Cặp vợ chồng hiếm muộn mắc Covid-19: "Ngày sinh con, vợ phải cắm ống thở, chỉ kịp nói đúng một câu"
Cả một thập kỷ mong con, anh Dũng không bao giờ ngờ, thiên thần của anh lại chào đời trong bối cảnh gia đình bị chia cắt vì dịch bệnh như thế…
- 28-05-2021Xúc động hình ảnh các bác sĩ ép tim liên tục để cấp cứu, giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 bị ngưng tuần hoàn
- 28-05-2021Mẹ mắc Covid-19 hôn mê sâu, bé sơ sinh được điều dưỡng BV Nhiệt đới TW vắt sữa gửi tặng
- 26-05-2021Thương đến quặn lòng trước vất vả của các y bác sĩ từ tâm dịch COVID-19: Làm việc suốt 20 giờ không nghỉ, lưng đẫm mồ hôi, bỏng rát vì mặc đồ bảo hộ giữa thời tiết khắc nghiệt
Câu chuyện về người mẹ nhiễm Covid-19 (BN3838) hôn mê ngay sau ca mổ sinh con, cả gia đình chia cắt mỗi người một nơi vì dịch bệnh, được chúng tôi ghi lại theo lời kể của chồng chị - anh Lường Văn Dũng (dân tộc Thái, 35 tuổi, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Tân Phong, Nậm Pồ, Điện Biên).
"EM MỆT LẮM RỒI, PHẢI CẮM MÁY THỞ ĐÂY"
3h chiều 21/5, anh Dũng nhận điện thoại của vợ. Từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Đông Anh, Hà Nội), chị báo tin con gái sẽ chào đời chỉ trong vòng vài tiếng nữa.
11 năm qua - tức hơn 4.000 ngày - không một phút nào vợ chồng anh không mong đợi điều ấy… Nhưng lúc này, điều diệu kỳ của họ thực sự đã đến quá đột ngột giữa rất nhiều nỗi buồn…
Qua màn hình điện thoại, gương mặt chị Khuyên thể hiện một sức khoẻ rõ ràng đã rất yếu. Đôi mắt chị sụp xuống, giọng nói hổn hển như thiếu oxy. Ở đầu dây bên này, anh Dũng cũng không còn đủ sức để cười. Mấy ngày nay, anh khó thở triền miên. Muốn nói lời nào, anh phải vận dụng hết sức lực.
Biết bác sĩ đã thông báo cho chồng những thông tin cơ bản, chị Khuyên chỉ kịp nói: "Anh xem nhờ ai mua đồ lên phụ em sinh con".
Nhìn dáng vẻ tội nghiệp của vợ, anh Dũng rất muốn gượng dậy nói một lời nào đó để động viên. Nhưng chị Khuyên gạt đi: "Em mệt lắm rồi, phải cắm máy thở vào ngay đây".
Dứt câu, màn hình điện thoại đã tối đen. Âm thanh chỉ còn tiếng tút tút ngắn ngủi. Đến giờ, đó là lần cuối cùng anh Dũng nhìn thấy và được nghe giọng nói của vợ.
Sản phụ suy hô hấp, được đưa vào phòng mổ kèm bình ô xy (Ảnh: Giadinh.net.vn)
Hơn 7 ngày qua từ sau ca mổ sinh, chị Khuyên nằm im lìm trong phòng hồi sức.
Anh Dũng có một người em gái rất đặc biệt. Vì chị cả phải đi thêm bước nữa nên gửi lại con cho bố mẹ chăm sóc. Từ đó, anh Dũng gọi con chị bằng em út. Người em ấy giờ đang gác lại mọi việc vào viện chăm sóc cháu mới sinh.
Anh Dũng nói, khoảnh khắc vợ tắt phụt điện thoại, anh đã bật khóc vì nghĩ rằng hai bên nội ngoại giờ này đều đang phải cách ly, không một ai có thể mua đồ đưa vào viện. May mắn, người em này đi làm xa nên không tiếp xúc với F0 đã gọi điện xung phong đi chăm cháu.
"Lúc em nó gọi điện, tôi đã rất mệt, chỉ nói được câu: ‘Trăm sự nhờ cô nhé".
Cuộc vượt cạn với người thường đã quá là đau đớn. Người ta vẫn nói phụ nữ sinh con như phải bước qua quỷ môn quan. Anh Dũng thường tự hỏi, chút sức lực yếu ớt của người đang thở máy, liệu có giúp chị Khuyên vượt qua quỷ môn quan trở về? Nhưng mỗi lần đặt câu hỏi, anh lại phải cố hết sức gạt đi.
"Niệm nam mô a-di-đà cầu nguyện… đấy là tất cả những gì tôi làm được cho vợ con lúc này đang ở xa".
11 NĂM TÌM CON – TỪ TAY TRẮNG LÀM NÊN ĐỐNG NỢ NẦN
Năm 2011, vợ chồng anh Dũng quen nhau khi cùng làm giáo viên ở trường bán trú tiểu học Tân Phong. Rồi khi làm đám cưới, hành trình ròng rã đi tìm con cũng bắt đầu. Cứ ai mách ở đâu, anh chị lại lặn lội tìm đến chạy chữa. Bao nhiêu tiền của đã tiêu tán hết theo những chuyến đi.
Gia cảnh anh Dũng lại vô cùng khó khăn. Bố mẹ già ngoài 60 tuổi vẫn nai lưng làm rẫy. Mùa nào lúa tốt thì đủ ăn. Nếu mất mùa, cả gia đình phải chạy vạy vay thóc, đợi mùa sau gặt hái xong lại trả nợ quá nửa.
Một người em gái của anh Dũng chậm phát triển trí tuệ, sống phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Căn nhà mà vợ chồng anh Dũng đang sống cùng bố mẹ và em gái đến giờ vẫn chỉ là nhà tạm bằng gỗ. Khi mưa nắng, nó như rúm ró lại. Ngày lấy nhau, chị Khuyên đã hiểu là phải gồng gánh khối trách nhiệm quá lớn.
Thương anh chị mình nửa đời vất vả, em trai anh Dũng đã "nhường" người con trai duy nhất cho họ chăm sóc. Vậy là 8 năm trước, khi đứa nhỏ vừa lọt lòng, anh Dũng và chị Khuyên đã đón về nuôi. Từ đó, 2 tiếng gọi "bố, mẹ" họ ngày đêm khao khát cũng phần nào được khỏa lấp.
Nhưng niềm thôi thúc có được mụn con mình dứt ruột đẻ ra vẫn không ngừng thôi thúc. Chị Khuyên từng mổ thông vòi trứng. Rồi 2 năm trước, cả hai gom góp mấy trăm triệu khăn gói lên Bệnh viện Bưu điện Hà Nội làm thụ tinh nhân tạo. Nhưng lần ấy, may mắn không mỉm cười.
Ca mổ đặc biệt cho sản phụ hiếm muộn 11 năm mới có con (Ảnh: Giadinh.net.vn)
Cho đến mãi gần đây, số nợ ngân hàng đã quá lớn, anh em bạn bè cũng cho vay hết sức… thì thiên thần nhỏ mới chịu về với anh chị. Ngày cầm giấy siêu âm kết luận có thai, chị Khuyên gục vai anh khóc nức nở.
Anh Dũng thường nói vui với vợ: "Chỉ vì muốn có con mà từ hai bàn tay trắng, vợ chồng mình đã làm nên cả một đống nợ nần". Chỉ Khuyên chỉ nhìn anh, rồi cả hai mỉm cười.
Đầu tháng 5 nhà trường cho học sinh nghỉ hè. Chị Khuyên vẫn cố gắng tới trường làm xong hết sổ sách để yên tâm "nằm ổ".... Nhưng không may vừa qua tuần đầu tháng trong trường có ca nhiễm. Ngày 13/5, cán bộ xã thông báo. Vợ chồng chỉ kịp vơ vội nắm quần áo rồi ôm cả con nuôi chạy thẳng lên trường cách ly. Vì quá tải, con trai phải chuyển sang trường THCS cách ly.
Cũng ngay trong hôm đó, chị Khuyên thấy mệt lả. Làm xét nghiệm dương tính, chị được chuyển lên phòng khám đa khoa, rồi viện tỉnh, và cuối cùng là đi thẳng vài trăm km tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nằm thở máy ở đó….
"Đôi khi nghĩ cái phận đời mình nó chán… Nhiều lúc cũng muốn buông xuôi… Nhưng rồi hai vợ chồng không ai muốn đầu hàng số phận không con cái. Vậy là cứ cố gắng rồi tự nhiên qua nhiều năm, niềm mơ ước có con đã trở thành động lực sống mãnh liệt nhất… Tôi rất mong dù trong lúc mê man, mơ ước mãnh liệt suốt 11 năm ấy sẽ giúp vợ tôi vượt qua được bệnh tật".
NHỮNG GIỌT SỮA NGỌT TRONG BỆNH VIỆN
Và đúng như điều anh Dũng mong, mới hôm trước bác sĩ gọi điện báo sức khỏe của chị Khuyên đã ổn định. Cháu bé được anh đặt tên Lương Hạ Vy - F1 nhỏ tuổi nhất Việt Nam đã âm tính hai lần.
Anh Dũng nghe em gái kể rằng khi vừa chào đời, bé Hạ Vy đã được uống sữa của hai nữ điều dưỡng trong viện. Cháu bé là trường hợp đặc biệt nhất khi ra đời ngay ở giữa tâm dịch. Các bác sĩ đặc biệt quan tâm em. Để mổ bắt thành công, họ đã phải hội tổ chức buổi hội chẩn online với các chuyên gia hàng đầu Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Thương con, anh Dũng thương cả những người y bác sỹ. Xem video con mình đang từng ngày sống bằng những giọt sữa trong bệnh viện, anh rơm rớm nước mắt.
Nghĩ lúc này bố mẹ không thể chăm con mà giọt sữa ngọt con uống lại là từ những người làm mẹ anh không hề biết tên, anh bảo rằng các bác sĩ cũng đang có con nhỏ ở nhà, nhưng sữa đó chính con họ lại đang không thể uống. Hóa ra, những điều ngọt ngào nhất họ đã dành cả hết cho bệnh nhân.
Em bé sinh ra được nuôi dưỡng bằng dòng sữa ngọt của 2 điều dưỡng (Ảnh: Giadinh.net.vn)
"Cảm động lắm chị à. Ơn của các bác sĩ không biết nói sao mới hết được. Chỉ mong ngày nào đó khỏe lại, vợ chồng được đoàn tụ, tôi nhất định đem hoa đến cảm ơn bác sĩ".
Sức khỏe anh Dũng đã khá hơn. Sau những ngày khó thở, anh đã ngồi dậy và thoải mái nói chuyện. Nhưng bây giờ, vì biết các bác sĩ đang bận phải chống dịch nên mỗi ngày, anh chỉ dám gọi cho họ một lần hỏi thăm sức khỏe vợ.
Đôi khi anh đi khám hoặc truyền thuốc, em gái gọi không được. Cô thường quay lại video cảnh bé Vy uống sữa hoặc nằm chơi. Lúc nào bớt mệt mỏi, anh Dũng lại mang những video ra xem. Anh nói mình đặt tên con là Hạ Vy, chỉ là mong muốn con bé thông minh, xinh xắn, năng động và luôn rực cháy như mùa hè giống mẹ.
"Bây giờ hè nắng rực rỡ lắm, tôi cũng mong tương lai ngày sau con cũng sẽ rực rỡ như thế".
Mọi sự ủng hộ giúp đỡ xin gửi về anh Lường Văn Dũng, STK: 8907205047307, ngân hàng: Agribank.
Doanh nghiệp & Tiếp thị