Cảnh làm hơn công nhân, ngày ăn một bữa của bà chủ bún ''hàng hiệu'' - từng lên Shark Tank gọi vốn trăm tỷ
Sau dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của bún Nguyễn Bính khó khăn hơn. Sản lượng giảm so với trước nhưng bà Bính vẫn bám trụ với nghề, đầu tư máy móc mới và cùng công nhân hoàn thiện sản phẩm.
- 03-02-2023Cập nhật quy định mới về các trường hợp hưởng BHXH một lần
- 03-02-2023Tiềm năng khu kinh tế Vân Phong thế nào mà được hàng loạt ông lớn nhắm tới đầu tư?
Tôi là Nguyễn Thị Bính (53 tuổi), hiện là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính. 5 năm trước, tôi từng xuất hiện trên chương trình Shark Tank để gọi vốn 5 triệu USD cho 20% cổ phần bún Nguyễn Bính. Sau đại dịch, tình hình kinh doanh của công ty khó khăn hơn, nhưng tôi vẫn bám trụ với nghề, tìm mọi cách để nâng cấp chất lượng sản phẩm của mình.
Giờ giấc làm việc của tôi không cố định, có khi bận đến nỗi 2 ngày không được chợp mắt. Hôm nào có nhiều đơn đặt hàng, tôi làm đến 10h đêm mới nghỉ. Sáng nay tôi vào bàn làm việc sớm có bà Ba - chủ nhà máy xay xát gạo, đến để kiểm tra sổ sách và tình hình gạo cung cấp đợt Tết Nguyên đán vừa qua cho xưởng sản xuất bún.
Công ty của tôi sử dụng gạo Oxy 10 (loại không quá mới, không quá cũ). Lúa đang tăng giá nên chúng tôi phải thương lượng để đưa ra mức giá ổn thoả cho hai bên.
Vì bắt đầu công việc khá sớm nên tôi chưa kịp ăn sáng, khi bận rộn, tôi chỉ ăn một bữa/ngày. Trong gia đình, tôi là người quán xuyến công ty, còn chồng tôi thì lo chuyện bếp núc cho vợ và hai con trai. Cả nhà hiếm khi được dịp ngồi ăn cơm với nhau. Anh ấy thì ăn chay trường, hai con còn đi học, tôi thì ở dưới xưởng cả ngày, nên mỗi người tự lo phần ăn thôi.
Trong bữa ăn, tôi ưu tiên sử dụng rau củ nhà trồng, không hoá chất từ mảnh vườn ở Củ Chi. Tôi vừa xuống vườn thu hoạch được rau đưa về. Nhân viên của tôi thích món cóc chấm muối ớt, chúng tôi thường ăn chung với nhau vào các khoảng nghỉ giải lao.
Cả ngày tôi nhận không biết bao nhiêu cuộc điện thoại về mọi vấn đề. Trong một bữa ăn thôi mà đã có 4-5 người gọi đến đặt hàng, có khi giải quyết các vấn đề về máy móc. Đây là Mai Anh (4 tuổi) - cháu nuôi của tôi. Bé thường được tôi chăm sóc, khi rảnh rỗi, tôi sẽ lo cơm nước cho cháu. Tôi khá thích chơi cùng trẻ con.
Xong bữa cơm, tôi bắt đầu xuống xưởng để kiểm tra các công đoạn. Xưởng bún kế bên văn phòng nên thuận tiện cho việc di chuyển. Vì xưởng có nhiều nhân viên mới nên công việc của tôi có phần cực nhọc hơn.
Tôi đang kiểm tra công đoạn ra sợi bún. Để sản xuất được sợi bún phải mất 7 ngày để ngâm, ủ gạo, qua nhiều công đoạn. Chỉ cần sơ sẩy ở bất kỳ công đoạn nào đều ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hoặc gây hư hỏng.
Trước khi đóng gói, bún sẽ được đi qua lớp tia UV để diệt khuẩn.
Tôi cùng Đạt - chuyên viên cơ khí, kiểm tra máy đóng gói tự động mà chúng tôi tự lên ý tưởng thiết kế. Chúng tôi sử dụng giải pháp tái đầu tư vào máy móc vì chưa đủ vốn để công nghiệp hoá 100%. Ở xưởng, ai cũng là “thợ đụng”, nghĩa là đụng gì làm đó. Chính tôi cũng vậy, các máy ở xưởng đều do tôi tự “chế” nhờ vào cái gốc cơ khí tôi đã từng được học, nên tôi biết nguyên lý để sửa.
Ngoài quản lý sản xuất, tôi còn lo về đối ngoại, có khi “lăn xả” cùng công nhân ở trong xưởng. Nếu thiếu bộ phận nào, tôi đều nhảy vào làm luôn. Các bạn ở phòng kế toán còn đùa rằng tôi làm việc nhiều hơn công nhân của mình.
Xong việc ở xưởng bún, tôi lại lên lầu để kiểm tra tình hình sản xuất bánh phở, bánh ướt… Ở trong lò sản xuất bún luôn nóng, ai không quen thì không dễ mà làm được
Ở Bún Nguyễn Bính, tôi cung cấp từ bún, phở, đến sợi bánh canh, bánh ướt tuỳ theo đơn đặt hàng. Công ty hiện đang phân phối đa kênh như bán hàng online, bếp ăn công nghiệp, siêu thị, chợ truyền thống… nhằm đưa sản phẩm sạch đến tay nhiều người tiêu dùng.
Ngang chiều, tôi phỏng vấn nhân viên đến ứng tuyển vào vị trí giao hàng tại công ty. Sau Tết, nhiều công nhân chưa kịp vào nên thiếu khá nhiều vị trí. Nhân viên được hỗ trợ nơi ở tại chỗ để thuận tiện cho công việc.
Các bạn làm về mảng văn phòng đang kiểm tra đơn hàng. Sau đợt dịch Covid-19, doanh thu của công ty không tốt, đầu ra sản phẩm hẹp hơn khi một loạt bếp công nghiệp đóng cửa, nhiều cửa hàng bán không được. Hơn nữa, bún bẩn giá rẻ xuất hiện tràn lan trên thị trường khiến việc cạnh tranh trở nên khó khăn.
Sau 25 năm lăn lộn trên thương trường, trải qua đủ thăng trầm, tôi thầm cảm ơn bản thân vì đã không bỏ cuộc. Hiện tại, tôi may mắn khi hai con trai bắt đầu phụ mẹ nhiều việc, từ làm ở xưởng đến giao hàng, quản lý truyền thông. Cậu út Quang Thống thì mới học lớp 11 nhưng đã nuôi ý định đi theo khối ngành kinh tế để sau này đồng hành cùng mẹ.
Tôi tự nhận mình là một người mê công việc. Với tôi, làm bún đã trở thành việc mà mình phải có ý thức gìn giữ, phát triển, có khi là gắn bó suốt cả đời. Trong tương lai, tôi ấp ủ dự định về một nhà máy sản xuất bún với đầy đủ các thiết bị công nghệ tiên tiến, mong rằng sản phẩm sạch và chất lượng của mình xuất hiện trong bữa ăn của các gia đình Việt Nam.
Nhịp sống thị trường