"Cánh tay phải" của bà Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB khai gì?
Theo bị can Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng SCB khai, về bản chất "Trương Mỹ Lan mới thực sự là chủ của ngân hàng SCB".
- 20-11-2023Lộ 'chiêu thức' bà Trương Mỹ Lan rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB
- 19-11-2023Tỉ phú Hồng Kông - chồng bà Trương Mỹ Lan - gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng
- 19-11-2023Vụ Vạn Thịnh Phát: Đoàn thanh tra bị mua chuộc để bưng bít cho sai phạm của SCB
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Ở vụ án này, Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) bị cáo buộc cùng đồng phạm "rút ruột" 304.096 tỷ đồng của ngân hàng SCB. Số tiền này đến nay không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Kết luận điều tra xác định, Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại tổng cộng 415.000 tỷ đồng.
Dù không giữ chức vụ gì trong ngân hàng SCB nhưng bị can Trương Mỹ Lan lại là cổ đông chính và có sức chi phối rất lớn. Theo lời khai của bị can Võ Tấn Hoàng Văn, nguyên Tổng Giám đốc SCB thì về bản chất "Trương Mỹ Lan mới thực sự là chủ của ngân hàng SCB".
Theo Kết luận điều tra, Võ Tấn Hoàng Văn vào làm việc tại SCB từ tháng 7/2013 với chức vụ Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB. Đến tháng 12/2013, sau khi Tổng Giám đốc là Lê Khánh Hiền nghỉ, Võ Tấn Hoàng Văn được Trương Mỹ Lan đưa lên làm Tổng Giám đốc SCB và được xem là "cánh tay phải" của Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB.
Bị can Văn khai nhận, các khoản cho vay với các khách hàng thuộc hệ thống sinh thái Vạn Thịnh Phát chiếm tỷ trọng phần lớn số tiền mà SCB cho vay. Mỗi khi cần tiền để sử dụng, Trương Mỹ Lan sẽ gọi điện cho Văn. Sau đó, Văn nắm được chủ trương và thực hiện các bước để giải ngân. Văn biết các khoản vay đứng tên cá nhân, pháp nhân trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thực chất là để Trương Mỹ Lan dùng vào các mục đích khác, không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ vay.
Các khoản vay đều có điểm chung là chỉ ký khống thủ tục, hợp thức hồ sơ cho vay để giải ngân, rút tiền khỏi SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Thực tế, SCB không thẩm định khách hàng, không thẩm định tài sản đảm bảo, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường.
Làm việc với cơ quan điều tra, Võ Tấn Hoàng Văn thừa nhận đã ký các Tờ trình thẩm định, Biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở đồng ý cho vay đối với nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát là hành vi vi phạm pháp luật.
Từ ngày 18/11/2013 đến ngày 25/7/2020, Văn với vai trò là Tổng giám đốc SCB đã ký 575 tờ trình tái thẩm định, 547 biên bản họp hội đồng kinh doanh và đầu tư hội sở, 390 tờ trình Tổng giám đốc và rất nhiều giấy tờ khác để đồng ý cho 402 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan vay 638 khoản tiền.
Số nợ khổng lồ này có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 271.308 tỷ đồng nợ gốc, 133.801 tỷ đồng nợ lãi/phí. Tổng số nợ là hơn 405.110 tỷ đồng (405 nghìn 110 tỷ đồng).
vov.vn