Cập nhật dư nợ cho vay chứng khoán, bất động sản và TPDN
Đến 30/4/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã tăng tới 10,19%, trong khi tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống đến 25/4/2022 chỉ 6,75% (Ảnh minh họa)
Đòn bẩy từ vốn ngân hàng vào chứng khoán thậm chí giảm đáng kể, nhưng tăng khá mạnh ở lĩnh vực bất động sản.
- 28-06-2022Dự án khả thi, doanh nghiệp uy tín cần tiếp cận vốn tín dụng bất động sản
- 27-06-2022Siết cho vay đặt cọc bất động sản: Cần thiết!
- 24-06-2022“Giải cứu” nợ xấu bất động sản
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản cung cấp thêm thông tin tới đại biểu Quốc hội, sau các nội dung được chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp vừa qua.
Thông tin trên cập nhật về tình hình tín dụng ở một số lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm, như với chứng khoán, bất động sản, tình hình đầu tư của các tổ chức tín dụng (TCTD) vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)…
Về tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán, Thống đốc cập nhật, đến 30/4/2022, dư nợ chứng khoán là 57.523 tỷ đồng, tăng 1,44% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng nhỏ 0,51% tổng dư nợ nền kinh tế.
Cụ thể hơn, cập nhật đến thời điểm trên, dư nợ tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán có rủi ro (bao gồm cổ phiếu và TPDN) giảm 5,4% so với cuối năm 2021, chiếm 18,7% tổng dư nợ chứng khoán; trong khi dư nợ tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán ít rủi ro (chủ yếu là trái phiếu Chính phủ) tăng 3,17% so với cuối năm 2021, chiếm 81% tổng dư nợ chứng khoán, đóng góp tích cực vào hoạt động huy động vốn của Kho bạc Nhà nước.
Về đầu tư vào TPDN của TCTD: Đến cuối tháng 4/2022, số dư đầu tư TPDN theo giá gốc của trái phiếu của toàn hệ thống là 320,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,86% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Số dư này giảm khoảng 6.000 tỷ đồng so với con số cập nhật đến tháng 3/2022 trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội trước đó (PV).
Và như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cập nhật tại họp báo gần đây, trước các luồng thông tin về siết chặt tín dụng bất động sản, dữ liệu cập nhật cho thấy tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực này đã rất cao so với mặt bằng chung.
Văn bản trên của Thống đốc cho biết, đến nay, tỷ trọng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trong tổng dư nợ chung ở mức khoảng 20%. Mức tăng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã giảm (từ 26,76% năm 2018 xuống 15,37% năm 2021). Nợ xấu lĩnh vực bất động sản có xu hướng giảm dần, từ mức 3,66% năm 2018 xuống mức 1,67% năm 2021.
Nhưng cập nhật đến 30/4/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã tăng tới 10,19% (trong khi tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống đến 25/4/2022 chỉ 6,75% - PV); trong đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản tăng 11,56%, chiếm 65,68% dư nợ tín dụng bất động sản.
"Trong thời gian tới, để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã và đang triển khai nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, hạn chế nợ xấu phát sinh, khuyến khích tập trung nguồn vốn vào phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững; hạn chế rủi ro, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD", văn bản của Thống đốc gửi đến đại biểu Quốc hội cho biết.
Bizlive