Cảnh báo đáng sợ: Sau khi hết Covid-19, rừng Amazon sẽ là nguồn lây nhiễm virus corona kế tiếp và lỗi hoàn toàn nằm ở con người
Khoa học Brazil cho rằng việc con người tiếp tục chặt phá, khai hoang Amazon sẽ tạo tiền đề cho một đại dịch tiếp theo. Một đại dịch cực kỳ phức tạp để có thể đưa ra dự đoán.
- 18-05-2020Pháp lo ngại các lò mổ gia súc có thể trở thành ổ dịch COVID-19
- 17-05-2020Phụ huynh tại Malaysia e ngại về việc đi học của con cái dù đã được nới lỏng cách ly
- 17-05-2020Thiếu giấy toilet, thị trường Mỹ quan tâm vòi xịt tự động của Hàn Quốc
Cho đến nay, các chủng virus corona nguy hiểm nhất vẫn được cho là tới từ Trung Quốc, bởi đa số đều tới từ quần thể dơi trong các hang động của quốc gia này, và vì người dân có lối sống gần gũi với loài dơi.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu của David Lapola - nhà sinh thái học người Brazil thì sau khi đại dịch Covid-19 với ngòi nổ là virus corona SARS-CoV-2 chấm dứt, dịch bệnh kinh khủng tiếp theo mà loài người phải hứng chịu có thể bắt nguồn từ Amazon - khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới hiện nay.
Cụ thể, Lapola cho rằng Amazon hiện tại cũng đang rơi vào tình cảnh giống với Trung Quốc, khi con người đang ngày càng tiếp cận dần đến môi trường sống của động vật trong tự nhiên. Ông cảnh báo, việc xâm phạm vào những nơi vốn thuộc về động vật có thể tăng nguy cơ xuất hiện một dịch bệnh lây từ động vật sang người, bao gồm cả virus corona.
"Amazon cũng là một ổ virus rất lớn. Con người thực sự không nên dấn sâu hơn," - Lapola chia sẻ với tờ AFP.
Quá trình chặt phá rừng tại Amazon có thể tạo tiền đề cho một dịch bệnh mới
Cảnh báo của Lapola xuất phát trên một thực tế, đó là việc diện tích rừng Amazon đang bị thu hẹp với tốc độ đáng báo động. Trong năm 2019, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của thủ tướng Brazil Jair Bolsonaro, tốc độ phá rừng Amazon đã tăng tới 85%, với diện tích rừng bị chặt phá lên tới 10.000km2. Và con số ấy có vẻ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Chỉ trong giai đoạn từ tháng 1 - 4/2020, hơn 1000 kilomet vuông rừng đã bị quét sạch - mức kỷ lục từ trước đến nay. Theo Lapola - tiến sĩ Viện Max Planck (Đức) và hiện đang làm việc tại ĐH Campinas (Brazil), đây thực sự là một tin xấu, không chỉ cho hành tinh của chúng ta, mà còn đối với tình trạng sức khỏe của loài người.
"Khi tạo ra một hệ sinh thái mất cân bằng, đó là khi virus xuất hiện và lây từ động vật sang người," - ông nhận định.
Bài học từ HIV, Ebola và sốt xuất huyết
Tình trạng tương tự đã từng được chứng kiến với các căn bệnh khác, như HIV, Ebola và sốt xuất huyết. "Virus xuất hiện và lây lan chỉ vì mất cân bằng trong hệ sinh thái," - Lapola cho biết.
Amazon bị phá hủy với tốc độ ngày càng nhanh hơn (ảnh minh họa)
Cho đến thời điểm hiện tại, các dịch bệnh lớn nhất chủ yếu tập trung tại Nam Á và châu Phi, có liên hệ với loài dơi. Nhưng trên thực tế, hệ sinh thái đa dạng của Amazon cũng biến nó trở thành "ổ virus corona lớn nhất thế giới," - Lapola nhận xét.
"Thêm một lý do để không lạm dụng Amazon như cái cách chúng ta đang làm hiện nay," - ông chia sẻ.
Theo Lapola, tình hình tại Amazon đang rất báo động, với cảnh chặt phá rừng và nông dân khai hoang trái phép tăng mạnh. Tổng thống Bolsonaro vốn nổi tiếng với các phát ngôn hoài nghi về biến đối khí hậu hiện đang muốn khai phá các vùng đất của thổ dân để phục vụ cho khai khoáng và nông nghiệp. Tuy nhiên gần đây, tổng thống đã phái quân đội tới để chống lại nạn chặt phá rừng - một động thái bảo vệ hiếm hoi kể từ khi nhậm chức.
Có điều, Lapola hiện đang mong muốn chính phủ sẽ tiếp tục tài trợ cho các cơ quan bảo vệ môi trường, thay vì cắt giảm chi phí. "Tôi hy vọng chúng ta sẽ có thêm kinh phí để bảo vệ kho báu sinh thái lớn bậc nhất hành tinh trong thời gian tới," - Lapola cho biết.
"Chúng ta cần cải thiện mối quan hệ giữa xã hội và khu rừng này. Nếu không thế giới có thể sớm nhìn thấy một đại dịch tiếp theo, mà rất khó để dự đoán."
Nguồn: Science Alert
Trí thức trẻ