Cao tốc Bắc - Nam qua Nam Trung Bộ gặp khó
Cao tốc Bắc - Nam từ tỉnh Khánh Hòa đi Bình Thuận gồm 2 dự án đang triển khai giải phóng mặt bằng nhưng gặp nhiều vướng mắc nên chậm tiến độ
Ngày 17-12, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa, cho biết công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ xây dựng đường cao tốc qua Khánh Hòa đang thiếu hơn 400 tỉ đồng tiền đền bù GPMB. Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc di dời các hạ tầng kỹ thuật của nhiều đơn vị.
Thiếu tiền, dân còn khiếu nại
Cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Nha Trang (Khánh Hòa) đi Vĩnh Hảo (Bình Thuận) gồm 2 dự án: Nha Trang - Cam Lâm (dài 49 km, qua tỉnh Khánh Hòa) và Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dài khoảng 78,5 km qua 3 tỉnh Khánh Hòa (hơn 5 km), Ninh Thuận (hơn 61 km), Bình Thuận (12 km).
Khu tái định cư tại huyện Diên Khánh đã hoàn thành, tuy nhiên nhiều người dân chưa nhận được tiền nên chưa thể ổn định cuộc sống
Theo Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm ảnh hưởng hơn 2.360 trường hợp; hiện nay đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ hơn 2.330 trường hợp, đạt 98,7%. Tổng kinh phí GPMB sau khi điều chỉnh hơn 1.060 tỉ đồng. Địa phương đã chi trả tiền bồi thường hỗ trợ cho hơn 1.500 trường hợp với hơn 521,5 tỉ đồng. Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn qua huyện Cam Lâm của tỉnh Khánh Hòa dài hơn 5 km làm ảnh hưởng 97 trường hợp, tổng kinh phí GPMB hơn 33 tỉ đồng, đã giải ngân được hơn 29 tỉ đồng.
Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho rằng điều quan trọng nhất là đưa người dân vào 7 khu tái định cư (TĐC) trên địa bàn để ổn định cuộc sống. Hiện chỉ có khu TĐC Suối Tiên (huyện Diên Khánh) đã bàn giao đất cho các hộ. Còn các khu TĐC như Bãi Giếng 1, Tân Xương 2, Suối Lau 2, Xuân Lập (huyện Cam Lâm) đang làm các thủ tục nghiệm thu; khu TĐC Cam Thịnh Tây và Cam Phước Đông (TP Cam Ranh) vẫn còn khoảng 15% khối lượng công việc. Điều khó nhất là thiếu tiền chi trả đền bù, GPMB cho người dân.
"Chúng tôi đã cố vận động, đẩy nhanh tiến độ GPMB tạo điều kiện thuận lợi nhất để chuẩn bị cho công tác thi công. Tuy nhiên, muốn người dân bàn giao đất cho dự án thì phải chi trả tiền bồi thường, nhưng đến nay, vốn dành cho GPMB lại không đủ. Người dân không có kinh phí để tái ổn định cuộc sống thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến việc bàn giao mặt bằng thi công" - ông Nguyễn Văn Dần nói.
Về điều này, ông Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đơn vị quản lý dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm), cho biết ban này đã có văn bản gửi Bộ GTVT xin bổ sung 154 tỉ đồng cho dự án. Tuy nhiên, do việc bổ sung vốn khá muộn nên hiện nay, bộ vẫn chưa bố trí được. Dự kiến đến quý I/2021, Bộ GTVT mới bố trí vốn giải ngân cho các dự án.
Tại Ninh Thuận, tỉnh này đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 1.224/1.229 hộ (còn 5 hộ). Tỉnh đã tổ chức chi trả tiền cho 1.187/1.224 hộ (còn 37 hộ). Về kinh phí, Bộ GTVT đã bố trí cho địa phương hơn 133 tỉ đồng để GPMB và hiện đã giải ngân 105 tỉ đồng.
Ông Đỗ Quang Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (đại diện Bộ GTVT quản lý dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo), cho biết các hộ chưa nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng là do khiếu nại về giá đất, các địa phương đang tiếp tục vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. "Dự kiến dự án sẽ hoàn thành GPMB trong quý I/2021. Về phương án xây dựng, chúng tôi đang đợi Bộ GTVT đấu thầu chọn nhà đầu tư BOT" - ông Minh thông tin.
Di dời hạ tầng rất chậm
Ngoài vướng mắc trong khâu bồi thường hỗ trợ cho dân dẫn đến việc GPMB chậm, tại tỉnh Khánh Hòa, việc di dời hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng dự án cao tốc cũng rất ì ạch. Đơn cử, hệ thống điện hạ áp của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa qua huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh vẫn chưa được di dời mà lý do theo đơn vị này là vì "công ty không đủ nhân lực".
Vướng mắc khác là đường dây 110 KV của thủy điện Sông Giang giao chéo với cao tốc cũng chưa di dời vì Công ty CP Khai thác thủy điện Sông Giang yêu cầu phải xem xét chi phí hỗ trợ ngừng hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho rằng điều này là không có cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, nhiều công trình khác như hạ tầng viễn thông, hệ thống cấp thoát nước đã được các địa phương phê duyệt phương án di dời nhưng các đơn vị này vẫn chưa tiến hành.
Còn ở tỉnh Ninh Thuận, theo Sở GTVT tỉnh này, vướng mắc lớn nhất cũng là việc di dời đường dây 220 KV. UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công văn đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Công ty Truyền tải điện 3 quan tâm, hỗ trợ, thống nhất lịch cắt điện để thực hiện đấu nối, hoàn thiện di dời đường dây 220 KV này. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có ý kiến thống nhất của các đơn vị trên.
Phê duyệt nhà đầu tư cao tốc Nha Trang - Cam Lâm
Bộ GTVT vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Theo đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải được đề nghị là nhà đầu tư trúng thầu dự án với tổng vốn hơn 5.530 tỉ đồng. Hiện việc ký kết hợp đồng đang được cơ quan chức năng triển khai, dự kiến quý II/2020 sẽ khởi công.
Người Lao Động