Cập nhật Covid-19 ngày 20/4: Số ca tử vong ở Mỹ tăng gấp đôi trong 1 tuần; Singapore trở thành ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á; ca nhiễm ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt Trung Quốc
Tính dến ngày 20/4, tổng số ca nhiễm nCoV trên toàn cầu là 2.404.818, trong đó có 164.922 trường hợp tử vong và 624.849 người đã hồi phục. Cho đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và lây lan đến 210 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Mỹ ghi nhận thêm 24.787 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, lên 763.579. Trong khi đó, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins University và Bloomberg News, số ca tử vong ở nước này đã tăng lên 41.379, tương đương gấp đôi so với tuần trước. Tại vùng dịch lớn nhất nước Mỹ - New York, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết bang này đã bước sang một giai đoạn mới của dịch bệnh khi số ca nhiễm và tử vong mới đều giảm bớt. Ông cho biết nếu xu hướng này vẫn tiếp tục thì New York đã vượt qua đỉnh dịch, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Số ca nhiễm ở Tây Ban Nha hiện là 198.674, tăng 4.258 ca so với ngày hôm trước, ghi nhận thêm 410 trường hợp tử vong, nâng số người chết lên 20.453. Hiện tại, số ca tử vong ở quốc gia này đang tăng với tốc độ chậm nhất trong 1 tháng qua. Giới chức Tây Ban Nha có thể sẽ kéo dài lệnh phong toả ít nhất đến ngày 9/5, nhưng sẽ nới lỏng một số lệnh hạn chế.
Tại Italy, số người nhiễm mới tăng thêm 3.047 lên 178.972, với 23.660 trường hợp tử vong, tăng 433 ca so với ngày hôm trước. Số ca tử vong ở nước này đã tăng với tốc độ chậm nhất trong 4 ngày vừa qua, trong khi đó số bệnh nhân nhập viện tăng trở lại lần đầu tiên trong 6 ngày. Theo dự kiến, lệnh hạn chế tại nước này sẽ được dỡ bỏ vào ngày 4/5, nhưng chính phủ đang cân nhắc về các biện pháp nhằm kết thúc quá trình phong toả kéo dài từ tháng 3.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Jerome Salomon, số ca tử vong ở nước này đã tăng thêm 395, lên 19.718, ghi nhận tốc độ chậm nhất kể từ ngày 29/3. Ngoài ra, số người phải nhập viện cũng giảm trong ngày thứ 5 liên tiếp, trong khi số bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt giảm ngày thứ 11 liên tiếp. Thủ tướng Edouard Philippe mới đây cho biết, Pháp sẽ tiết lộ một kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ các lệnh hạn chế về việc di chuyển và hoạt động kinh doanh trong 2 tuần tới.
Đức có thêm 1.460 ca nhiễm và 48 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 145.194 và 4.586. Ngày hôm trước, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết số ca nhiễm mới ở nước này đã giảm đáng kể và tình hình dịch bệnh đang nằm trong tầm kiểm soát.
Anh hiện ghi nhận 120.067 người nhiễm nCoV và 16.060 trường hợp tử vong, tăng thêm 5.850 và 596 so với ngày hôm trước. Nhiều chuyên gia nhận định con số thực tế ở quốc gia này có thể cao hơn nhiều vì Anh chỉ đưa số người chết trong bệnh viện vào số liệu chính thức, trong khi có rất nhiều ca tử vong tại nhà và ở viện dưỡng lão.
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận số ca nhiễm tăng 4,8% lên 86.206, cao hơn so với Trung Quốc. Nước này ghi nhận thêm 127 trường hợp tử vong trong 1 ngày, nâng tổng số người chết lên hơn 2.000.
Tại Đông Nam Á, số ca nhiễm tại Singapore đã tăng 596 lên 6.588 với 11 trường hợp tử vong và trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực. Phần lớn các ca nhiễm mới ở quốc đảo này là lao động nước ngoài, sống trong các khu ký túc xá. Hơn nữa, số ca tăng mạnh là do Singapore tích cực xét nghiệm và cách ly những ca bệnh này.
Indonesia có số ca nhiễm cao thứ 2 khu vực, với 327 ca nhiễm và 47 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Philippines có 6.259 người nhiễm và 409 ca tử vong.