Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường ví điện tử
Giữa xu thế cạnh tranh khốc liệt, thương hiệu ví điện tử nào có hệ sinh thái tốt sẽ chiếm lĩnh thị phần, trong khi các ví còn lại không có hệ sinh thái sẽ phải cạnh tranh bằng mọi phương diện.
- 05-07-2022Nhiều tiểu thương chợ truyền thống sẵn sàng dùng app thanh toán, ví điện tử
- 05-07-20225 ‘tân binh’ trên thị trường ví điện tử: Anh là ai?
- 02-06-2022Người dân vẫn chuộng dùng ví điện tử, thẻ ngân hàng sau Covid-19
Người dùng vẫn thờ ơ
Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, hiện nay có khoảng trên 100 doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng... NHNN đã cấp giấy phép hoạt động cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng. Theo đó, có 40 ví điện tử đi vào hoạt động ở thị trường Việt Nam, con số này không phải là quá lớn so với các nước khác trong khu vực (như Malaysia có 53 ví, Indonesia có 48 ví).
Dù được hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cải tiến công nghệ và tăng cường đầu tư vào hạ tầng cơ sở nhưng nhiều dùng người vẫn thờ ơ với ví điện tử (ảnh minh hoạ)
Thực tế, đến nay chưa có ví nào thực sự có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường ví điện tử tại Việt Nam, điều này tạo ra sự cạnh tranh nhất định cho các doanh nghiệp. Với mảnh đất còn nhiều “màu mỡ”, gần đây các ví điện tử cũng thi nhau nở rộ để chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cải tiến công nghệ và tăng cường đầu tư vào hạ tầng cơ sở của các tổ chức cung cấp dịch vụ, nhưng nhiều dùng người vẫn thờ ơ...
Có thể thấy, sự phát triển thanh toán bằng ví điện tử cũng có những thách thức nhất định như: Thứ nhất, hành lang pháp lý về ứng dụng chưa được thông qua hoàn toàn và chính thức, chưa có một cơ quan chức năng nào đảm bảo sự an toàn đối với tài sản của người dùng mỗi khi có tranh chấp. Đặc biệt chưa có chế tài hay bộ luật quy định về pháp lý của ví điện tử và những rủi ro.
Thứ hai, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, đặc biệt ở những người lớn tuổi hoặc ở vùng nông thôn, miền núi khó tiếp cận với công nghệ. Có thể nói, tiền mặt là đối thủ cạnh tranh làm cản trở rất lớn đối với sự phát triển của ví điện tử.
Thứ ba, các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử chưa xây dựng được một hệ thống các cửa hàng, đại lý kinh doanh cung cấp sự linh động cho người có nhu cầu.
Thứ tư, cộng đồng liên kết ví điện tử tại Việt Nam chưa có tính hợp tác. Mặc dù có nhiều ví điện tử ra đời và thịnh hành như Samsung Pay hay Apple Pay... Tuy nhiên, chưa có sự liên kết giữa các đơn vị, dẫn đến sự hỗn loạn trong các tài khoản ví điện tử. Khi một người dùng có thể cùng lúc tạo tài khoản trên nhiều ví điện tử, tài khoản của khách hàng sẽ được quản lý bởi nhiều nguồn khác nhau, như vậy khi có sự cố cũng rất khó quy trách nhiệm về một bên. Bên cạnh đó, các ứng dụng ví điện tử còn thiếu tính cộng sinh với các ngân hàng dẫn đến việc luân chuyển dòng tiền còn hạn chế về tốc độ.
Thứ năm, tính bảo mật của ví điện điện từ còn chưa cao: hiện nay các đơn vị cung cấp ứng dụng đều đã thiết lập các lớp bảo vệ tối ưu nhất cho các khách hàng. Tuy nhiên những sự cố như mất điện thoại hoặc bị đánh cắp thông tin vẫn là điều khó tránh.
Cạnh tranh khốc liệt
Trong năm 2022, thị trường ví điện tử sẽ cạnh tranh khốc liệt, có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường. Không chỉ thế, nhiều siêu ứng dụng và nhà cung cấp dịch vụ thuộc các nhóm ngành kinh tế khác (như thương mại điện tử, bán lẻ và dịch vụ tài chính) cũng sẽ bắt tay cùng hợp tác.
Nhiều ví điện tử khác cũng đang đẩy mạnh mở rộng hệ sinh thái của mình. Ảnh: Quốc Tuấn
Điển hình như Ví điện tử MoMo, để củng cố vị trí siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường thông qua việc tăng cường cung cấp dịch vụ tài chính đến 31 triệu khách hàng hiện hữu, mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ (SME), siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam và tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư vào các công ty Việt Nam để mở rộng hệ sinh thái, MoMo đã nhiều lần gọi vốn đầu tư.
Không chỉ MoMo, nhiều ví điện tử khác cũng đang đẩy mạnh mở rộng hệ sinh thái của mình. Cụ thể, ngoài cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư, dịch vụ công, học phí, mua vé (tàu xe, máy bay)... các ví điện tử đang xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng hay liên kết với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora... để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng. Ví điện tử nào có nhiều tiện ích, phù hợp với khách hàng của mình sẽ có được lợi thế trong cuộc đua thu hút khách hàng.
Trong đó, ShopeePay đang khai thác tốt lợi thế cạnh tranh (USPs) là nền tảng thanh toán tích hợp trong sàn TMĐT dẫn đầu thị trường là Shopee; MoMo lại cho thấy sức mạnh trong việc đa dạng hóa dịch vụ, tiện ích thanh toán và đối tác liên kết. Bên cạnh đó, VNPAY với thế mạnh của nền tảng cổng thanh toán điện tử sở hữu mạng lưới đối tác liên kết thanh toán “đáng nể”. ZaloPay có lợi thế chuyển đổi người dùng trực tiếp trong ứng dụng Zalo Chat. ViettelPay với hệ sinh thái viễn thông cho phép chuyển tiền qua số điện thoại. Moca (GrabPay) với hệ sinh thái thuộc siêu ứng dụng Grab. SmartPay với nhóm khách hàng đặc thù là tiểu thương và SMEs...
Giữa xu thế cạnh tranh khốc liệt của toàn ngành, thương hiệu ví điện tử nào có hệ sinh thái tốt sẽ chiếm lĩnh thị phần, trong khi các ví còn lại không có hệ sinh thái sẽ phải cạnh tranh bằng mọi phương diện.
Phối hợp hoàn thiện chính sách
Để thị trường ví điện tử phát triển mạnh mẽ, thiết thực, đáp ứng nhu cầu thanh toán người dùng nhưng hạn chế được rủi ro, cần có sự phối hợp của các bên, cụ thể:
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, NHNN cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán phải ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đảm bảo tiện ích, an toàn, bảo mật và với chi phí hợp lý nhất. Cần có sự hài hòa giữa các chính sách khuyến khích phát triển Fintech và chính sách quản lý, giám sát các dịch vụ tài chính hiện đại.
Các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ cần tăng cường liên kết với nhau, với trung tâm thanh toán của các tổ chức trung gian thanh toán trong việc kết nối giao dịch. Ảnh: Quốc Tuấn
Đồng thời tăng cường quy định về bảo mật và minh bạch thông tin tại các định chế tài chính; phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động thanh toán, trên cơ sở đó, kiểm soát rủi ro pháp lý thích hợp và đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế được các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế khuyến nghị hoặc được áp dụng chung ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt, cần tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ đối với các chủ thể có chức năng tương tự như nhau; hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Đối với các tổ chức trung gian thanh toán, nên tăng cường hoạt động marketing hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử, nhất là khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là đẩy nhanh việc hiện đại hóa công nghệ và các hệ thống thanh toán, xây dựng được kết cấu hạ tầng hiện đại, cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, ngày càng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh.
Đối với các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ cần tăng cường liên kết với nhau, với trung tâm thanh toán của các tổ chức trung gian thanh toán trong việc kết nối giao dịch qua tiền ghi sổ, ví điện tử để người mua hàng có thể thanh toán qua ngân hàng.
Đối với khách hàng sử dụng ví điện tử, người dùng cần chú ý giao dịch với các web uy tín, có tính bảo mật cao. Dấu hiệu để nhận biết một trang web được bảo mật chính là biểu tượng ổ khóa cạnh đường dẫn đến trang web trong thanh địa chỉ. Ngoài việc cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch ngân hàng... nên thận trọng khi sử dụng ví điện tử qua mạng Wifi công cộng; không tiết lộ thông tin tài khoản cho người lạ.
Một điểm quan trọng nữa, khi chiếc Smartphone đang ngày càng chứa nhiều thông tin quan trọng, ngoài việc bảo mật thì ngay khi mất điện thoại, tất cả các tài khoản ngân hàng, ví điện tử hay dịch vụ tài chính khác cần được khóa lại và đổi mật khẩu ngay lập tức.
Hai hình thức nổi bật của thanh toán di động hiện nay là ví điện tử và Mobile Money. Đã có hơn 40 tổ chức ngoài ngân hàng được NHNN cấp phép thực hiện nghiệp vụ trung gian thanh toán. Điều này làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển đa dạng các loại hình ví điện tử và Mobile Money ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người dùng... và đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các ví điện tử với nhau có thể gây ra những rủi ro cho người dùng. Chính vì vậy, một khuôn khổ pháp lý phù hợp, đảm bảo rủi ro trong thanh toán di động là điều kiện cơ bản để có thể phát triển loại hình này trong tương lai.
Diễn đàn doanh nghiệp