Cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long: Đang chờ thẩm định hàng triệu m3 cát biển
VOV.VN - Cát biển được hi vọng là giải pháp cho vấn đề thiếu cát đắp đường Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng việc nghiên cứu, đánh giá theo Bộ GTVT, nhanh nhất đến cuối năm 2023 mới xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển trong thi công cao tốc.
Các dự án thiếu cát đắp nền trầm trọng
Thông tin về nhu cầu vật liệu để xây dựng các dự án đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, giai đoạn từ nay đến năm 2025, các dự án cao tốc trong khu vực sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn, khoảng 54 triệu m3 và chủ yếu tập trung trong các năm 2023 và 2024.
Với hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía phía, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp khoảng hơn 18 triệu m3 vẫn đang gặp khó khăn về nguồn cung.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Chủ đầu tư dự án đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, An Giang để thống nhất việc cung cấp vật liệu cát đắp cho các dự án.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ giải quyết được khoảng 3 triệu m3 cho cả hai dự án thành phần. Trong đó, tỉnh An Giang đề xuất 4 mỏ (tăng 50% công suất) để cung cấp khoảng 1,1 triệu m3, đang chờ thông qua HĐND tỉnh phê duyệt.
Tỉnh Đồng Tháp tăng công suất 2 mỏ và mở 2 mỏ mới, cung cấp cho dự án gần 1,9 triệu m3 (0,371 triệu m3 tăng 50% công suất và 1,52 triệu m3 mở mỏ mới).
“Hiện tại, địa phương đã có quyết định tăng công suất mỏ và đang thực hiện các thủ tục để mở mỏ thôi, chưa triển khai được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Khi nào có kết quả nghiên cứu cát biển làm vật liệu san lấp cao tốc?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và tiến hành triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san, đắp nền đường”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai dự án “Đánh giá tài nguyên khoảng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hệ thống giao thông, đô thị vùng ĐBSCL” trên phạm vi khu vực biển nằm cách bờ (đất liền) chủ yếu từ 10 - 25km, độ sâu từ 10 - 30m.
Theo người đứng đầu Bộ GTVT: “Công tác triển khai thí nghiệm trong phòng và chuẩn bị triển khai thi công thí điểm ngoài thực địa đã được chuẩn bị”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo khảo sát về nguồn, trữ lượng, các mỏ đang khai thác, hiện nay, tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác 1 mỏ với trữ lượng còn lại hơn 1,1 triệu m3, công suất khai thác là 0,4 triệu m3/năm.
Các mỏ quy hoạch hiện có 3 vị trí mỏ quy hoạch với trữ lượng gần 14 tỷ m3. Trong đó, tỉnh Trà Vinh có 2 vị trí với trữ lượng khoảng 2,1 triệu m3; tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khá lớn, khoảng 13,9 tỷ m3 nằm cách bờ biển khoảng 40km.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ GTVT cũng đã kịp thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án giao thông tại khu vực ĐBSCL.
Nhiều thí nghiệm sử dụng cát biển đang được triển khai ngoài hiện trường, trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, dự kiến hoàn thành công tác thi công trong tháng 5 này, tiến hành quan trắc đến tháng 11, và dự kiến có kết quả đánh giá đẩy đủ vào cuối năm 2023.
“Kết quả thí nghiệm mẫu cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng cho thấy, cát biển tại khu vực lấy mẫu có các chỉ tiêu cơ lý cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường.
Ngành giao thông có tính đến phương án sử dụng cát biển làm vật liệu cho các dự án giao thông, trong đó tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác một mỏ với trữ lượng còn lại khoảng 1,144 triệu m3, công suất khai thác là 0,4 triệu m3 mỗi năm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Theo ông Thắng, với mỏ quy hoạch, hiện có ba vị trí ở hai tỉnh với trữ lượng khoảng hơn 13,9 tỉ m3. Trong đó, một vị trí của tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng lớn nhất, 13,9 tỉ m3 nằm cách bờ biển khoảng 40 km; tỉnh Trà Vinh có hai vị trí với trữ lượng nhỏ, khoảng 2,1 triệu m3.
Tuy nhiên, để đi đến quyết định sử dụng cát biển làm dự án đường bộ thì cần phải thí nghiệm, đánh giá chặt chẽ. Đến thời điểm này, Bộ GTVT cho biết mẫu cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng có chỉ tiêu cơ lý cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường.
“Dự kiến, công tác thi công sẽ hoàn thành trong tháng 5/2023, tiến hành quan trắc đến tháng 11/2023. Kết quả đánh giá sẽ được đưa ra vào cuối năm 2023. Bộ GTVT thông tin và khẳng định, nhanh nhất đến cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, trước mắt, trong năm 2023 và 2024, nguồn vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc chủ yếu vẫn là cát sông./.
Nhiều dự án giao thông được khởi công trong tháng 6
Với dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017-2020), Bộ GTVT cho biết đến nay đã đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến hoàn thành trong quý III/2023; cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành trong quý IV/2023, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo là trong quý I/2024; và đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt hoàn thành trong tháng 5-2024.
Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu hoàn thành sớm nhất có thể dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường bộ cao tốc Bắc – Nam, dự án sân bay Long Thành trong thời gian tới.
Các dự án do địa phương làm chủ đầu tư như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến Vành đai 3 – TP.HCM, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thì Bộ GTVT đang phối hợp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng để khởi công trước ngày 30/6 tới đây.
vov.vn