Trực tiếp: Dòng người nối dài chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sáng nay (26/7), Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tổ chức trọng thể đồng thời tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và tại quê nhà thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) từ 7h đến 13h.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kéo dài đến 13 giờ trưa nay (ngày 26/7/2024). Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ cùng ngày tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được thực hiện cùng thời gian tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Lễ an táng vào 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.
Rất đông bạn trẻ xếp hàng viếng Tổng Bí thư tại TP.HCM
Phóng viên Duy Phương/VOV- TP.HCM cho biết: Tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), các tầng lớp nhân dân tiếp tục vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngày 25/7, đã có hơn 40.000 người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM. Sáng 26/7, tại Hội trường này, người dân có thể vào viếng từ 6h40, sớm hơn 20 phút so với thông báo và Lễ viếng sẽ kết thúc lúc 12h30.
Các đơn vị quân đội viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia
Đại diện các tổ chức tôn giáo viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia
Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu các địa phương đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Dòng người nối dài trên các con phố
Tại tuyến đường Nguyễn Huy Tự, Lê Thánh Tông, Phạm Đình Hổ. Tăng Bạt Hổ - những tuyến đường dẫn vào Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) người dân xếp hàng ngày một dài hơn.
Tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông- Hà Nội, dòng người vào viếng trong trật tự. Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kéo dài đến 13 giờ trưa nay (ngày 26/7/2024). Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ ngày 26/7/2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.
Người dân không nói lên lời khi nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
TP.HCM: Người dân được vào viếng sớm hơn so với giờ thông báo
Sáng 26/7, theo ghi nhận của phóng viên Vũ Hường/VOV - TP.HCM, tại hội trường Thống Nhất, hơn 6h30 sáng đã có hàng dài người đứng đợi trước Dinh Độc Lập chờ đến giờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 6h40, Ban tổ chức đã mở cửa sớm cho người dân, các đoàn thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù thông báo trước đó là 7h sáng.
Bắt đầu Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng 26/7
Đoàn Điện Biên là đoàn đầu tiên vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sáng 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội từ 6h30. Đoàn do ông Trần Quốc Cường- Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên làm trưởng đoàn.
Đi xe khách từ 2h sáng xuống Hà Nội để tiễn biệt Tổng Bí thư
Theo ghi nhận của phóng viên Chung Thủy/VOV.VN, vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Tiến và Hán Thị Phương, 75 tuổi (người Yên Bái) đã đi xe ô tô khách từ 2h sáng về Hà Nội để kịp giờ viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Tâm trạng xúc động, bà Phương cho biết, 4h sáng, vợ chồng ông bà đã có mặt tại phố Hàn Thuyên và xếp hàng đợi giờ vào viếng. Khi hay tin Tổng Bí thư mất, vợ chồng bà vô cùng xúc động, tiếc thương vị lãnh tụ của nước, của dân. Bằng mọi giá vợ chồng ông phải về Hà Nội để viếng Tổng Bí thư và tiễn đưa ông chặng đường cuối về với đất mẹ.
Người dân mong được vào viếng sớm Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia
Phóng viên Ngọc Thành/VOV.VN cho hay, ngay từ sáng sớm 26/7, người dân đã xếp hàng trên các tuyến phố xung quanh Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù thời gian viếng bắt đầu từ 7h. Nhà tang lễ Quốc gia là nơi đặt linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- vị lãnh đạo được nhân dân Việt Nam tôn kính và bày tỏ niềm tiếc thương kể từ khi ông từ trần ngày 19/7.
Người dân xếp hàng từ sáng sớm để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê hương ông
Từ sáng sớm 26/7, người dân đã xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê hương ông là Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh- Hà Nội. Người dân xếp 2 hàng được thanh niên tình nguyện hướng dẫn đi vào cửa an ninh quét mã QR sau đó đi vào bên trong làng.
Lễ viếng và mở sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Pháp
Ngày 25/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức lễ truy điệu, mở sổ tang và viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự tham dự của đông đảo cán bộ, nhân viên đại sứ quán, các cơ quan bên cạnh, đại diện cộng đồng Việt kiều.
Phóng viên Anh Tuấn/VOV- Paris cho biết: Tham dự lễ viếng có đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, cùng toàn thể các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp và đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Pháp.
Trong bầu không khí trang nghiêm và xúc động, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cùng các đại biểu đã dành phút mặc niệm, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại lễ viếng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng xúc động khẳng định trong gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Trong ngày đầu tiên của lễ viếng, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã đón Đại sứ Lào, Đại sứ UNESCO các nước Cuba, Srilanka, Nga, Maroc, Myanmar, đại diện Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp, Đại sư quán Nhật Bản, Mỹ, các hội đoàn hữu nghị Pháp–Việt cùng đông đảo bà con Việt kiều tới viếng và ghi sổ tang. Bà Mathilde Teruya, phó vụ trưởng vụ Châu Á và Châu Đại dương, đại diện Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp chia sẻ: "Tôi có mặt ngày hôm nay ở đây để thay mặt nước Pháp gửi lời chia buồn đến chính phủ và người dân Việt Nam sau khi nghe tin Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ngài Nguyễn Phú Trọng từ trần. Với cương vị là nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, Tổng Bí thư đã luôn nỗ lực để tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Pháp-Việt và điều đó có ý nghĩa to lớn đối với chúng tôi".
Người dân TP.HCM ấm lòng khi ai ai cũng hướng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Phóng viên Tỷ Huỳnh/VOV- TP.HCM cho biết: Đêm 25/7, tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, hàng người xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nối dài. Ban tổ chức đã kéo dài thời gian viếng của ngày 25/7 đến 23h thay vì 22h như ban đầu. Người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận, từ người già đến trẻ nhỏ đều đến với mong muốn được vào thắp nén hương cho Tổng Bí thư.
Sau giờ tan tầm chiều 25/7, chị Vũ Phương (ngụ quận Gò Vấp) đã vội vã vượt cơn mưa khá lớn di chuyển từ chỗ làm về nhà đón con gái 10 tuổi để cùng đến Hội trường Thống Nhất, đăng ký vào viếng, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chứng kiến dòng người xếp hàng dài hướng về Hội trường Thống Nhất, chị Phương không những không nản chí, xếp hàng chờ, mà còn cảm thấy ấm lòng, khi tất cả mọi người đều hướng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Khi nghe tin bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, tôi cũng buồn lắm. Cảm giác như mình đang mất một người thân trong gia đình vậy. Khi hay tin bác mất, tôi đã theo dõi thời sự, xem khi nào thì được đến viếng bác. Nay đến đây, nói chung rất là đông nhưng thấy mọi người đều hướng về bác như vậy tôi cảm thấy cũng ấm lòng”.
Đi lại khó khăn vì vừa phẫu thuật chân, anh Lương Thiện (ở quận Bình Thạnh) vẫn không ngại xếp hàng ngay ngắn cùng mọi người, thành kính chờ đến lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Em cảm thấy rất đau lòng và rất buồn, bởi bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một hình tượng mà em luôn mong muốn noi theo. Mặc dù hôm nay em có vết thương ở chân khá nặng nhưng em vẫn quyết đến viếng và tiễn biệt bác lần cuối. Nhìn thấy nhiều cô chú 80 tuổi, 90 tuổi có mặt từ rất sớm thì em nghĩ rằng vết thương của mình không là gì so với công sức các cô chú đã chờ đợi để mà có thể viếng thăm bác Nguyễn Phú Trọng”.
Trước di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều người dân không cầm được nước mắt, thương tiếc vị lãnh đạo tài đức vẹn toàn.
Ngày 25/7, đã có hơn 40.000 người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.
Ngày 26/7, tại Hội trường này, người dân có thể vào viếng từ 7h và kết thúc lúc 12h30.
VOV