Cảnh báo lừa đảo lao động thời vụ sang Hàn Quốc
Cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo đến người lao động có nhu cầu đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc về tình trạng lừa đảo người lao động, song trên thực tế, vẫn xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo về lao động thời vụ.
Ngày 12/10, ông Võ Văn Hoàn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị cho biết, thị trường lao động tại Hàn Quốc có nhiều chương trình làm việc hiệu quả, ý nghĩa. Tại Quảng Trị, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã và đang triển khai chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS). Đây là chương trình cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài được ký kết giữa Bộ Lao động Hàn Quốc và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Việt Nam. Kết quả, từ năm 2005 đến tháng 6/2024 có khoảng hơn 5.000 lao động Quảng Trị đã xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc. Nhưng người lao động đi theo chương trình EPS đòi hỏi thời gian đào tạo khá dài và khả năng trúng tuyển khó.
Do vậy, chương trình thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước theo Công văn 2188/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 24/6/2022 của Bộ LĐ,TB&XH (thị thực E8) là một hướng đi mới về tạo việc làm. Chương trình này có chi phí ít tốn kém hơn, thủ tục nhanh gọn, không yêu cầu cao về ngoại ngữ, thời gian đi làm việc ngắn, dễ nâng cao thu nhập cho người lao động nên được nhiều người quan tâm.
“Lợi dụng chương trình này, một số đối tượng đã môi giới thông tin, lừa đảo người lao động, gây hoang mang dư luận. Báo động nhất là vào ngày 22/9, hàng trăm lao động bị Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam bỏ rơi tại sân bay Nội Bài trong lúc làm thủ tục chuẩn bị bay sang Hàn Quốc làm việc theo thỏa thuận với công ty. Bộ LĐ,TB&XH và các cơ quan chức năng đã lập tức vào cuộc xác minh việc làm sai trái của công ty này nhằm xử lý, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Trước hiện trạng này, ngày 24/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước ra văn bản khuyến cáo đến người lao động về tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lợi dụng chương trình thị thực E8 lừa đảo đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc. Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định đây là chương trình hợp tác trực tiếp giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc trên cơ sở bản thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa địa phương hai nước để tuyển chọn đưa người lao động cư trú tại địa phương sang làm việc tại Hàn Quốc”, ông Võ Văn Hoàn nói.
Theo ông Võ Văn Hoàn, điểm nhận biết của chương trình này là không giao cho doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào mà cơ quan quản lý Nhà nước cấp huyện chịu trách nhiệm ký hợp đồng , tổ chức đào tạo tiếng Hàn, tuyển chọn đảm bảo yêu cầu của bên tiếp nhận lao động, là địa phương ở Hàn Quốc.
Thời gian qua, cả nước có 17 tỉnh đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E8. Tại các địa phương triển khai chương trình này, việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện. Vì thế, người lao động cần tìm hiểu các quy định của hình thức làm việc này và những địa phương đã ký thỏa thuận với phía Hàn Quốc để tránh bị lừa đảo.
Ông Lê Nguyên Hồng-Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Quảng Trị khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo, người lao động chỉ liên hệ trực tiếp với Sở LĐ,TB&XH hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm hiểu thông tin liên quan, tuyệt đối không nghe theo các thông tin quảng cáo không chính thống và không liên hệ với các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới.
Người lao động có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 0243.8.249.517, số máy lẻ 511, 304 để tìm hiểu thêm thông tin.
Tiền Phong