MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh tượng đặc biệt tồn tại hàng thập kỷ ở thành phố hiện đại bậc nhất Trung Quốc: Chính quyền chê xấu, người dân quyết giữ vì tiện lợi

13-03-2024 - 20:28 PM | Tài chính quốc tế

Ở những khu chung cư cũ trong thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), bạn có thể bị choáng ngợp bởi cảnh tượng tầng tầng lớp lớp quần áo đủ màu.

Những người mới đến Thượng Hải (Trung Quốc) có thể ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhìn thấy những giá phơi quần áo lớn nhô ra từ hai bên của các khu chung cư cao tầng, đặc biệt là ở các cộng đồng dân cư cũ. Phơi đầy đủ loại quần áo, chăn mền màu sắc sặc sỡ, những giá đỡ này còn được người qua đường nói vui là “cờ nhiều màu tung bay trong gió”.

Thiết kế cực kỳ đơn giản: Một khung hình chữ nhật cố định có kích thước khoảng 3m x 2m trải dài từ ban công hoặc cửa sổ. Quần áo được treo trên những chiếc cọc dài, vươn ra khoảng không đón nắng đón gió. Những chiếc cọc, trước đây là tre, nhưng hiện nay chủ yếu được làm bằng thép, có thể đủ dài để làm khô ba hoặc bốn tấm ga trải giường cùng một lúc. Đối với người dân Thượng Hải, phơi đồ kiểu này còn hiệu quả hơn cả máy sấy quần áo.

Vào một ngày nắng, khung cảnh được tạo ra bởi tầng tầng lớp lớp giá phơi đồ này có thể khiến bạn phải nán lại vài giây để nhìn. Tuy nhiên, sự riêng tư và dè dặt nên có dần biến mất, các loại quần áo, thậm chí cả đồ lót, cùng “lồ lộ” dưới ánh nắng cho mọi người cùng xem.

Cảnh tượng đặc biệt tồn tại hàng thập kỷ ở thành phố hiện đại bậc nhất Trung Quốc: Chính quyền chê xấu, người dân quyết giữ vì tiện lợi- Ảnh 1.

Giá phơi đồ ở Thượng Hải

Dạo quanh bất kỳ ngóc ngách nào ở Thượng Hải, bạn có thể sẽ nhìn thấy những giá treo quần áo này, đặc biệt là bên ngoài những ngôi nhà ngõ truyền thống và chung cư cao tầng được xây dựng vào những năm 1990.

Trước thềm Hội chợ triển lãm Thượng Hải 2010, chính quyền thành phố từng khá “chướng mắt” với những giá phơi quần áo phổ biến này, vì có thể làm xấu hình ảnh của Thượng Hải như một đô thị hiện đại. Chính quyền quyết định cấm người dân phơi quần áo bên ngoài cửa sổ trên nhiều con đường chính. Tuy nhiên, một số người dân địa phương cho rằng thói quen lâu đời này nên được coi là di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, có một điều cần phải công nhận là việc sử dụng những giá đỡ để phơi quần áo này thực sự khó đến mức nào. Các cây thép dài từ 2 đến 3 mét và có thể cực kỳ nặng khi chất đầy quần áo, ga trải giường hoặc thậm chí cả chăn mền. Cư dân cần thao tác cẩn thận, cố gắng không chạm vào bệ cửa sổ bẩn, đồng thời giữ thăng bằng. Giữ một đầu của cây cột trong khi cố gắng lắp đầu kia vào một vòng kim loại hình bán nguyệt ở đầu khung để giữ nó ở đúng vị trí.

Nhìn chắc chắn là vậy, nhưng tai nạn không phải là chưa từng xảy ra. Tại một khu dân cư trên đường Thấm Xuân, quận Mẫn Hàng, giàn phơi gắn trên tầng 4 của một tòa nhà bị gió mạnh thổi bay, làm hư hỏng trần kính ở tầng trệt. Một số người cũng bị ngã từ cửa sổ khi cố gắng cố định các giá đỡ khi phơi đồ. Do đó, một số cộng đồng dân cư hiện đang cấm sử dụng thiết kế giá đỡ kiểu cũ này.

Cảnh tượng đặc biệt tồn tại hàng thập kỷ ở thành phố hiện đại bậc nhất Trung Quốc: Chính quyền chê xấu, người dân quyết giữ vì tiện lợi- Ảnh 2.

Người dân trò chuyện với nhau khi đang phơi quần áo, Thượng Hải

Cơn đói khát không gian sống ở thành phố đất chật người đông

Chính xác thì những giá phơi đồ này bắt đầu xuất hiện khi nào và ở đâu?

Mặc dù có rất nhiều tài liệu lịch sử và bằng chứng từ người địa phương nhưng thật khó để tìm ra câu trả lời chắc chắn. Mã Thượng Long, một nhà văn ở Thượng Hải, cho biết: “Chính các công nhân là những người đầu tiên bắt đầu sử dụng cách phơi đồ này”. Ông nói thêm rằng các giá đỡ có thể xuất hiện lần đầu tiên trong một cộng đồng dân cư được xây dựng dành riêng cho công nhân vào những năm 1980 và 1990.

Theo ý kiến của ông Mã, giá phơi đồ xuất hiện ở Thượng Hải xuất phát từ sự cần thiết . “Trước hết, độ ẩm ở Thượng Hải tương đối cao. Dù chuyển từ sống ở nhà ngõ hẻm đến chung cư nhưng người Thượng Hải vẫn giữ thói quen phơi quần áo ngoài trời. Thứ hai, không gian sống ở Thượng Hải luôn rất hạn chế”, Mã nói.

Vào những năm 1980 và 1990, căn hộ một phòng chỉ có diện tích từ 13 đến 15 mét vuông. Một cặp vợ chồng có con cùng với đồ đạc sẽ gần như lấp đầy căn phòng. “Vì vậy, nhiều gia đình đã nảy ra ý tưởng ra ban công để tăng không gian bên trong. Vì điều này không còn chỗ để phơi quần áo nên người ta phải treo giá phơi quần áo vào các tòa nhà ngay bên ngoài cửa sổ”, Mã cho biết.

Cảnh tượng đặc biệt tồn tại hàng thập kỷ ở thành phố hiện đại bậc nhất Trung Quốc: Chính quyền chê xấu, người dân quyết giữ vì tiện lợi- Ảnh 3.

Một nhà văn Thượng Hải khác với bút danh Cơ Bút Tẩu, đã tự làm một chiếc giá gỗ để phơi quần áo. Ông nhớ lại: “Vào những năm 1980, khi giá treo quần áo trở nên phổ biến, chúng đều được người dân tự làm thủ công. Sự phổ biến của các giá đỡ có liên quan mật thiết đến sự nhạy cảm của người Thượng Hải đối với không gian sống, hay còn được gọi với cách trực diện hơn là cơn đói khát chỗ ở”.

Chu Lệ Nguyên nhiều năm sống trong một con ngõ trên đường Hoàng Hà, quận Hoàng Phố vào những năm 1980. Nhớ lại những ngày đó, điều khiến cô ấn tượng nhất là hình ảnh mẹ chồng “tranh giành lãnh thổ” để phơi quần áo. Sáng sớm, người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi đến từ Ninh Ba, một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, chạy ra ngoài với 7-8 cọc tre lớn để chiếm hết những chỗ nắng trong ngõ. Hàng xóm vì thế mà cũng phát sinh không ít cuộc cãi vã.

Chu nói: “Bây giờ gặp lại hàng xóm cũ, họ vẫn trêu mẹ chồng tôi và nói bà là người dũng cảm”.

Phan, sống trong một khu chung cư ở quận Tĩnh An, nói rằng ban công hướng về phía Nam và giá phơi quần áo lớn là lý do khiến cô quyết định mua căn hộ này. “Bây giờ, nhiều khu dân cư mới sử dụng giàn phơi thu gọn (không phải cột treo quần áo truyền thống) nhưng khi đẩy hết ra ngoài, chúng chỉ giãn ra khoảng 1m. Điều đó không thuận tiện cho việc treo đồ giặt”, cô nói.

Theo Trung Hạ

Phụ nữ mới

Trở lên trên