MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo tour trên mạng

29-01-2024 - 16:39 PM | Kinh tế số

Việt Nam hiện đang có 84,4% người sử dụng điện thoại thông minh, vì vậy thị trường giao dịch trên mạng khá sôi động nhưng cũng đang tạo ra môi trường cho các trò lừa đảo trực tuyến mới nổi.

 

Cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo tour trên mạng - Ảnh 1.

Những ánh đèn rực rỡ và biểu tượng lễ hội được trang trí trên các con phố báo hiệu Tết Nguyên đán đang đến gần. Tết Nguyên Đán là một trong những kỳ nghỉ được mong đợi nhất trong năm. Với ngành du lịch, thời điểm này luôn chứng kiến sự gia tăng đáng kể lượng khách du lịch tìm kiếm và đặt trước cho các chuyến đi.

Công nghệ 4.0 đã giúp du khách chỉ cần nhấp chuột là có thể lên kế hoạch một tour du lịch hoàn hảo. Việt Nam hiện đang có 84,4% người sử dụng điện thoại thông minh, vì vậy thị trường giao dịch trên mạng khá sôi động nhưng cũng đang tạo ra môi trường cho các trò lừa đảo trực tuyến mới nổi. Người tiêu dùng cần cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi ẩn dưới những chào mời ưu đãi, giảm giá hay khuyến mãi.

Theo Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA), tình trạng các vụ lừa đảo qua mạng dần trở nên phức tạp và phổ biến hơn. Nhiều khách hàng Việt Nam đã trở thành nạn nhân, trong đó các vụ lừa đảo du lịch trực tuyến ngày càng phức tạp với tốc độ đáng báo động. Dữ liệu của GASA công bố vào năm 2023 cho thấy, người Việt Nam đã mất hơn 16 tỷ đô la Mỹ cho các trò lừa đảo trực tuyến, trong tổng số 53 tỷ đô la Mỹ trên toàn cầu.

Sự hoành hành của các chiêu trò lừa đảo du lịch ngày càng tinh vi tại Việt Nam đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhu cầu cấp thiết du khách cần được bảo vệ. Điều này đòi hỏi vai trò quan trọng của các bên liên quan trong ngành du lịch. Tuy nhiên, du khách cũng cần có trách nhiệm trong việc tự bảo vệ mình trước những mối đe dọa kỹ thuật số, bằng cách cập nhật thường xuyên về các hình thức lừa đảo mới nhất. Vì vậy, an ninh mạng trong du lịch đòi hỏi từ cả hai phía: nền tảng du lịch và khách hàng.

Sự gia tăng chóng mặt của lượng người sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các trò lừa đảo trực tuyến. Thông tin lừa đảo thường đăng quảng cáo cung cấp các gói du lịch và phòng khách sạn giá rẻ trên mạng xã hội, dụ nạn nhân chuyển khoản đặt cọc và thường là một khoản tiền từ 30 đến 50% so với giá gốc - để đảm bảo giữ chỗ.

Một hình thức lừa đảo phổ biến khác liên quan đến việc quảng cáo dịch vụ xin visa nước ngoài, đảm bảo tỷ lệ thành công cao và hứa hẹn hoàn trả toàn bộ tiền nếu thất bại. Việc tạo các trang web giả, mạo danh các công ty du lịch uy tín hoặc các hãng hàng không như Vietnam Airlines, cũng như tạo ra các biên lai và hóa đơn giả, khiến nạn nhân tin tưởng thực hiện những giao dịch để rồi ngậm ngùi mất tiền.

Hậu quả thật khó lường nếu các vụ lừa đảo ngày càng gia tăng và không được kiểm soát. Nó ảnh hưởng đến chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam khi người dân mất lòng tin và không còn sẵn sàng tham gia các giải pháp kỹ thuật số. Và như vậy mục tiêu tăng tỷ trọng của kinh tế số trong GDP lên 20% vào năm 2025 sẽ gặp trở ngại.

Du khách cần chủ động cảnh giác trước các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Luôn thận trọng và cảnh giác với những quảng cáo hấp dẫn hứa hẹn giá rẻ bất ngờ hoặc chiết khấu cao. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro trở thành nạn nhân, mà còn nâng cao kiến thức an toàn số trong thế giới mạng rộng lớn như ngày nay.

photo-1706521008934

Tâm lý của du khách sẽ bị ảnh hưởng khá lớn khi bị lừa đảo, đây là điều ngành du lịch cần phải ngăn chặn, hạn chế khi đang dần hồi phục sau Đại dịch. Một điểm quan trọng, du khách cần lưu ý là các công ty du lịch hoặc đại lý uy tín không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu dùng một lần (OTP), hoặc yêu cầu nhấp vào các liên kết để cung cấp thông tin cá nhân hoặc chi tiết tài khoản.

Cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo tour trên mạng - Ảnh 3.

Tác giả là Ray Frederick – Giám đốc Công nghệ (CTO) Traveloka

Năm nay, dự đoán phục hồi của ngành du lịch sẽ trở lại bằng hoặc vượt năm 2019, trước đại dịch. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, đòi hỏi một sự nỗ lực lớn của toàn ngành, trong đó việc đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng là điều vô cùng quan trọng, các nền tảng du lịch cần triển khai cơ sở hạ tầng an ninh mạng chặt chẽ để bảo vệ khách hàng.

Việc phòng chống lừa đảo trực tuyến không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà còn phụ thuộc vào sự tham gia và nhận thức của mỗi cá nhân. Khi ngành du lịch và du khách cùng nâng cao cảnh giác, nắm vững thông tin về các hình thức lừa đảo thì không những biết cách phòng ngừa mà còn có được những chuyến đi trọn vẹn.

Ray Frederick – Giám đốc Công nghệ (CTO) Traveloka

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên