Cảnh báo tình trạng rò rỉ hình ảnh cá nhân thông qua camera an ninh, giám sát, mọi người cần làm ngay điều này để không bị hack
Các thiết bị ghi hình kỹ thuật số có kết nối Internet dễ trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng. Các gia đình đang sử dụng thiết bị camera giám sát, camera an ninh cần làm ngay điều này để tránh bị lộ hình ảnh cá nhân.
- 11-05-2022Cần Thơ sẽ chi 36,2 tỷ đồng để ứng dụng công nghệ thực hiện số hóa trong nông nghiệp
- 11-05-2022Người Việt bắt đầu tìm mua hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc, Nhật, Thái Lan
- 11-05-2022Elon Musk khẳng định sẽ “mở khoá” tài khoản Twitter cho cựu Tổng thống Trump
Camera an ninh, camera giám sát... đã trở thành thiết bị hỗ trợ an ninh quá quen thuộc. Nhưng giờ đây, chính thiết bị giám sát an toàn đó lại trở thành con dao hai lưỡi với mỗi cá nhân nếu bị hack.
Bất cứ thứ gì có người mua, có người xem, sẽ có người bán. Quy luật bất thành văn này khiến nhiều người bất chấp "đổi nghề" hack camera an ninh hòng thu lợi nhuận từ chính sự riêng tư của người khác.
Không quá khó để chúng ta tìm thấy các video được hack từ camera giám sát trong nhà của nạn nhân. Những video được rao bán "bản full" trên các hội nhóm kín Facebook, các nhóm chat Zalo, Telegram, các bài đăng úp mở trên Twitter…
Thế nhưng, đôi khi, những chiếc camera này không hề bị hack mà do chính sự thờ ơ của người dùng đã khiến những cảnh ghi được từ camera riêng tư trở thành "công cộng", khơi dậy sự tò mò của hàng loạt người khác. Đó chính là việc người dùng lắp đặt camera nhưng không đặt password (mật khẩu) cho những chiếc camera này.
Một cửa hàng điện máy tại Việt Nam cũng quên luôn việc đặt mật khẩu cho camera
Thiết bị này sau khi được cài đặt thường sử dụng mật khẩu mặc định hoặc mật khẩu dễ nhớ, nhưng chủ nhà lại không thay đổi dẫn tới lỗ hổng để kẻ gian chiếm đoạt.
Lúc này, dữ liệu từ camera sẽ được gửi về nhà sản xuất và chỉ cần có tên truy cập và mật khẩu, kẻ gian có thể lấy được toàn bộ video chứa hình ảnh nhạy cảm của người dùng. Nguy hiểm hơn, tin tặc còn xây dựng cả một hệ thống trang web phát hình ảnh online lấy từ các camera IP bị khai thác lỗ hổng bảo mật.
Nhiều người dùng vẫn còn thờ ơ trong việc đặt mật khẩu và tên đăng nhập từ xa cho camera IP
Theo các chuyên gia, người dùng nên trang bị hệ thống camera giám sát bảo mật hai lớp, đồng thời thường xuyên đổi mật khẩu và tránh sử dụng mật khẩu trùng nhau hoặc mật khẩu cũ. Đặc biệt, người dùng nên đặt mật khẩu phức tạp để tránh việc bị tin tặc dò ra.
Các loại camera IP ở Việt Nam đều có xuất xứ nước ngoài, do đó đây cũng là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng khi tin tặc tiến hành dò mật khẩu trên trang chủ nhà sản xuất.
Những cảnh riêng tư trong gia đình hoàn toàn có thể bị kẻ xấu theo dõi
Nhưng đó chưa phải là tất cả về camera ghi hình. Google từng đưa ra cảnh báo vào cuối năm 2019 rằng có hàng trăm triệu thiết bị Android chứa lỗ hổng ở camera. iPhone cũng từng gặp lỗi tương tự với FaceTime khiến các chuyên gia bảo mật phải lên tiếng cảnh báo người dùng nên tạm thời che đi camera trước.
Nên nhớ, nếu lắp camera an ninh giám sát, bạn cần bắt buộc phải đặt mật khẩu cho camera. Ngoài ra, hành động tò mò, theo dõi camera của những gia đình khác cũng là một hành động đáng lên án. Đặc biệt, nếu có ý định sử dụng những hình ảnh từ camera nhằm mục đích xấu sẽ bị pháp luật xử lý theo quy định.
Hành động hack camera an ninh, phát tán hình ảnh cá nhân bị xử phạt như thế nào?
Trước hết, hành vi của "hacker" có thể bị phạt tiền lên đến 70.000.000 đồng theo quy định tại Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, nếu như các clip và hình ảnh bị phát tán có nội dung nhạy cảm, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc thì hành vi phát tán đó trên mạng internet còn có thể bị xử lý theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Theo đó hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng.