Cảnh sát nổ súng vào người biểu tình, cơn ác mộng tồi tệ hơn nữa đang đe dọa quốc gia 22 triệu dân vỡ nợ
Ít nhất 1 người thiệt mạng và một số người khác bị thương khi cảnh sát Sri Lanka nổ súng vào những người biểu tình đang vô cùng căm phẫn vì cuộc khủng hoảng tồi tệ của đất nước.
- 19-04-2022Sự hấp dẫn của quốc gia 22 triệu dân vừa vỡ nợ qua góc nhìn của blogger du lịch Việt: "Danh xưng thiên đường du lịch không chỉ được tạo nên trong một sớm một chiều, Sri Lanka rồi sẽ trở lại"
- 19-04-2022Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất thế giới ở “Thuỵ Sĩ của Trung Đông”: Cơn bĩ cực mang tên vỡ nợ
- 18-04-2022Quốc đảo vỡ nợ với những sai lầm nối tiếp sai lầm: Liệu tấm 'phao cứu sinh' có xuất hiện?
- 18-04-2022Sri Lanka thêm 17 bộ trưởng mới giữa cuộc khủng hoảng vỡ nợ tồi tệ
- 18-04-2022Sốt đất ở Mỹ gây ra đại khủng hoảng 2008: Giá nhà giảm suốt 6 năm sau khi lập đỉnh, ngân hàng vỡ nợ, công ty xây dựng phá sản, cả thế giới chật vật suốt 10 năm
Truyền thông của cảnh sát Sri Lanka cho biết họ đã sử dụng đạn thật ở khu vực Rambukkana, miền trung đất nước sau khi hơi cay không thể giải tán được đám đông đang chặn đường tàu và cố gắng phóng hỏa một trạm nhiên liệu. AFP và nhiều hãng truyền thông khác cho biết ít nhất một người đã thiệt mạng trong vụ việc. Thông tin này dựa vào nguồn tin từ cảnh sát và bệnh viện.
Phía cảnh sát cũng cho biết có những người bị thương, bao gồm cả lực lượng thực thi pháp luật. Họ được đưa tới bệnh viện Kegalle gần đó. Những người biểu tình đã ném đá vào cảnh sát.
Lo ngại bạo động đã tồn tại nhiều tuần qua, khi những người biểu tình cắm trại ở Trung tâm Colombo để gây áp lực buộc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Cuối tuần trước, Quân đội bác thông tin cho rằng họ đang được huấn luyện để tấn công những người biểu tình.
Sri Lanka đang chìm trong vòng xoáy kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia này giành độc lập hơn 70 năm trước. Tình trạng thiếu thốn mọi thứ, từ lương thực, năng lượng tới vật tư y tế và thuốc men đã khiến nhiều người dân giận dữ đổ xuống đường yêu cầu Tổng thống từ chức.
Chính phủ nước này đang tìm kiếm khoản viện trợ khẩn cấp lên tới 4 tỷ USD để giúp quốc đảo này thoát khỏi tình cảnh tồi tệ như cắt điện kéo dài do thiếu nhiên liệu, mua lương thực thực phẩm và thuốc men từ các đối tác bên ngoài.
Hiện tại, các quan chức Sri Lanka đang làm việc với IMF tại Washington, Mỹ nhằm tìm kiếm một gói cứu trợ. Ngay trước đó, Sri Lanka đã tăng lãi suất lên mức kỷ lục 700 điểm cơ bản. Tập đoàn Dầu khí quốc doanh Ceylon cũng đã lần thứ 2 tăng giá trong tháng 4 do nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn trong bối cảnh nước này cạn kiệt đồng USD để bảo vệ tỷ giá hối đoái cũng như khiến đồng rupee của nước này bị thả nổi.
Lãnh đạo phe đối lập Sri Lanka cảnh báo đất nước này đang phải đối mặt với thời kỳ "thắt lưng buộc bụng khắt khe" khi thúc đẩy Quốc hội sửa đổi Hiến pháp và lật đổ gia đình Rajapaksa. Sri Lanka không có quy định phế truất tổng thống. Điều này đồng nghĩa việc thay thế Tổng thống chỉ có thể diễn ra nếu người đang nắm quyền từ chức.
"Tất cả chúng ta đều phải nuốt một viên thuốc đắng nếu không muốn nói là nhiều viên. Đó là hậu quả của sự phi lí trí suốt những năm qua", ông Sajith Premadasa, lãnh đạo đảng đối lập Samagi Jana Balawegaya, nói và cho rằng cần phải tái cấu trúc dù có thể sẽ có những cái giá phải trả.
Trong khi đó, Tổng thống Rajapaksa cũng đang bày tỏ sự nhượng bộ. Ngoài Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, anh trai tổng thống, không ai trong gia đình này được bổ nhiệm vào nội các mới, được công bố hôm 18/4. Trước đó, những làn sóng phản đối đã khiến Tổng thống Rajapaksa phải giải tán nội các cũ, vốn bị cáo buộc có nhiều thành viên trong gia đình.
Bản thân Thủ tướng Mahinda Rajapaksa cũng đã cam kết cắt giảm ảnh hưởng của Tổng thống, sự nhượng bộ lớn nhất của chính phủ, nhưng từ chối từ chức. Ông Rajapaksa cũng không nói rõ về những thay đổi Hiến pháp mà Chính phủ đệ trình lên Quốc hội.