào". Những năm trước, người dân miền Trung, miền Tây Nam Bộ đã từng nóng lên với các phong trào trồng mía, trồng chuối, khoai lang, dưa hấu... cho lợi nhuận cao. Đến lúc thị trường bão hòa, thương lái Trung Quốc không tiếp tục thu mua thì các sản vật này ế ẩm, nông dân khóc ròng, người dân cả nước lao vào giúp đỡ bằng các phong trào giải cứu.

Cứ ngỡ sau những lần như vậy sẽ tỉnh ngộ ra, chọn đường làm ăn căn cơ hơn. Nhưng không, ngoài đua nhau trồng mít Thái, nhiều nơi rục rịch nuôi lại cá sấu dù rằng mấy năm trước, các trại nuôi cá sấu ở nhiều nơi thua lỗ nặng, phải bỏ đói cá sấu vì không còn tiền mua thức ăn. Nay nghe đồn có lãi là lại lao vào, bất chấp hậu quả. Nhiều người nuôi cá sấu trông chờ vào thị trường Trung Quốc và chấp nhận kiểu lời ăn, lỗ chịu.

Làm ăn kinh tế kiểu như đánh bạc, được ăn cả ngã về không là không nên. Lúc trúng hể hả, lúc thua thì khóc, chờ giải cứu, không phải là cách nên duy trì mãi. Lòng thương xã hội không thể sai lạc, có thể đặt sai chỗ nhưng chỉ một lần. Rất cần sự nhanh nhạy và quyết liệt như Bộ NN-PTNT cảnh báo về con tôm hùm đất; qua đây cũng nên khuyến cáo mạnh mẽ về nuôi trồng sản vật cho nông dân để chủ động đầu ra, không loay hoay bài toán giải cứu khi bị mất thị trường. Đồng thời, khi nuôi trồng sản vật với quy mô trang trại, vườn tược khang trang nên học tập theo các mô hình chuẩn, tạo chuỗi liên kết, tìm kiếm doanh nghiệp bảo đảm đầu ra cho sản vật. Còn làm như lâu nay, có thể "thắng" một đôi lần, song thua thì thua rất đậm, không có tính bền vững, lâu dài.

Theo Thông Đạt

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên