MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trước giờ vận hành chính thức

29-04-2023 - 08:14 AM | Xã hội

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài 99 km, quy mô 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/giờ, kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP HCM với TP Phan Thiết (Bình Thuận) xuống còn khoảng 2,5 giờ.

Sáng nay 29-4, tại huyện Hàm thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức khánh thành, đưa vào khai thác dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có chiều dài tuyến 99 km đi qua tỉnh Bình Thuận (chiều dài khoảng 47,5km) và tỉnh Đồng Nai (chiều dài khoảng 51,5km).

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trước giờ vận hành chính thức - Ảnh 1.

Lễ khánh thành được tổ chức trực tiếp tại Bình Thuận và kết nối trực tuyến với điểm cầu tỉnh Thanh Hóa

Dự án có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (thuộc xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125 (thuộc xã lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trước giờ vận hành chính thức - Ảnh 2.

An ninh được thắt chặt trước lễ khánh thành, thông xe

Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A vận tốc thiết kế 120 km/giờ; quy mô giai đoạn hoàn chỉnh có 6 làn xe, giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe + 2 làn dừng khẩn cấp.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trước giờ vận hành chính thức - Ảnh 3.

Sáng 29-4, ôtô bắt đầu di chuyển vào cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Trước mắt, dự án đưa vào khai thác 3/7 nút giao, bao gồm nút giao với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, nút giao với Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và nút giao đường nối Ba Bàu với Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. 4 nút giao thông còn lại sẽ đưa vào khai thác khi hoàn thiện sau.

Công trình có tổng mức đầu tư dự án là 12.577,5 tỉ đồng, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trước giờ vận hành chính thức - Ảnh 4.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 6 làn xe, tốc độ tối đa 120 km/giờ

Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dự kiến đưa vào khai thác từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá nguyên vật liệu tăng mạnh, thiếu đất đắp nền cũng như năng lực một số nhà thầu thi công nên dự án đến nay mới đưa vào vận hành.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trước giờ vận hành chính thức - Ảnh 5.

Cầu vượt nối từ Quốc lộ 1 vào điểm đầu cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận

Dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1.

Theo Châu Tỉnh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên