Cấp phép khống 800 sản phẩm thủy sản: Đã gửi hồ sơ sang công an
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra đã xử lý nghiêm cán bộ vi phạm và gửi hồ sơ sang công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
- 26-07-2016Bán khống 800 giấy thủy sản: Xử lý quá chậm
- 25-07-2016Vì sao Tổng cục Thủy sản chưa công bố sản phẩm bị thu hồi?
- 23-07-2016'Động trời' ở Tổng cục Thủy sản: 800 loại sản phẩm cấp khống đi đâu?
Liên quan đến việc cấp khống cho 802 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản đưa vào Danh mục được phép lưu hành tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, vụ việc đã được Tổng cục xử lý nghiêm, không bao che hành vi vi phạm của cán bộ.
Sau khi có kết luận giải quyết tố cáo, Tổng cục đã cách chức và khai trừ Đảng ông Bùi Đức Quý, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản. Đồng thời buộc thôi việc và khai trừ Đảng với công chức là ông Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Hành chính, quản trị của Văn phòng Tổng Cục; buộc thôi việc 5 viên chức của Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.
“Nhóm người này đã chịu kỷ luật, chúng tôi cũng đã đưa hồ sơ sang công an. Những người gây hậu quả phải chịu trách nhiệm”, ông Oai nhấn mạnh.
Để ngăn chặn, khắc phục hậu quả, Tổng cục có văn bản thu hồi toàn bộ những văn bản bị ghép, đưa thêm sản phẩm trái quy định và ban hành hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, xử lý với sản phẩm đưa vào phụ lục không đúng quy định. Đồng thời, ban hành 4 quyết định thu hồi tiền nộp ngân sách nhà nước với số tiền là 1,176 tỷ đồng. Đến nay, các cá nhân bị thu hồi tiền đã thực hiện nộp tiền.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng cho hay, theo báo cáo từ các địa phương, trong 802 sản phẩm được đưa vào danh mục được phép lưu hành trái pháp luật có 347 sản phẩm đã được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam để lưu hành (các sản phẩm chủ yếu là chất dinh dưỡng).
Ngoài ra có 157 sản phẩm mới tiến hành sản xuất thử, chưa bán ra thị trường; có 210 sản phẩm chưa sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam; còn 88 sản phẩm đến ngày 3/8/2016 chưa xác định được tình trạng lưu hành (do các công ty có các sản phẩm này không còn hoạt động hoặc thay đổi địa chỉ).
Như vậy, đến thời điểm hiện tại có 347/802 sản phẩm đã được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam để lưu hành trên thị trường; 367/802 sản phẩm đã bị đưa vào danh mục nhưng chưa được sản xuất, chưa được lưu hành. Có 88/802 sản phẩm đến ngày 3/8/2016 chưa xác định được tình trạng lưu hành. Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục làm rõ thông tin thực tế lưu hành đối với 88 sản phẩm này.
Tổng cục Thủy sản khẳng định, thời gian tới Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý Nuôi trồng thủy sản địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với vật tư đầu vào trong Nuôi trồng thủy sản; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý dứt điểm, triệt để vụ việc theo quy định pháp luật.
Như trước đó báo Infonet đã đưa tin, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từng có kết luận nội dung làm giả công văn để lưu hành trái phép hơn 800 sản phẩm trong đó có 140 sản phẩm thức ăn thủy sản và 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường.
Cụ thể, từ đầu năm 2013, ông Bùi Đức Quý - Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã cấu kết với các cán bộ của Trung tâm là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.
Theo đó, sản phẩm của doanh nghiệp trước khi bán ra thị trường không cần phải đi qua khâu kiểm tra, xác minh chất lượng mà chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng/sản phẩm để trả cho Giám đốc Trung tâm là có tên trong danh sách lưu hành.