MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cập nhật Covid-19 ngày 18/4: Mỹ có hơn 700.000 người nhiễm; số ca ở Tây Ban Nha tăng cao nhất trong 1 tuần

18-04-2020 - 07:26 AM | Tài chính quốc tế

Tính đến ngày 18/4, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu là 2.247.670, trong đó có 154.086 trường hợp tử vong và 570 người đã hồi phục. Cho đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và lây lan đến 210 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Mỹ ghi nhận thêm 31.264 ca nhiễm mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca lên 708.834, trong khi số người tử vong 37.095, thêm 2.478 ca. Ngày hôm qua, Tổng thống Donald Trump đưa ra đề xuất về việc tái khởi động nền kinh tế với 3 giai đoạn, không mở cửa đồng loại mà sẽ triển khai từng bước thận trọng. Ông cho biết các tiểu bang có thể mở cửa trở lại vào ngày 1/5 hoặc sớm hơn. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp, một số bang chịu bị ảnh hưởng nặng nền như New York lại chưa muốn thực hiện việc này.

Số ca nhiễm ở Tây Ban Nha hiện là 190.839, cao hơn 5.891 ca so với ngày hôm trước, xác nhận thêm 687 trường hợp tử vong và tổng số người chết là 20.002. Quốc gia này trong tuần vừa qua đã nới lỏng lệnh phong toả, cho phép một số lao động ngànhh xây dựng và sản xuất quay trở lại làm việc.

Italy xác nhận 3.493 ca nhiễm và 575 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 172.434 và 22.745. Số ca nhiễm mới ở Italy đã tăng chậm lại đáng kể so với hồi cuối tháng 3, nhưng xu hướng giảm lại không mạnh như kỳ vọng đối với 1 quốc gia đã phong toả trong gần 6 tuần. Chuyên gia cho biết các nguồn lây nhiễm chính ở quốc gia này gần đây lại là gia đình, nên cách tốt nhất để giảm số ca nhiễm và tử vong là đưa toàn bộ người mắc cách ly với họ hàng, người thân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Jerome Salomon cho biết trong một cuộc họp báo ngắn tại Paris, số ca tử vong do nhiễm nCoV ở nước này đã tăng 761 lên 18.681, trong khi số ca nhiễm tăng với mức ít nhất trong 5 ngày - 1.909, lên 168.241 trường hợp. Số liệu hàng ngày của Pháp được công bố trong bối cảnh nhiều báo cáo không được thống nhất từ những con số ở các viện dưỡng lão - đến tháng này mới được đưa vào. Tuy nhiên, số liệu trong ngày 17/4 đã cho thấy số người nhập viện và chăm sóc đặc biệt đã giảm xuống. Ông Salomon cho biết đây là hiệu quả của việc phong toả và thực hiện giãn cách xã hội, dù tổng số ca vẫn ở mức cao. 

Đức ngày hôm qua có thêm 3.699 ca nhiễm mới và 300 người tử vong, nâng tổng số lên 141.394 và 4.352. Bộ trưởng Bộ Y tế Jens Spahn cho biết tình hình dịch bệnh ở Đức "một lần nữa nằm trong tầm kiểm soát" nhờ việc áp dụng sớm biện pháp phong toả. Ông cho biết "thực sự đáng mừng" khi kể từ 12/4, số người đã hồi phục vẫn tiếp tục tăng lên.

Anh mới đây cho biết quốc gia này có thể thấy hiệu qua ban đầu của việc phong toả, khi ghi nhận 847 trường hợp tử vong tại bệnh viện, giảm so với con số 861 của ngày hôm trước. Anh có thêm 5.599 ca nhiễm mới, tăng so với 4.617 ca ở ngày hôm trước. Tuy nhiên, xu hướng tăng của ca nhiễm mới đã dần chậm lại, trong khi số ca tử vong tăng nhanh hơn. Giới chức nước này cũng cảnh báo rằng các biện pháp hạn chế phải được tiếp tục thực hiện để tránh chạm mức đỉnh thứ 2.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là ổ dịch lớn nhất khu vực với 5.923 ca nhiễm và 520 người tử vong. Quốc gia này đã thực hiện gần 40.000 xét nghiệm và số ca nghi nhiễm hiện là 11.800 người. Trong khi đó, Philippines là vùng dịch thứ 2 với 5.878 người nhiễm và 387 ca tử vong.

Singapore đang chứng kiến làn sóng bùng phát thứ 2 khi dịch bệnh lây lan nhanh ở các khu ký túc xá cho lao động nước ngoài thu nhập thấp và người từ nước ngoài trở về. Quốc đảo này hiện có 5.050 ca nhiễm, tăng 623 ca so với ngày hôm trước, ghi nhận 11 trường hợp tử vong. 

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên