Cạnh tranh khốc liệt trong thanh toán điện tử
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, chỉ có một số ít ví điện tử lớn mạnh mới có thể tồn tại lâu dài.
- 28-07-2022Thanh toán điện tử tăng mạnh, nhiều ngân hàng đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số
- 15-04-202272% người dùng bị tấn công mạng khi thanh toán điện tử
- 14-04-2022Ngân hàng nào đang dẫn đầu thanh toán điện tử nội địa qua Napas?
Trong bối cảnh hoạt động thanh toán không tiền mặt bùng nổ thì việc Công ty CP Công nghệ và Dịch vụ Moca (Moca) thông báo ngừng mở mới và ngừng cung cấp dịch vụ ví điện tử Moca từ ngày 1-7 khiến người dùng không khỏi bất ngờ. Moca được biết đến là phương tiện thanh toán quen thuộc trên ứng dụng Grab.
Cuộc đua giữa các "ông lớn"
Lý do được doanh nghiệp (DN) này đưa ra là cần có những đánh giá cẩn trọng và đưa ra quyết định thực hiện chiến lược tái cấu trúc, nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững. Dù DN không nói rõ nhưng nhiều người cũng ngầm hiểu Moca đang bị lép vế trong cuộc đua "đốt tiền" đầy khốc liệt giữa các ví điện tử với nhau.
Một số chuyên gia cho rằng cạnh tranh trên thị trường ví điện tử nhiều năm qua chưa bao giờ hết khốc liệt. Đặc biệt, các ví hiện nay không chỉ cạnh tranh về công nghệ thanh toán mà còn ở khía cạnh đầu tư cho mảng tiếp thị, khuyến mãi, đua nhau lôi kéo các merchant (hộ kinh doanh, tiểu thương, nhà bán hàng) lên ví (có thu phí) để tăng các tiện ích cho người dùng.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến hết quý I/2024, có hơn 50 doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn là ví điện tử. Dù vậy, thị trường hiện nay chỉ còn một số "ông lớn" chiếm thị phần đáng kể như MoMo, ZaloPay, ShopeePay (trước đây là AirPay), Viettel Money, VNPAY, VTCPay...
Không chỉ cạnh tranh với nhau, gần đây các ví điện tử còn phải đối đầu với một đối thủ đáng gờm mới, đó là dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 và thanh toán bằng mã VietQR. Chỉ trong khoảng 3 năm từ khi ra mắt, đến nay đã có 44 tổ chức tín dụng triển khai VietQR với hàng chục triệu khách hàng. VietQR ra đời và phổ biến khắp mọi ngóc ngách, gần như mọi ứng dụng (app) ngân hàng hay ví điện tử đều có thể quét được để chuyển tiền.
Cạnh tranh thế nào với VietQR?
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc của MoMo, ông Nguyễn Mạnh Tường, cho rằng sự ra đời của VietQR không đe dọa sự tồn tại của các ví mà trái lại MoMo và các ví khác đang được hưởng lợi từ VietQR tạo cho thị trường thói quen về thanh toán không dùng tiền mặt.
Các merchant cũng được hưởng lợi, khi khách hàng có thể dùng ví MoMo hay các ứng dụng nào có tích hợp VietQR để chuyển tiền, thanh toán nhanh thay vì dùng tiền mặt. "Với việc phổ biến VietQR, tần suất khách hàng dùng MoMo tăng lên rất nhiều, giúp nền tảng này có nhiều điều kiện tương tác với khách hàng hơn để tư vấn, cung cấp các giải pháp tài chính, dịch vụ chuyên sâu hơn" - ông Tường thông tin.
Đại diện ZaloPay cũng nói rằng ví đã có nhiều bước thay đổi rõ rệt về cách thức tăng trưởng. Năm 2023, ZaloPay đã tiến hành tối ưu chi phí khi ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 40% trong khi mức lỗ giảm mạnh 42%, nhờ tích hợp VietQR, cũng như liên tiếp ra mắt các dịch vụ tài chính mới. "Những năm gần đây, chúng tôi đã sớm nhìn thấy sự dịch chuyển của thị trường khi chứng kiến sự xuất hiện và phát triển của VietQR, kéo theo đó là sự nâng cấp nhanh chóng của các ứng dụng ngân hàng. Đây là thách thức cho các DN ví điện tử phải làm thế nào để tạo được lợi thế cạnh tranh không chỉ giữa các ví mà còn với những hình thức thanh toán khác cũng đang dần được hoàn thiện theo thời gian" - đại diện ZaloPay nói.
TS Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên cấp cao ngành tài chính tại Đại học RMIT Việt Nam, nhận định VietQR và ví điện tử phục vụ cho các mục đích khác nhau và có thể bổ sung cho nhau trong bối cảnh thanh toán số của Việt Nam đang ngày càng phát triển.
Nếu VietQR được ví như "kẻ đột phá tiềm năng" trên thị trường thanh toán không tiền mặt thì các ví điện tử như MoMo, Viettel Pay, ZaloPay... vẫn đang được nhiều người dùng ở Việt Nam ưa chuộng với thị phần đáng kể. "Để thu hút người dùng, các ví điện tử MoMo và ZaloPay đều đã cải tiến mã QR trên cơ sở VietQR, cho phép người dùng có thể linh hoạt trong chọn sử dụng nguồn tiền nào, từ ví điện tử, tài khoản ngân hàng, ví trả sau... Các ví điện tử đang mở rộng sang nhiều kênh dịch vụ tài chính khác, như mua trước trả sau, dịch vụ y tế hay dịch vụ đầu tư... phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau hơn là chỉ chuyển tiền" - TS Huy nói.
Dù vậy, ông Huy cũng cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay cùng với sự tăng trưởng theo cấp số nhân của VietQR, chỉ có một số ít ví điện tử lớn mạnh mới có thể tồn tại lâu dài.
Đáp ứng nhu cầu người dùng
Theo các chuyên gia tài chính, ví điện tử và mã QR ngân hàng không cạnh tranh mà tăng sự lựa chọn cho người dùng trong các kênh thanh toán không tiền mặt. Mới đây, Sacombank và tổ chức thẻ Visa đã công bố hợp tác với 3 ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam là MoMo, ZaloPay và VNPAY nhằm mang đến trải nghiệm thanh toán thuận tiện hơn cho khách hàng thẻ, các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ. Khách hàng có thể thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua mã QR của MoMo, VNPAY-QR hay ZaloPay bằng nguồn tiền từ thẻ Visa và Sacombank sẽ là ngân hàng thanh toán. So với trước đây, tính năng thanh toán bằng mã QR qua 3 ví điện tử đã được nâng cấp, thay vì chỉ được dùng nguồn tiền trực tiếp từ ví hay các dòng thẻ thanh toán nội địa, người dùng có thể dùng cả thẻ thanh toán và thẻ tín dụng Visa quốc tế để quét mã thanh toán.
Người lao động