MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây: Phí cao, chất lượng dịch vụ ngày càng thấp

11-03-2019 - 08:16 AM | Xã hội

Đi cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (TPHCM-LT-DG) và phải trả mức phí cao gần 3 lần so với mức phí trả cho lộ trình Quốc lộ 51 - Quốc lộ 1A. Nhiều lái xe đi trên tuyến cao tốc này bức xúc vì thường xuyên kẹt xe, phải di chuyển với tốc độ “rùa” và đối mặt với nguy cơ tai nạn, va quẹt trên đường…

“Cao tốc” biến thành “thấp tốc”

Sáng 7/3, tình trạng ùn ứ xảy ra trên cao tốc TPHCM-LT-DG theo hướng lưu thông từ TPHCM đi Long Thành. Tại nút giao An Phú (quận 2) dẫn vào cao tốc, ô tô nối đuôi xếp hàng dài hàng trăm mét trên đường Mai Chí Thọ để chờ đèn tín hiệu cho phép rẽ vào cao tốc. Vượt qua nút giao khoảng 5 km, ô tô tiếp tục rồng rắn tại các cổng thu phí trạm thu phí Long Phước (quận 9) để chờ nhân viên phát thẻ IC-card. Chưa hết, tình trạng kẹt xe lại tiếp tục diễn ra tại trạm thu phí Long Thành (Đồng Nai) đặt gần Quốc lộ (QL) 51 vì các tài xế phải trả thẻ, trả tiền phí.

Trước đó vào tối 4/3, một vụ kẹt xe nghiêm trọng đã xảy ra trên cao tốc TPHCM - LT - DG ở hướng lưu thông từ QL51 về TPHCM do một xe đầu kéo container chết máy trên cầu Long Thành. Đoạn đường từ QL51 về TPHCM chỉ hơn 20 km nhưng nhiều lái xe phải mất gần 3 giờ mới đến nơi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thừa nhận tình trạng kẹt xe không chỉ diễn ra vào các đợt nghỉ lễ mà thường xuyên kể từ mùa hè năm 2017 đến nay, do lượng phương tiện tăng quá nhanh, vượt công suất thiết kế. Trong đó, nhiều xe đầu kéo container chọn tuyến đường cao tốc làm con đường chính từ các tỉnh lân cận về TPHCM và ngược lại. Trung bình mỗi ngày, cao tốc TPHCM-LT-DG phục vụ khoảng 75.000 lượt ô tô, trong khi thiết kế chỉ có 59.000 lượt/ngày.

Một số chuyên gia giao thông chỉ ra rằng, ngoài nguyên nhân kẹt xe còn xuất phát từ vấn đề kỹ thuật. Mặt cầu Long Thành hẹp và dốc, chỉ có 2 làn xe (không có làn dừng khẩn cấp), khi xảy ra va chạm, hoặc xe container chết máy trên cầu (như sự cố xảy ra tối 4/3) thì lập tức dòng xe sẽ bị ùn ứ.

Ngoài ra, vị trí đặt Trạm thu phí Long Thành quá gần với nút giao QL51 đã gây nên tình trạng ùn ứ cho cả 2 nhánh ra vào cao tốc hướng từ TPHCM ra QL51 và ngược lại. Trong khi đó, nhánh dẫn lên cao tốc khá hẹp, hướng lưu thông từ TP Vũng Tàu rẽ trái vào đường cao tốc và hướng từ TP Biên Hòa đi Vũng Tàu liên tục bị xung đột tại nút giao, gây ùn ứ cục bộ. Ngoài ra, hệ thống thu phí khép kín buộc các lái xe phải dừng 2 lần để nhận và trả thẻ, khiến cho tình trạng ùn tắc diễn biến phức tạp hơn.

Trả phí cao đổi lấy “cục tức”

Thường xuyên đưa khách từ TPHCM về TP Vũng Tàu du lịch vào cuối tuần, anh Hải cho hay, khi cao tốc TPHCM-LT-DG xảy ra tình trạng kẹt xe, thời gian di chuyển mất khoảng 4 giờ dù quãng đường chưa đến 100 km. “Khi cao tốc mới đưa vào khai thác, đi từ TPHCM về TP Vũng Tàu chỉ mất khoảng 2 tiếng. Bây giờ cứ đi một đoạn lại phải… xếp hàng. Trên các làn, xe lớn, nhỏ chen kín mặt đường, nhích từng chút để qua cầu Long Thành.

Nhiều lái xe cũng chỉ ra nếu chọn lộ trình QL1A-QL51 thì thời gian di chuyển từ TPHCM về TP Vũng Tàu chỉ mất khoảng 3 giờ, vì đường từ TPHCM - Long Thành mật độ phương tiện lưu thông đã giảm. Đi lộ trình này thì phí sử dụng đường bộ thấp hơn nhiều lần so với đi cao tốc - TPHCM - LT-GD.

“Đi cao tốc đường tuy ngắn hơn nhưng do kẹt xe nên thời gian di chuyển dài hơn, tốn xăng, dầu hơn và nguy cơ va quẹt cao hơn. Sở dĩ các lái xe đi cao tốc nhiều là vì không có thông tin đường phía trước có kẹt xe hay không và cao tốc luôn rộng mở đón xe đi vào. Một khi đã vào đường cao tốc rồi thì không thể quay đầu ra, vì dải phân cách kéo dài từ QL51 đến trạm thu phí Long Phước”, anh Hải cho hay.

Anh L.T.T nhà ở Tân Quy Đông, quận 7, TPHCM cho biết, do có công việc ở Long Khánh, Đồng Nai nên tuần nào anh cũng lái xe đi cao tốc Long Thành- Dầu Giây vài lần. Trước đây, anh hay bị kẹt xe kéo dài vào mỗi chiều tối Chủ nhật ở chiều về TPHCM, vì đông hành khách đi du lịch từ Vũng Tàu về TPHCM nhưng gần đây, hầu như ngày nào cũng xảy ra kẹt xe với nhiều lý do khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương thừa nhận các phương tiện trả phí cao, trong khi thường xuyên bị kẹt xe, phải di chuyển rất chậm nghĩa là dịch vụ đã không tương xứng với mức phí. VEC E đã thông báo ngay trên VOV giao thông khi cao tốc bắt đầu kẹt xe để các lái xe chọn lộ trình khác. Khi có tai nạn xảy ra, VEC E phối hợp với lực lượng CSGT chủ động đóng đường (từ chối phục vụ) từ trạm thu phí Long Thành.

Xây hầm chui, nút giao khác mức…

Theo một số chuyên gia, để giải quyết tình trạng kẹt xe trên cao tốc TPHCM-LT-DG, trước mắt, cần xây dựng nút giao khác mức tại An Phú (quận 2), mở thêm làn đường lưu thông qua vòng xoay của nút giao QL51 để hạn chế xung đột giao thông, đồng thời mở thêm làn xe ở các đường nhánh lên cao tốc và xây dựng hầm chui tại khu vực trên.

Về lâu dài, cần xây dựng thêm một nhánh cầu Long Thành, nâng cấp đoạn tuyến từ đường Vành đai 2 đến QL 51 thành 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp theo phê duyệt ban đầu của Bộ GTVT. Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, cao tốc TPHCM-LT-DG (giai đoạn 2) phải hoàn tất để tránh kẹt xe ảnh hưởng đến giao thương quốc tế.


Theo Huy Thịnh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên