Cao tốc Bắc - Nam: Vẫn chậm mặt bằng
Có 6/11 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2017-2020) chuyển sang đầu tư công đã được khởi công xây dựng. Dự kiến tháng 5 tới, thêm 2 đoạn vừa chuyển sang đầu tư công tiếp tục khởi công. Dù vậy, các địa phương đều chậm giải phóng mặt bằng (MB) so với yêu cầu của Thủ tướng.
- 19-12-2020Thủ tướng ra công điện "thúc" tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam
- 18-12-2020Cao tốc Bắc - Nam qua Nam Trung Bộ gặp khó
- 19-10-2020‘Sức nóng’ của sân bay Long Thành và cao tốc Bắc Nam
Trở lại làm việc sau nghỉ Tết, công trường xây dựng đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (1 trong 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông), công nhân, máy móc hoạt động hết công suất. Bên cạnh dòng xe tấp nập lưu thông trên đoạn đường nối vào cao tốc Ninh Bình - Hà Nội, công trường thi công cao tốc xe ra vào, máy thi công liên tục. Có nhiều vị trí thi công cả ngày lẫn đêm, để đáp ứng tiến độ đưa dự án khai thác cuối năm nay.
Tới nay, đoạn cao tốc này đã cơ bản thành hình, một số đoạn nhà thầu xây lắp Xuân Trường đã thảm nhựa, các cầu trên tuyến cũng trong giai đoạn hoàn thiện, một số vị trí đang gia cố chờ lún. Tuy nhiên, hiện tại, dự án phải dừng thi công 3 vị trí để chờ mặt bằng. Lý do, còn 1 hộ dân ở mố cầu Yên Khang (Nam Định) chưa đồng ý nhận tiền đền bù; ở nút giao Khánh Hòa (Ninh Bình) còn 11 hộ dân, tại đường gom còn 2 hộ dân dù đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng.
Đại diện nhà thầu xây lắp Xuân Trường cho biết, suốt thời gian qua, để có mặt bằng thi công đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, nhà thầu cùng chính quyền địa phương xuống từng hộ dân động viên người dân di dời, nhường đất cho dự án. Theo đại diện nhà thầu, tới nay tuyến chính đã cơ bản thông phần móng và một số vị trí thảm lớp mặt đường, các cầu trên tuyến cũng hoàn thành tương đối, thậm chí hệ thống đèn chiếu sáng đã lắp đạt gần xong.
“Tới nay, chỉ một số vị trí liên quan tới mặt bằng chưa được bàn giao còn vướng mắc, dù địa phương trước đó cam kết sẽ bàn giao trong năm 2020. Địa phương phải bàn giao sớm mới đảm bảo được tiến độ toàn dự án. Mục tiêu của chúng tôi là tới tháng 10 năm nay có thể thông tuyến, dù theo hợp đồng tới hết tháng 12/2021 mới xong”, đại diện nhà thầu chia sẻ.
Thanh Hóa là một trong những địa phương có tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua dài nhất (các đoạn Mai Sơn - QL45, QL45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu), tới nay cũng là 1 trong số ít địa phương có tỷ lệ giải phóng mặt bằng thấp dưới mức bình quân chung. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Thanh Hóa cho hay, tới nay địa phương đã giải phóng mặt bằng đạt 97%.
Phần vướng mắc chủ yếu do một số hộ dân yêu cầu thêm chế độ, chính sách ngoài khuôn khổ pháp luật, địa phương phải nhiều lần tuyên truyền, thuyết phục. Theo ông Trung, địa phương đã báo cáo các bộ, ngành xin gia hạn thời gian bàn giao, phần thi công còn vướng do chưa được bàn giao mặt bằng cũng chưa ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án.
Theo Bộ GTVT, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương phải cơ bản hoàn thành giải phóng MB cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong năm 2020. Tuy nhiên, tới giữa tháng 2/2021, mặt bằng của tất cả 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam đều gặp vướng mắc, mới bàn giao 624/652km (đạt 95,6%). Một số địa phương bàn giao chậm dưới mức bình quân chung gồm: Ninh Bình (mới đạt 79,2%), Thanh Hóa (94,9%), Nghệ An (92%); Khánh Hòa (91,5%).
Những địa phương mới hoàn thành 91/111 khu tái định cư (đạt 82%). Đặc biệt, phần di dời hạ tầng kỹ thuật đang rất chậm, đường điện, nước, viễn thông mới di dời đạt 30-38%. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, bộ đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo từng địa phương còn vướng mắc lớn về mặt bằng để tháo gỡ, đảm bảo hoàn thành giải phóng mặt bằng theo yêu cầu.
Gặp khó vì thiếu vật liệu
Để đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam phía Đông ngay từ đầu năm, ngày 22/2, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp kiểm tra hiện trường thi công đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - QL45. Trước đó, trong tuần đầu sau Tết, các thứ trưởng của Bộ GTVT cũng làm việc với Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... để giải quyết vướng mắc về mặt bằng và thiếu vật liệu thi công. Tại những buổi làm việc trên, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa cam kết với Bộ GTVT sẽ bàn giao phần mặt bằng còn lại trong tháng 3 tới.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết có biện pháp bảo vệ nhà thầu thi công những đoạn còn vướng mắc về mặt bằng... Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị lãnh đạo các địa phương khẩn trương phê duyệt, cấp phép khai thác mỏ vật liệu để phục vụ thi công.
Ngoài mặt bằng, một trong những vấn đề hầu hết nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều gặp phải là thiếu vật liệu san lấp nền (chủ yếu với đất). Cụ thể như đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn (qua Quảng Trị, Huế). Hiện tại, vật liệu đất đắp còn thiếu khoảng 1,6 triệu m3; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 17 mỏ đất nhưng sản lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu; đoạn Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dâu Giây... cũng gặp cảnh tương tự. Thậm chí, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dù được dự kiến tới tháng 5/2021 mới khởi công, nhưng còn thiếu gần 7 triệu m3 đất và 400 nghìn m3 đá dăm...
Một số nhà thầu phản ánh, do nhu cầu vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam lớn, lại đồng loạt thi công, một số địa phương có hiện tượng chủ mỏ đất, đá lợi dụng tăng giá, gây khó khăn cho nhà thầu. Lãnh đạo nhiều địa phương đang rà soát lại mỏ đất, đá để thực hiện thủ tục phê duyệt, cấp phép và điều chỉnh mỏ vật liệu, mất nhiều thời gian, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng dự án.
Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được chia làm 11 dự án thành phần. Trong đó, 8 dự án chuyển sang đầu tư công (6 dự án đã khởi công), 3 dự án tiếp tục kêu gọi đầu tư BOT.
Tiền phong