Cao su thiên nhiên – đích ngắm mới của nhà đầu cơ Trung Quốc
Cách đây không lâu, các nhà đầu cơ Trung Quốc đã làm nóng các thị trường than cốc và quặng sắt, và nay họ đang đưa một mặt hàng khác vào “quỹ đạo” này, đẩy giá tăng nhanh chưa từng thấy trong vòng hơn 1/4 thế kỷ – cao su.
Các thương gia cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc là nguyên nhân chính đẩy nhu cầu cao su toàn cầu tăng do kỳ vọng ngành ô tô Trung Quốc lấy lại tốc độ tăng trưởng như đã từng có, cùng với dự đoán những chương trình kích thích của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn. Hãng sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới, Bridgestone, đã cảnh báo có thể phải tăng giá các sản phẩm lốp xe của họ.
Nhu cầu có thể sẽ còn mạnh hơn nữa khi hoạt động kinh doanh sản xuất ở Trung Quốc trở lại hoàn toàn bình thường sau Tết cổ truyền. Điều này xảy ra đúng thời điểm các nước sản xuất cao su chủ chốt ở Đông Nam Á bước vào mùa sản lượng giảm – trầm trọng hơn do lũ lụt ở Thái Lan gần đây – khiến cao su thậm chí trở thành mặt hàng “nóng” nhất trên thị trường hàng hoá thế giới, hơn cả chì hay thép.
Giá cao su tấm chưa hun khói USS3 tại Nakhon Si Thammarat (Thái Lan) ngày 6/2 đã lên mức cao nhất trong vòng hơn 4 năm, là 88,77 baht (2,52 USD)/kg.
Giá tham chiếu cao su hợp đồng giao sau trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) tuần qua lên mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm, sau khi đã tăng 26% trong tháng 1/2017 và vẫn tiếp tục tăng trong dịp Tết Nguyên đán – tháng tăng giá mạnh nhất kể từ năm 1990. Điều đó khiến cao su trở thành mặt hàng thu hút sự quan tâm đặc biệt ở những trung tâm sản xuất mới như Ấn Độ. Giá cao su tại Ấn Độ vào cuối tháng 1/2017 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 3 năm mà người trồng cao su nước này vẫn không muốn bán ra vì dự báo giá sẽ còn tăng nữa.
“Nhà đầu tư ở Trung Quốc đã thi nhau rót tiền vào cao su trong tháng 1 vừa qua”, nhà phân tích Quan Shuwen thuộc văn phòng tại Thượng Hải củatcông ty môi giới Nhật Bản Okachi cho biết. “Nguồn cung đang khan hiếm, nhu cầu từ các doanh nghiệp chế biến cao su tại Trung Quốc mạnh dần lên, giá chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa”, ông Shuwen nhận điịnh.
Trong 4 tháng qua, giá cao su đã tăng gấp hơn 2 lần và đặc biệt thu hút những nhà đầu tư giàu có ở Trung Quốc, rất giống với cách thức họ đã làm với các thị trường than cốc và quặng sắt.
Trong khi hiện vẫn chưa chắc chắn ông Trump sẽ đưa ra những kế hoạch gì để thúc đẩy kinh tế Mỹ thì những chính sách của Trung Quốc đã khá rõ ràng.
Bắc Kinh mới đây lại đưa ra những chương trình kích thích để thúc đẩy nhu cầu đối với các loại ô tô nhỏ và thân thiện với môi trường tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới này. Họ cũng đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về tải trọng mỗi xe tải được vận chuyển, động thái chắc chắn sẽ làm gia tăng nhu cầu xe tải – và sẽ kéo theo nhu cầu lốp ô tô.
Chương trình hỗ trợ tài chính đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường ôtô chạy bằng năng lượng sạch, từ đó góp phần cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ cắt giảm 10% trợ cấp cho các xe sử dụng năng lượng sạch trong năm nay từ mức của năm 2016, để đến năm 2020 sẽ chấm dứt dần chương trình hỗ trợ tài chính này. Năm 2016, đã có 507.000 chiếc xe sử dụng năng lượng sạch được bán ra tại thị trường đông dân nhất thế giới, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước đó.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) kế hoạch cấm lưu hành các loại xe có mức khí thải cao trong phạm vi thành phố này trong năm 2017 trong một nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng. Theo kế hoạch, khoảng 300.000 xe ô tô các loại có mức khí thải cao quá mức cho phép sẽ bị cấm lưu hành trên đường phố Bắc Kinh đến cuối năm 2017.
Trước đó, tháng 11/2016, Cục Bảo vệ Môi trường Bắc Kinh cho biết thành phố này đã cấm lưu hành 340.000 phương tiện giao thông có lượng khí thải cao trong năm 2016. Và mới đây, đầu tháng 2/2017, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) thông báo 7 nhà sản xuất ôtô trong nước sẽ không được hưởng tiền trợ cấp bảo vệ môi trường do đã có hành vi gian lận. 7 nhà sản xuất ôtô này sẽ không được đưa vào danh sách đề cử chính thức các phương tiện được nhận hỗ trợ tài chính từ nhà nước, qua đó sẽ giúp họ hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Chính phủ Trung Quốc đã mở cuộc điều tra các vụ gian lận để hưởng trợ cấp "xanh" từ đầu năm 2016, sau khi đã chi khoảng 33 tỷ nhân dân tệ (4,8 tỷ USD) trong thời gian từ năm 2009-2015.
Ngoài yếu tố Trung Quốc, giá cao su tăng còn do một nguyên nhân nữa là lo ngại sản lượng giảm ở Thái Lan – nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới. Sau khi lũ lụt ảnh hưởng tới khu vực trồng cao su chính ở nước này, Hiệp hội cao su Thái Lan ướ tính sản lượng sẽ giảm khoảng 7,6% trong năm 2017.
Các nhà xuất khẩu cao su Thái Lan cho biết họ chỉ có hàng dự trữ cho một giai đoạn ngắn. Trong khi đó, nước này sắp bước vào mùa đông, là mùa cây cao su trút lá và việc thu hoạch mủ gần như bị ngưng trệ (từ tháng 2 đến tháng 5). Sản lượng của các nước Malaysia và Indonesia cũng sẽ giảm trong giai đoạn đó vì lý do tương tự.
“Mùa đông đang đến gần mà nhu cầu lốp xe từ Trung Quốc rất mạnh, giá chắc chắn sẽ duy trì cao cho đến tháng 3 hoặc tháng 4”, ông Shinichi Kato, chủ tịch công ty môi giới cao su Shinichi Kato cho biết.
Giá cao su tăng là tin vui đối với nhiều quốc gia châu Á. Tại Ấn Độ, ngành cao su dự báo sản lượng sẽ tăng 15% trong năm 2017/18, mạnh nhất trong vòng 4 năm, khi người trồng cao su nhanh chóng khôi phục hoạt động khai thác mủ sau giai đoạn bỏ bê vì giá thấp.
Hiệp hội Cao su Ấn Độ cho biết sản lượng cao su trong năm 2016 đạt 493.000 tấn, so với mức sản lượng 440.000 tấn so với năm 2015, tương đương mức tăng 12,05%. Trong tháng 12/2016, sản lượng cao su tự nhiên của Ấn Độ tăng 12% lên 65.000 tấn, so với mức sản lượng 58.000 tấn trong cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, giá tăng gây lo ngại cho các nhà sản xuất lốp xe bởi lợi nhuận sẽ bị giảm sút. Các nhà sản xuất lốp xe Nhật Bản và Hàn Quốc cảnh báo sẽ chuyển phần đội giá sang cho khách hàng. Tuy nhiên, giá lốp xe thường tăng sau giá cao su khoảng 2-3 tháng.
Hình: Giá cao su tăng 25% từ đầu năm 2017