Cảnh báo: Nguồn tài nguyên quan trọng thứ 2 sau nước sắp khan hiếm vì "cơn khát" của con người
Thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu cát - và các nhà khoa học khí hậu cảnh báo rằng đây là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21.
- 07-03-2021Trở thành người giàu thứ 2 thế giới nhờ xe điện và tên lửa, nhưng ít người biết Elon Musk còn kiếm lời từ những sản phẩm 'trời ơi đất hỡi' này
- 06-03-2021Đại dịch đã thay đổi thói quen tiêu xài của giới siêu giàu ra sao?
Cát là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất, nhưng lại ít được đánh giá đúng mức trên thế giới. Hiện nay, "cơn khát" cát trên toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại, nhưng nhân loại đang phải đối mặt với một vấn đề: nguồn tài nguyên cát đang dần cạn kiệt.
Toàn bộ xã hội của chúng ta được xây dựng trên cát. Đây là loại nguyên liệu thô được tiêu thụ nhiều thứ hai trên thế giới - chỉ xếp sau nước - và là một thành phần thiết yếu đối với cuộc sống hàng ngày của con người.
Cát là nguyên liệu chính được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như xây dựng cầu đường, tàu cao tốc và thậm chí cả các dự án tái tạo đất. Cát, sỏi và đá được nghiền nát, trộn lẫn rồi nấu chảy để làm thủy tinh và kính cho cửa sổ, màn hình máy tính, điện thoại thông minh. Ngay cả việc sản xuất chip silicon cũng sử dụng cát.
Tuy nhiên, thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu cát - và các nhà khoa học khí hậu cảnh báo rằng đây là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21.
Ông Pascal Peduzzi, một nhà khí hậu học từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (LHQ), nói rằng chúng ta chưa cần phải hoảng sợ, nhưng cần xem xét và thay đổi nhận thức về cát.
"Chúng ta cho rằng cát ở khắp mọi nơi. Chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng cát sẽ cạn kiệt, nhưng tình trạng này đã bắt đầu ở một số nơi. Việc thiếu hụt có thể sẽ xảy ra trong một thập kỷ tới nếu như chúng ta không lường trước", hãng tin CNBC (Mỹ) trích dẫn lời chuyên gia này.
Sa mạc Sahara. Ảnh: Getty
Ngành xây dựng bùng nổ, nhu cầu về cát tăng cao
Hiện tại chúng ta chưa có cơ chế giám sát chính xác về việc sử dụng cát trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông Peduzzi cho biết yếu tố này có thể được đo theo cách gián tiếp thông qua mối tương quan giữa việc sử dụng cát và xi măng.
LHQ ước tính mỗi năm có 4,1 tỷ tấn xi măng được sản xuất, chủ yếu do nhu cầu của Trung Quốc chiếm 58% sự bùng nổ của ngành xây dựng sử dụng nguyên liệu cát ngày nay.
Mức độ sử dụng cát và sỏi trên toàn cầu cao gấp 10 lần so với xi măng. Điều này nghĩa là chỉ riêng trong lĩnh vực xây dựng, hàng năm thế giới tiêu thụ khoảng 40 đến 50 tỷ tấn cát. Số cát này đủ để xây một bức tường cao 27 mét, rộng 27 mét bao quanh hành tinh mỗi năm.
Tỷ lệ sử dụng tài nguyên cát trên toàn cầu trong hai thập kỷ qua đã tăng gấp ba lần, với một phần lý do là quá trình đô thị hóa nhanh chóng - vượt xa tỉ lệ tạo ra cát tự nhiên do quá trình phong hóa đá nhờ gió và nước.
Hầu hết các quốc gia trên Trái đất đều có cát, ví dụ trong các sa mạc và trên bờ biển. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả hạt cát đều có thể được sử dụng. Chẳng hạn, cát sa mạc là loại bị gió bào mòn chứ không phải nước, nên loại cát này quá mịn và tròn, khó kết dính và không thể sử dụng cho mục đích xây dựng.
Các loại cát thường được sử dụng có góc cạnh hơn và có thể dễ dàng kết dính. Thông thường loại cát này được tìm thấy ở đáy biển, đường bờ biển, mỏ đá và các con sông trên khắp thế giới.
Cát được tìm kiếm nhiều hơn là có góc cạnh hơn và có thể khóa lại với nhau. Nó thường có nguồn gốc và chiết xuất từ đáy biển, đường bờ biển, mỏ đá và sông trên khắp thế giới.
Ảnh: AFP
Bà Louise Gallagher, người đứng đầu Sáng kiến Quan sát Môi trường toàn cầu nói rằng các vấn đề về cát đã trở nên phức tạp hơn và cần phải giải quyết.
"Cát được coi là thứ nguyên liệu rẻ, có sẵn và vô hạn, một phần lý do dẫn đến điều này là do các chi phí về môi trường và xã hội chưa được tính đến. Có vẻ như chúng ta tin rằng giá trị sử dụng cao nhất của vật liệu này hiện nay là khai thác từ môi trường tự nhiên thay vì giữ nó trong hệ thống vì những lợi ích khác mà chúng ta nhận được từ nó, chẳng hạn như khả năng chống chịu với khí hậu ở vùng ven biển" , bà Gallagher nói.
Bà Gallagher nói thêm: "Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ. Vấn đề này không còn vô hình như trước đây nữa".
Theo đó, bà Gallagher đã xác định năm ưu tiên đối trong vấn đề quản trị tài nguyên cát trong hai năm tới: hợp tác về các tiêu chuẩn toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực, tìm ra các giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí và khả thi cho cát sông và biển, cập nhật các khuôn khổ quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính để bao gồm cát, mang lại tiếng nói ở cấp độ cơ sở và đặt ra các mục tiêu khu vực, quốc gia và toàn cầu về sử dụng cát ở quy mô phù hợp.
"Đã đến lúc thế giới cần tỉnh ngộ", ông Peduzzi kết luận./.
Doanh nghiệp và tiếp thị