MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấp bù lãi suất 1 tỷ USD cho doanh nghiệp: Đâu là rủi ro có thể xảy ra?

Cấp bù lãi suất 1 tỷ USD cho doanh nghiệp: Đâu là rủi ro có thể xảy ra?

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, việc cấp bù lãi suất là biện pháp nếu như có triển khai, thì cũng chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn, với quy mô vừa phải, có mục tiêu cụ thể. Đây không phải là biện pháp phù hợp với các nguyên tắc của cơ chế thị trường, và chỉ nên thực hiện khi không còn biện pháp nào tốt hơn.

Cấp bù lãi suất 1 tỷ USD cho doanh nghiệp: Đâu là rủi ro có thể xảy ra? - Ảnh 1.
Cấp bù lãi suất 1 tỷ USD cho doanh nghiệp: Đâu là rủi ro có thể xảy ra? - Ảnh 2.

Ảnh: Việt Hùng

Sau thời gian dài chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ tư, lực lượng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đang có dấu hiệu “đuối sức”. Theo ông, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp cần được hỗ trợ về yếu tố nào nhất?

Có thể thấy, đầu tiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở khâu thị trường, trong đó có thị trường xuất khẩu và nội địa.

Với thị trường xuất khẩu, nhu cầu đối với hàng hoá Việt Nam rất lớn, nhưng năng lực sản xuất để đáp ứng hiện giờ lại hạn chế, do sự phục hồi chậm của các doanh nghiệp hiện nay. Các yêu cầu chặt chẽ về phòng chống dịch, sự thiếu hụt lao động, những hạn chế trong quá trình đi lại khiến sự phục hồi của các doanh nghiệp chưa được mạnh mẽ như mong muốn.

Còn đối với thị trường trong nước, cầu trong nước đã suy yếu một cách nghiêm trọng trong những tháng vừa qua. Điều đó xuất phát từ sự suy giảm về thu nhập khả dụng của người lao động. Chi tiêu của Chính phủ cũng không đạt tốc độ như mong muốn.

Như vậy, doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu thì gặp khó khăn về năng lực sản xuất để đáp ứng đơn hàng từ nước ngoài. Doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường trong nước thì gặp khó khăn kép là cầu nội địa suy yếu và những hạn chế khiến năng lực sản xuất của họ chưa thể được phục hồi lại ở mức bình thường.

Thứ hai, chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng vọt do sự tăng giá của xăng dầu, chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics, vận tải. Mặt bằng lãi suất cho vay tuy có giảm, nhưng vẫn là một thách thức lớn với nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải duy trì khoản vay cũ với mức lãi suất rất cao.

Khó khăn về thị trường, về doanh thu và chi phí tăng cao dẫn đến khó khăn thứ ba của doanh nghiệp là hạn chế về khả năng thanh khoản và nguồn tài chính để phục hồi hay mở rộng sản xuất kinh doanh.

Như vậy, trong thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thật sự cần được hỗ trợ về các biện pháp nhằm khôi phục năng lực sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí kinh doanh, bao gồm cả chi phí tiền vay, và khả năng tiếp cận tín dụng để đảm bảo khả năng thanh khoản và đầu tư.

Đối với tiếp cận tín dụng, các ngân hàng cũng có những lý lẽ của mình như không thể hạ thêm lãi suất huy động nên cũng khó có thể giảm thêm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, rủi ro tín dụng tăng cao khiến chi phí cho vay cũng phải được nâng cao tương ứng. Việc trích lập dự phòng rủi ro nợ khó đòi gần đây cũng được các ngân hàng đẩy mạnh. Các ngân hàng cũng kiên định với nguyên tắc không thể hạ chuẩn tín dụng do các yêu cầu phải đảm bảo an toàn của cả hệ thống tài chính. Do đó, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp lại càng thêm khó khăn.

Cấp bù lãi suất 1 tỷ USD cho doanh nghiệp: Đâu là rủi ro có thể xảy ra? - Ảnh 3.
Cấp bù lãi suất 1 tỷ USD cho doanh nghiệp: Đâu là rủi ro có thể xảy ra? - Ảnh 4.

Ảnh: Việt Hùng

Nên tiếp cận thế nào để gói tín dụng trị giá 10.000 - 20.000 tỷ đồng mới được Bộ Tài chính đề xuất có thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả?

Trước tiên, cần khẳng định đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của Bộ Tài chính trong việc tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo tinh thần quản trị dựa trên rủi ro như định hướng mới đây của Chính phủ, cần phân tích các rủi ro liên quan tới đề xuất này để có biện pháp quản trị rủi ro liên quan một cách hợp lý.

Với mức cấp bù khoảng 20.000 tỷ và với mức lãi suất được cấp bù là 3-4%, khoảng 600.000 - 650.000 tỷ đồng dư nợ sẽ được hưởng lợi từ mức cấp bù này trong một năm. Số dư nợ này chiếm khoảng 6% tổng dư nợ đối với nền kinh tế hiện nay. Nói cách khác, nếu như khoản vay này dành cho cả các khách hàng hiện đang vay vốn, sẽ chỉ có một nhóm khách hàng tương đương với 6% tổng dư nợ hiện tại sẽ được hưởng lợi từ chính sách này.

Như vậy dưới sức hút của lượng tiền cấp bù rất lớn lên tới gần 1 tỷ USD, một khoản lợi ích rất lớn song lại không dành cho số đông, sẽ dẫn đến một cuộc cạnh tranh quyết liệt để tiếp cận bằng được gói hỗ trợ này. Khách hàng hiện hữu sẽ tìm mọi cách để vay khoản vay mới và đảo nợ. Khách hàng vay mới có thể tìm mọi cách tiếp cận được gói cho vay cấp bù lãi suất để phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng cũng có thể chỉ để tìm cách hưởng lợi từ sự chênh lệch giữa lãi suất được cấp bù và lãi suất cho vay thương mại không được cấp bù trên thị trường.

Nếu gói cấp bù chỉ dành cho khoản vay mới và toàn bộ khoản cấp bù này được giải ngân trong 1 năm, nó sẽ ảnh hưởng tới khoảng 50% tổng dư nợ cho vay mới của năm tới (với giả định tốc độ tăng trưởng tín dụng năm tới là 10%). Sự cạnh tranh để tiếp cận được gói cấp bù lãi suất sẽ trở lên khốc liệt trong năm tới.

Và từ đây sẽ phát sinh một rủi ro nữa cần được quản trị hiệu quả, đó là rủi ro liên quan tới các hoạt động xin cho, hay nguồn vốn sẽ đến tới những đối tượng tìm cách trục lợi từ chính sách này qua các biện pháp đảo nợ, hoặc vay vốn rồi đầu tư sang các lĩnh vực khác như bất động sản hay chứng khoán thay vì vào sản xuất kinh doanh. Như vậy, không thể phủ nhận rủi ro là nguồn cấp bù lãi suất từ NSNN sẽ không đến được những doanh nghiệp, người vay vốn cần nó nhất mà đến những doanh nghiệp biết cách tiếp cận nó nhất.

Ngoài ra, cấp bù lãi suất là một biện pháp can thiệp vào thị trường và trực tiếp can thiệp vào giá cả, tức là lãi suất trong trường hợp này. Những biện pháp như vậy không nên được sử dụng trong bối cảnh chúng ta vẫn đang nỗ lực để được nhiều nền kinh tế hơn nữa công nhận là nền kinh tế thị trường và sự gia tăng gần đây của các vụ kiện chống phá giá, vốn thường lấy bằng chứng từ các biện pháp can thiệp vào giá cả làm cơ sở cho các phán quyết bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là một rủi ro không thể không tính đến.

Cấp bù lãi suất 1 tỷ USD cho doanh nghiệp: Đâu là rủi ro có thể xảy ra? - Ảnh 5.

Ảnh: Việt Hùng

Bên cạnh đó, chúng ta đã mất một thời gian rất dài để tách bạch hoàn toàn các hoạt động cho vay ưu đãi, cho vay với lãi suất cấp bù ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại để đảm bảo sự lành mạnh và minh bạch trong hoạt động của các ngân hàng thương mại. Hoạt động cho vay cấp bù này nếu triển khai, cũng cần được tính toán để không khiến các ngân hàng thương mại vướng vào các rủi ro liên quan làm xói mòn các nguyên tắc thương mại minh bạch và bền vững trong hoạt động của mình.

Cuối cùng, cũng rất cần phải có các cân nhắc về các rủi ro về lạm phát, về cân đối NSNN và các rủi ro về kinh tế vĩ mô khác. Hẳn là ký ức về hệ lụy đối với nền kinh tế vĩ mô sau khi triển khai gói cấp bù lãi suất cách đây khoảng chục năm vẫn còn nguyên vẹn và chưa hề phai nhạt đối với nhiều người.

Từ việc triển khai các gói hỗ trợ trước, theo ông, chúng ta cần lưu ý hay rút kinh nghiệm điều gì, nếu muốn gói cấp bù lãi suất 20.000 tỷ này được triển khai thành công?

Gói cấp bù lãi suất, nếu như có triển khai, thì cũng chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn, với quy mô vừa phải, với mục tiêu rõ ràng về đối tượng hưởng lợi. Tính minh bạch trong quá trình giải ngân, kết quả giải ngân và thu nợ cần được đặc biệt nhấn mạnh.

Nó cũng cần phải có thời hạn triển khai cụ thể, không nên kéo dài thêm thời hạn ngay cả khi chưa giải ngân hết gói. Khi nền kinh tế phục hồi dần, các biện pháp can thiệp vào thị trường như vậy cần được sớm rút lại để thị trường tài chính tiền tệ hoạt động đúng trên các nguyên tắc thị trường.

Cần xác định rất rõ ràng đối tượng người vay vốn và doanh nghiệp hay dự án mục tiêu của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất. Do khoản cấp bù này chỉ đến được một bộ phận doanh nghiệp và người vay vốn, cần có cơ sở rõ ràng tại sao nhóm doanh nghiệp hay người vay vốn này lại được hưởng cấp bù. Cơ sở đó để lý giải cho việc tại sao chỉ có một số doanh nghiệp được tiếp cận và những doanh nghiệp khác, người vay vốn khác thì không.

Yếu tố bình đẳng và công bằng trong môi trường cũng cần được tính đến. Việc chú ý tới các nguyên tắc cạnh tranh trong thị trường hay các yếu tố bình đẳng trong môi trường kinh doanh như vậy sẽ nâng cao tính thuyết phục của gói cấp bù lãi suất nếu như nó được thực hiện.

Cấp bù lãi suất 1 tỷ USD cho doanh nghiệp: Đâu là rủi ro có thể xảy ra? - Ảnh 6.
Cấp bù lãi suất 1 tỷ USD cho doanh nghiệp: Đâu là rủi ro có thể xảy ra? - Ảnh 7.

Ảnh: Việt Hùng

Nếu vậy, gói tín dụng này nên ưu tiên cho nhóm đối tượng, ngành nghề trước?

Với mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và hạn chế mức độ và quy mô của các biện pháp trợ giá, cần tập trung gói hỗ trợ cấp bù cho một số nhóm đối tượng ưu tiên.

Thứ nhất, nên ưu tiên doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng phải đáp ứng được yêu cầu tiên quyết là có khả năng phục hồi. Để gói hỗ trợ đến đúng nhóm này, các NHTM hoặc tổ chức được giao triển khai gói cấp bù, khi giải ngân nguồn vốn cần thẩm định kỹ xem doanh nghiệp có đạt được tiêu chí hay không.

Chúng ta không thể hỗ trợ dàn trải cho tất cả doanh nghiệp. Nếu cho doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, hoặc khả năng phục hồi vô cùng thấp vay vốn, có nguy cơ nợ xấu ngân hàng sẽ tăng mạnh trong tương lai gần.

Nhóm thứ hai là những ngành nghề, dự án có khả năng tăng trưởng mạnh, và có tính đột phá cho sự phát triển kinh tế năm 2022, hoặc những ngành nghề, dự án có sức lan tỏa lớn đối với nền kinh tế.

Tập trung vào hai nhóm này sẽ đúng với với ý nghĩa của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất, đó là hỗ trợ cho quá trình phục hồi của kinh tế đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Việc cấp bù lãi suất cho những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu cũng cần cân nhắc tới rủi ro vi phạm quy định của WTO hay những hiệp định thương mại quốc tế. Ưu tiên cho vay các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh và doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần phải lưu ý tới rủi ro về các vụ kiện chống bán phá giá mà nhiều doanh nghiệp và ngành kinh tế đã phải đối diện trong những năm gần đây.

Theo ông, tốc độ giải ngân các gói hỗ trợ của Việt Nam đến nay đã đạt được như mong đợi, kế hoạch đã đề ra hay chưa?

Có thể thấy, những gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 hay một số gói hỗ trợ giãn, hoãn nộp thuế, hỗ trợ về thuế, BHXH, hỗ trợ cho người lao đồng từ Quỹ Bảo hiểm Thất nghiệp cho doanh nghiệp, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ mà Bộ Tài chính hay Bộ LĐ-TBXH, NHNN đưa ra đều được thực hiện ngay lập tức và đạt được kết quả tốt.

Cấp bù lãi suất 1 tỷ USD cho doanh nghiệp: Đâu là rủi ro có thể xảy ra? - Ảnh 8.

Ảnh: Việt Hùng

Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh về việc triển khai gói hỗ trợ cho người lao động tự do lại chưa cho thấy sự đồng nhất. Có những địa phương đã thực hiện rất tốt, nhưng có những tỉnh, địa phương lại chưa triển khai tốt gói hỗ trợ này.

Đặc biệt, gói cho vay doanh nghiệp để trả lương người lao động, vì một số lý do về cách thức thiết kế và triển khai thực hiện, khiến cho gói hỗ trợ không hiệu quả, mức độ giải ngân cũng rất thấp.

Ông từng chia sẻ, chính sách phải được thực hiện đồng bộ mới tạo ra được “sức bật”, vậy ông có đề xuất giải pháp nào để đạt được sự đồng bộ đó tại Việt Nam?

Chính phủ hiện nay đã có những cơ chế để phối hợp giữa các bộ ngành với nhau. Theo quan điểm của tôi, Chính phủ đã làm tốt việc đó, ví dụ như sự phối hợp về chính sách tài chính – tiền tệ trong thời gian vừa qua cũng được thực hiện nhuần nhuyễn hơn.

Nhưng trong thời gian dịch bệnh vừa qua, cũng còn một số biện pháp chưa được phối hợp chặt chẽ với nhau, ví dụ các biện pháp chống dịch và các biện pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa, dịch chuyển an toàn của người lao động hay đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp. Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương khi thực hiện các biện pháp này chưa thực sự hiệu quả.

Trong những tuần vừa qua, có thể thấy sự phối hợp này đã chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều điểm cần tiếp tục được cải thiện. Doanh nghiệp rất mong có sự hướng dẫn rõ ràng, thống nhất từ các bộ, ngành và chính quyền địa phương và điều này chỉ có thể thực hiện được nếu như các bộ, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau.

Có những vấn đề, ví dụ như thu hút người lao động trở lại các vùng sản xuất trọng điểm sẽ không thể chỉ được giải quyết bởi Bộ LĐ-TBXH mà cần có sự phối hợp của các bộ ngành khác như Bộ Y Tế, Bộ Giao Thông Vận Tải và đặc biệt là các chính quyền địa phương.

Một cơ chế tốt nhất phải thực hiện dựa trên tinh thần vì vì nền kinh tế, vì doanh nghiệp, vì sinh kế của người lao động và người dân. Nếu như xuất phát từ quan điểm đó, các bộ, ngành sẽ có những biện pháp phối hợp, liên thông với nhau, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất, và mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế.

Cảm ơn ông!

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên