Cấp tín dụng cho dự án điện gió và điện mặt trời: Bước chân người tiên phong
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cung cấp một nguồn tài chính cho 23 dự án điện mặt trời và điện gió với tổng quy mô lên đến hơn 60.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn mạnh mẽ này giúp các chủ đầu tư tạo ra khoảng 2.800 MW điện năng lượng tái tạo, góp phần gia tăng nguồn năng lượng sạch đáp ứng nhu cầu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Các dự án năng lượng tái tạo với những nhà đầu tư có thương hiệu và uy tín tại các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ… đều đang có sự góp sức từ dòng tín dụng do MB cung cấp và thu xếp. Trong đánh giá của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam tháng 7/2020 thì năng lượng là lĩnh vực được quan tâm đặc biệt, bởi việc đầu tư thích đáng cho phát triển năng lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Trong khi đó, các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… dần cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước, đã và đang cho thấy những thách thức rất lớn nếu đất nước không sớm xây dựng mới một hệ thống năng lượng tái tạo. Hệ thống năng lượng mới cần có để bù đắp khoảng hụt của năng lượng sơ cấp và đặc biệt là thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong môi trường sống trong lành, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp biết cách biến nguồn năng lượng từ thiên nhiên thành năng lượng điện, phục vụ cho cuộc sống.
Về chính sách, từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy và thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển năng lượng tái tạo, trong đó điển hình là Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg quy định giá mua điện 9,35 UScents/kWh đối với các dự án điện năng lượng mặt trời vận hành thương mại trước 30/6/2019; Quyết định 39/2018/QĐ-TTg quy định áp dụng giá điện 9,8 UScents/kWh đối với điện gió trên biển và 8,5 UScents/kWh đối với dự án điện gió trong đất liền nối lưới vận hành thương mại trước 1/11/2021.Gần đây nhất, tháng 2/2020, Bộ Chính trị ban hànhNghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Một trong những chỉ đạo cụ thể là tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện và "hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế".
Tại MB, từ năm 2015, để tìm hiểu về ngành, MB đã phối hợp với các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước thực hiện nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu để tìm hiểu về ngành, đồng thời cũng cử nhiều đoàn công tác ra nước ngoài để tìm hiểu sâu về lĩnh vực điện năng lượng tái tạo. Trên cơ sở đó, MB đã xác định ngành năng lượng tái tạo là ngành tăng trưởng và ưu tiên cấp tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực điện gió và điện mặt trời. Từ năm 2017, MB đã thực hiện tiếp cận thẩm định rất nhiều dự án thuộc lĩnh vực này và hiện MB trở thành ngân hàng tiên phong trong hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam cấp tín dụng cho điện gió, điện mặt trời. Ước tính sơ bộ, MB tài trợ tín dụng cho các dự án cung cấp khoảng 15% tổng quy mô công suất phát điện mặt trời; khoảng 12% công suất phát điện gió trên cả nước.
Bên cạnh các dự án trong nước, MB đã thực hiện thu xếp vốn nước ngoài cho 2 dự án điện mặt trời, 5 dự án điện gió theo hình thức bảo lãnh thanh toán cho khoản vay ECA của dự án. Với tiềm lực tài chính vững mạnh, MB có định hướng sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, thu xếp vốn cho 1.000 MW điện gió và 1.000 MW mặt Trời trong cuối năm 2020 và 2021.
Theo báo cáo về huy động tài chính phát triển ngành năng lượng Việt Nam của World Bank, nguồn năng lượng tái tạo là khu vực có danh mục đầu tư lớn thứ 2 trong đầu tư nguồn điện giai đoạn 2016 - 2030 với tổng nhu cầu khoảng 27 - 33 tỷ USD, nhằm tăng công suất năng lượng tái tạo từ mức 12 GW hiện tại lên 30 GW vào năm 2030.