MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cạnh tranh đấu thầu phá giá ngày càng khắc nghiệt, "cá mập ăn cả cá con"

26-08-2024 - 10:17 AM | Bất động sản

Ngày 24/8 tại trụ sở Tổng Công ty 319, Thành phố Hà Nội đã diễn ra buổi “Cafe nhà thầu xây dựng” do Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức.

Cạnh tranh đấu thầu phá giá ngày càng khắc nghiệt,

Toàn cảnh buổi Cafe Nhà thầu xây dựng.

Mở đầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, Bộ Xây dựng vừa thông qua Thông tư 12, trong đó đã điều chỉnh được 850 đơn giá định mức cả về giao thông và xây dựng. Và theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thông tư này có thể giải quyết được đến 80% số đơn giá định mức mà đang vướng mắc. Bởi vậy ông Hiệp cho rằng, đây là tín hiệu rất tích cực cho ngành xây dựng, do hầu hết các doanh nghiệp phải dựa vào đơn giá định mức mới có thể tồn tại được, còn nếu không làm là sẽ lỗ.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục họp về Thông tư 13, trong đó là điều chỉnh định mức nhân công, mà định mức nhân công sẽ liên quan đến đơn giá nhân công. Thế nên, ông Hiệp cho rằng, 2 kiến nghị của Hiệp hội với Thủ tướng gần như sẽ được khắc phục, tuy chưa hẳn là 100% nhưng sẽ được giải tỏa ở mức độ nào đó.

Chia sẻ về Chính sách thuế, Chủ tịch VACC cho biết, ngày 14/9 tới đây, Hiệp hội được Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội và Bộ Tài chính mời tham dự phiên họp góp ý kiến về thuế thu nhập doanh nghiệp. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sắp tới đưa ra sẽ có điều chỉnh là ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự kiến mức thấp nhất của thuế thu nhập doanh nghiệp là xuống 15% và mức thứ hai là 17% nhưng chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ.

Do đó, VACC muốn lắng nghe ý kiến của đơn vị thành viên để định nghĩa thế nào là doanh nghiệp nhỏ. Bởi từ trước đến nay, doanh nghiệp nhỏ đang được xây dựng trên cơ sở doanh thu. Tuy nhiên, doanh thu thật của doanh nghiệp xây dựng theo quan điểm của Hiệp hội chỉ là chi phí của nhân công, quản lý phí.

Như vậy, thông qua buổi Cafe Nhà thầu, ông Hiệp mong muốn các đơn vị thành viên cùng nhau đóng góp ý kiến, nêu quan điểm để từ đó, VACC có cơ sở để kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và các cơ quan ban ngành tổ chức khác.

Với tư cách là một nhà thầu làm chủ yếu về lĩnh vực giao thông, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh- Phó TGĐ Tổng Công ty xây dựng Trường sơn cho rằng, vấn đền nóng trong giao thông hiện nay là triển khai xây dựng đường cao tốc, hoàn thành được theo đúng chỉ đạo của Thủ Tướng. Cụ thể, tại phiên họp thứ 13 vừa qua, Thủ Tướng có chủ trì một lễ phát động "500 ngày đêm" hoàn thành các dải cao tốc, tức phải hoàn thành 3.000km từ nay đến 2025. Thì để hoàn thành được mục tiêu này thì từ giờ cần phải xong 1.172km còn lại – đây là một khối lượng công việc rất lớn.

Mặc dù, trong giai đoạn 1, nhiều khó khăn đã được tháo gỡ nhưng đến nay vẫn còn tồn đọng một số các vấn đề cần tiếp tục được giải quyết. Thực tế, trong các nội dung Thủ Tướng chỉ đạo thì có 6 nội dung mà vẫn chưa làm được và đều là các vấn đề sửa đổi, bổ sung các định mức xây dựng cơ bản, có cả dân dụng và giao thông.

Trong ngành giao thông cũng đã kịp thời bổ sung được 14 định mức mới và có tác động rất lớn tới các nhà thầu. Đặc biệt, vừa rồi Bộ Xây dựng đã tổ chức họp và thông qua Thông tư 12 về định mức xây dựng, thì rõ ràng đây là một thắng lợi rất lớn đối với nhà thầu.

"Đối với Thông tư 13 vẫn còn rất phức tạp. Chúng ta cần có ý kiến về vấn đề nhân công, không thể để tỷ giá nhân công trong các định mức lại thấp như vậy. Tỷ trọng nhân công cũng đang rất là thấp. Mặc dù đã có những bước tiến về đơn giá định mức nhưng sắp tới vẫn cần có những ý kiến về định mức nhân công rõ ràng hơn", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Tuấn Anh cũng chia sẻ thêm, một số dự án ở miền Trung, miền Nam về nguồn vật liệu lại rất hạn chế và thiếu thốn. Vừa rồi, Quốc hội đã ra Nghị quyết 44 sau đó là Nghị quyết 106, cho phép các nhà thầu được khai thác các vật tư, vật liệu đó trên cơ chế đặc thù. Thế nhưng, ông Tuấn Anh cho rằng điều này chỉ giải quyết được việc đảm bảo tiến độ chứ để mà thanh toán, hạch toán cho nhà thầu là rất khó, bởi có những rủi ro về hậu kiểm, ảnh hưởng tới quá trình thanh toán.

Tóm lại, việc xác định lại chi phí, định mức, tính nguyên vật liệu, thuế phí tại các địa phương hiện nay vẫn còn khá lúng túng, mỗi nơi một kiểu, chưa thực sự đồng nhất. Và một vấn đề muôn thuở liên quan đến giao thông đó là giải phóng mặt bằng. Đây sẽ trở ngại rất lớn cho các nhà thầu, càng làm thì lại càng đọng vốn, vị này đánh giá.

Ngoài ra, ông Tuấn Anh nhận định thêm, vấn đề cạnh tranh đấu thầu phá giá ngày càng khắc nghiệt, không chỉ có ở các nhà thầu nhỏ mà giờ ở cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có uy tín, "cá mập ăn cả cá con con". Đến lúc cần trấn tĩnh xem xét lại, nếu tiếp diễn tình trạng nhà thầu từ uy tín đến vừa và nhỏ đều tham gia bỏ giá thấp để tránh thực trạng cạnh tranh không lành mạnh. Nhà thầu không chết trước sẽ chết sau”.

Đại tá Phan Phú, Chủ tịch Tổng Công ty 319 bày tỏ sự đồng ý về Thông tư 12, rất thiết thực nhưng sau thông tư này, liên quan đến thanh toán cơ chế đặc thù về cấp mỏ, cần có hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, các doanh nghiệp làm về cao tốc đang rất "nóng" về dòng tiền. Tổng Công ty 319 phấn đấu xong dự án cao tốc trước tiến độ 6 tháng, hiện đã xong hết phần nền nhưng mới thanh toán được 70% giá dự thầu. Dòng tiền thì đang rất khó do doanh thu của nhà thầu chỉ là 1 chút nhân công. Do đó, rất cần có hướng dẫn Thông tư 12 thì mới thanh toán được cho các nhà thầu.

Các đơn vị cũng đang rất khó khăn về chi phí giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu (không nằm ở diện tích được thu hồi) giao cho các nhà thầu tự đi thoả thuận với dân nên rất khó, có chỗ gấp cả chục lần thông thường. Cần có vật liệu để phục vụ dự án nên phải chấp nhận. Vì vậy đề nghị trong chủ trương thực hiện dự án, xác định lấy mỏ nào thì thu hồi luôn mỏ đó.

Về định mức, Đại tá Phan Phú kiến nghị, có thể thuê đơn vị độc lập để xác định giá theo phương pháp "tả thực và đúng giờ", nhưng vẫn sẽ chủ động đảm bảo báo cáo và sự quản lý của Nhà nước. Hiện có nhiều đơn giá thiếu tính thực tế.

Một vấn đề quan trọng nữa là chi phí định mức cho khảo sát thiết kế đang rất thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả nhà thầu và rủi ro về mặt pháp lý. Cần phải đưa chi phí định mức này lên mức quan trọng. Vì nếu mà chi phí này hợp lý hơn thì sẽ đảm bảo được quyền lợi, hiệu quả cho cả dự án, ông Phú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Đại tá Phan Phú cũng kiến nghị thêm, Hiệp hội nên tổ chức 1 buổi mời các doanh nghiệp cùng tham gia, có chủ đề chính về cạnh tranh lành mạnh, chống phá giá.

Đại diện Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cũng tham dự và nêu ý kiến, nợ đọng là vấn đề trầm kha của ngành xây dựng. Dòng tiền là mạch máu của doanh nghiệp, chủ yếu là dùng vốn vay ngân hàng. Vì vậy, cần có kiến nghị các cơ quan liên quan đưa vào luật hoá để có cơ chế ràng buộc trách nhiệm thanh toán, có định chế về bảo lãnh thanh toán.

Trong 4-5 năm gần đây, ngành xây lắp không có tiến bộ gì mới về công nghệ, quy trình, mà chủ yếu giành cho “nỗi lo tài chính” khi 90% dành cho mối lo này, còn 10% cho công việc chuyên môn, nghiệp vụ. Bước đường cùng nhà thầu mới phải đưa ra toà kiện tụng.

Ngoài ra, đại diện Hòa Bình kiến nghị có thêm 1 buổi tổ chức khác có sự góp mặt của ngân hàng, các doanh nghiệp xây dựng lớn để có những hỗ trợ đặc biệt, cơ chế đặc thù cho các  "ông lớn" uy tín, lịch sử tín dụng lâu năm.

Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho rằng, cần xem lại quản lý Nhà nước có vướng mắc gì. Mỗi doanh nghiệp đi tìm cho mình thị trường trọng yếu riêng. Nói về văn hoá doanh nghiệp, cần tạo dựng thị trường xây dựng lành mạnh, có sự gắn kết giữa các nhà thầu.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam nêu quan điểm: Làm sao để chính sách đi vào cuộc sống, cụ thể hoá và sát với thực tế cuộc sống. Các vướng mắc cũng được cụ thể hoá, giải quyết được vấn đề. Văn hoá doanh nghiệp nhà thầu cũng phải cụ thể, định lượng và ban hành được bộ tiêu chí chung.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Hải Phòng hiến kế: Hiệp hội các nhà thầu xây dựng thành phố Hải Phòng có gần 300 tập đoàn, công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng.

Ông Mạnh chia sẻ sự quan tâm đến các biện pháp, kết nối hợp tác công việc giữa các thành viên trong hiệp hội Việt Nam, mong được lắng nghe những chia sẻ, đóng góp, đường lối của các tập đoàn, tổng công ty lớn để các doanh nghiệp có thể chia sẻ, kết nối nguồn công việc lớn cùng nhau. Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Hải Phòng sẽ như một tổng công ty lớn với đầy đủ vai trò, nguồn lực nhân công, tiềm lực kinh tế mạnh để có thể đồng hành cùng các tập đoàn và tổng công ty hoàn thành các dự án tại Hải Phòng và trên toàn quốc.

"Chúng tôi rất mong được đồng hành cùng Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam xây dựng thành phố Hải Phòng và đất nước Việt Nam ngày một phát triển, phồn vinh, giàu mạnh", ông Mạnh cho hay.

Ông Dương Văn Cận, Tổng Thư ký VACC cũng thông tin một số điều khoản mới liên quan đến các Luật, Thông tư, Nghị định trong hoạt động đấu thầu, xây dựng và sớm hoàn thiện Bộ văn bản văn hoá nhà thầu gửi các đơn vị thành viên góp ý và chỉnh sửa dự kiến ban hành vào cuối năm 2024.

Kết thúc buổi giao lưu, Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp thống nhất, Hiệp hội sẽ có văn bản tổng hợp kiến nghị tại toạ đàm, đồng thời đề nghị các đơn vị ký trực tiếp để gia tăng tính ảnh hưởng, gia tăng giá trị kiến nghị cộng đồng nhà thầu xây dựng đến Thủ tướng và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo Nhật Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên