Cao tốc 19.000 tỷ đồng tăng tốc ngoạn mục, thời gian đi từ TP HCM đến Vũng Tàu sắp tới chỉ còn 70 phút
Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc, thời gian chạy xe từ TPHCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu được rút ngắn nửa thời gian, chỉ còn khoảng 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay.
- 09-04-2024"Kho báu" ngành du lịch nhìn từ Phú Quốc: Liên tiếp đón các siêu tàu 5 sao, có tour mỗi khách phải trả hơn 650 triệu đồng
- 09-04-2024Hà Nội sẽ 'khơi thông' đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
- 09-04-2024Hủy gần 20 chuyến bay đến/đi từ Điện Biên
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng tốc ngoạn mục
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có mức đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, tổng chiều dài 53,7 km (qua tỉnh Đồng Nai 34,2 km, qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5 km), đầu tư theo quy mô đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 04 đến 06 làn xe theo từng đoạn, giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 06-08 làn xe. Dự án thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Điểm đầu dự án giao với tuyến tránh QL1 qua TP. Biên Hòa, điểm cuối giao với QL56 (Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong đó, đoạn một dài 16 km do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; đoạn hai dài 18,2 km do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách và tỉnh BR-VT xây dựng đoạn 3 dài 19,5 km.
Dự kiến, sau khi hoàn thành tuyến cao tốc này, thời gian chạy xe từ TPHCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu được rút ngắn, chỉ còn khoảng 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay.
Hồi đầu tháng 3, đoàn giám sát của Quốc hội do ông Lê Quang Mạnh - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách - dẫn đầu thị sát, nghe báo cáo tiến độ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thành phần 3 là đoạn qua Vũng Tàu có chiều dài gần 20km với 11 cầu và 1 hầm chui dân sinh.
Trên công trường cao tốc có tổng cộng 500 công nhân và 350 phương tiện, thiết bị đang tất bật làm đường với 15 mũi thi công.
Chủ đầu tư dự án cho biết, thời gian thực hiện hợp đồng 806 ngày, hoàn thành tháng 9/2025, đến nay tiến độ thực hiện dự án theo đúng kế hoạch. Dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn đi qua tỉnh BR-VT sẽ hoàn thành sớm trước 3 tháng so với kế hoạch.
Như vậy, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ở phía tỉnh BR-VT đang tăng tốc ngoạn mục, tốc độ xây dựng nhanh hơn phía Đồng Nai.
Để làm tuyến đường này, Đồng Nai cũng phải thu hồi gần 290ha đất, bố trí tái định cư cho khoảng 1.800 hộ dân. Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng của dự án qua Đồng Nai đang bị chậm so với kế hoạch.
Cụm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau hoàn thành sẽ kết nối các tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức (đang triển khai), các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành sẽ hình thành trục giao thông xương sống giải quyết tắc nghẽn trên QL51.
Song song đó, trục cao tốc này sẽ phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Gần 14.000 tỷ đồng cho 16,5 km đường kết nối cao tốc
Mới đây, TP. Bà Rịa đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để thực hiện dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua TP.Bà Rịa. Tại cuộc họp, ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa thông tin, dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua TP.Bà Rịa đi qua xã Hòa Long và các phường Long Tâm, Long Toàn với tổng diện tích thu hồi đất khoảng 219.224m2.
Đến nay, địa phương đã hoàn thành 100% công tác kiểm đếm, hoàn thành việc rà soát, xác định vị trí đất thu hồi dự án để làm cơ sở khảo sát giá đất cụ thể bồi thường.
Theo lộ trình từ nay đến ngày 18/4, tỉnh sẽ ban hành giá đất cụ thể để xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư, bố trí phương án tái định cư tại khu tái định cư xã Hòa Long...
Được biết, dự án đường kết nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài gần 16,5km với tổng vốn đầu tư hơn 13.900 tỷ đồng, dự kiến được khởi công vào tháng 10 tới. Vũng Tàu kỳ vọng khi đi vào khai thác, con đường sẽ kết nối các địa phương trong tỉnh với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giúp giao thông, giao thương thuận lợi hơn.
Dự án này được chia làm 3 dự án thành phần và đi qua thành phố Vũng Tàu, huyện Long Điền và thành phố Bà Rịa với trung bình 850 triệu đồng cho 1km đường.
Cụ thể, dự án thành phần 1 là đoạn từ QL56 (thành phố Bà Rịa) đến vòng xoay Vũng Vằn (huyện Long Điền) có chiều dài 6,71km, quy mô đường cao tốc đô thị và đường song hành có tổng mức đầu tư 6.700 tỷ đồng. Như vậy, đây là đoạn đường có mức đầu tư cao nhất, trung bình 1 tỷ/km.
Thành phần 2 đoạn từ vòng xoay Vũng Vằn (huyện Long Điền) đến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT994) thuộc địa phận phường 12 (TP Vũng Tàu) dài hơn 6,8km, quy mô đường cao tốc đô thị và đường song hành với tổng đầu tư gần 5.200 tỷ đồng.
Cuối cùng là thành phần 3 tổng chiều dài khoảng 2,87km vừa được HĐND tỉnh BR-VT thông qua vào tháng 2. Đây là đường trục chính Vũng Tàu, đoạn từ nút giao đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận đến nút giao vòng xoay đường 51B, 51C thuộc thành phố Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Đời sống pháp luật