Cặp vợ chồng hơn 40 năm sống trên nóc nhà vệ sinh ở phố cổ kể về những cái Tết không bánh kẹo, họ hàng không ai đến chúc Tết
Những ngày Tết đến, vợ chồng ông bà Nguyễn Phùng Hải và Nguyễn Thị Xâm chỉ trông đợi vào những tấm bánh chưng, những đồng tiền hỗ trợ từ chính quyền.
- 16-02-2021Uống món sữa hạt này thường xuyên sẽ giúp chống lão hóa cho làn da đáng kể
- 16-02-2021Từ đam mê nấu nướng đến kinh doanh thành công của cặp mẹ con "nữ hoàng gia vị": Bí quyết nằm ở 1 điều mà nhiều người vội vã bỏ qua khi khởi nghiệp
2 thế hệ, hơn 40 năm sinh sống trên nóc nhà vệ sinh
Đằng sau sự sầm uất, sang trọng của những toà nhà cao tầng giữa Thủ đô, ta không khó để bắt gặp căn nhà tí hon, chỉ rộng vài mét vuông, xập xệ, cũ nát. Thậm chí, ngay nơi trung tâm của Hà Nội, còn có cả những ngôi nhà tọa lạc ngay trên nóc nhà vệ sinh công cộng.
Đó là căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Phùng Hải (86 tuổi) và bà Nguyễn Thị Xâm (76 tuổi). Căn nhà nằm lọt thỏm sâu trong ngõ 107 phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tối om. Đặc biệt, ngôi nhà kỳ lạ ấy có đến 2 thế hệ, bốn nhân khẩu cùng sinh sống.
Ông Hải dù đã tuổi cao nhưng hằng ngày vẫn đi làm bơm vá, sửa chữa xe đạp tại phố cổ. Dù tiếng là có nhà ở phố cổ Hà Nội, nhưng bao năm qua vợ chồng ông vẫn gắng gượng sống trên nóc nhà vệ sinh. Hằng ngày đủ thứ mùi bốc lên khiến ông Hải cùng vợ con mất ngủ nhưng chẳng biết phải làm sao.
Con hẻm dẫn vào nhà vợ chồng ông bà Nguyễn Phùng Hải
Căn nhà cũ kỹ rộng 10m2 trên nóc nhà vệ sinh hơn 40 năm qua là nơi sinh sống của ông Hải và vợ con
Không có vật gì đáng giá trong nhà
"Trước đây trong ngõ này chỉ có một mình gia đình tôi ở, dần dần có thêm mấy hộ nữa về đây sinh sống. Đất ở dưới người ta ở hết rồi nên năm 1975 còn có mình tôi, thấy nóc nhà vệ sinh công cộng này có thể tận dụng để ở được thì tôi dọn lên đây rồi lấy vợ và sinh con ở đây luôn", ông Hải kể về "lịch sử" của căn nhà lạ lùng này.
Ông Hải bảo, nếu không ở đó thì cũng chẳng biết đi đâu. Hai vợ chồng chẳng có lương hưu, chồng vá xe đạp, vợ kiếm sống bằng gánh bún riêu dọc đường. Vừa trải qua trận ốm nên sức khoẻ bà Sâm sa sút rất nhiều. Mấy năm nay bà Sâm cũng không đi bán hàng nữa, chỉ quanh quẩn trong cái nhà chật hẹp này.
Ngồi cạnh chồng, bà Sâm chỉ biết thở dài: "Ai cũng bảo tôi dũng cảm mới dám về đây sống. Kể từ khi lấy ông ấy về đây, tôi xác định số phận mình khổ cả đời rồi".
Bà Sâm quê gốc ở La Phù (Hoài Đức) do tình duyên chắc trở nên năm 37 tuổi bà Sâm mới lấy chồng, khi đó do tuổi đã cao và được mai mối nên bà chẳng quan tâm đến gia đình, nhà cửa của người bạn đời ra sao và chưa một lần về thăm nhà chồng trước khi cưới. Bà cũng chỉ biết ông Hải một hai lần rồi cưới.
Bà Nguyễn Thị Sâm
Ông Hải ngồi thu mình sau mỗi buổi đi làm về
Hằng ngày tránh mùi xú uế vợ chồng ông Hải cắt cử nhau đi dọn vệ sinh
Khi đám cưới được tổ chức ở nhà gái xong, bà theo ông Hải về phố Hàng Bạc và tất cả vượt quá sức tưởng tượng của bà. Khi ông Hải chỉ nhà ở trên khu vệ sinh tập thể bà Sâm đã choáng váng không thể tin được, bà khóc nức nở bỏ về nhà bà dì ở Ngã Tư Sở, quận Đống Đa.
Sau khi được mọi người khuyên bảo, bà Sâm suy nghĩ và quay về với ông Hải và "liều" sống trên nóc nhà vệ sinh. Thời gian qua đi, đến nay họ sinh được hai người con, người con trai đầu sinh năm 1989 đang là kỹ sư điện tử đã lập gia đình và sinh được một cháu còn cô con gái sinh năm 1993 làm thủy sản.
"Ở trên nóc nhà vệ sinh thế này, Tết ai dám đến chơi"
"Kể ra chẳng hay ho gì nhưng cuộc sống gia đình tôi như vậy rồi. Các con khi có người yêu cũng ngại ngần không giám về ra mắt vì sợ người yêu thấy cảnh này. Tôi bảo các con là cứ nói cho người mình yêu hoàn cảnh gia đình mình như thế nếu yêu thì xác định. Nếu người ta hiểu và đồng ý thì mới sống được với nhau", bà Sâm nói.
Rồi khi người con trai có cháu, bà Sâm cũng ủng hộ việc gia đình con trai ra ở riêng, ở trong ngôi nhà xập xệ này cũng dễ sinh bệnh vì thời tiết. "Con trai cuối tuần nào cũng dẫn vợ con sang nhà tôi, Tết nó ở đêm 30 thôi, xong lại về, mùng 2 Tết lại mới đến vì cũng còn nhà cửa bên đó".
Kể về những ngày Tết khi phải sống trong căn nhà chật hẹp này, bà Sâm chỉ nói ngắn gọn: "Khổ vậy, tôi quen rồi. Khi người ta rộn ràng đi sắm Tết thì chúng tôi vẫn phải lao động. Bây giờ già yếu rồi thì chỉ biết ngồi im trên nóc nhà vệ sinh".
"Tết năm nào nhà tôi cũng khó khăn, chỉ trông đợi vào tiền, bánh chưng được nhà nước trợ cấp. Bên họ nhà ngoại tôi ở xa, có năm được em trai gửi lên cho chục tấm bánh chưng là vui lắm rồi", bà Sâm nói.
Với ông Hải, Tết năm ngoái lại là kỷ niệm đặc biệt đối với ông khi lần đầu tiên dẫn vợ đến trước mộ bố mẹ. "Tết năm ngoái, tôi có dẫn vợ đi tảo mộ, tôi lấy nhà tôi mấy chục năm nay, kể cả khi có con cũng chưa dẫn đến trình bày trước mộ bố mẹ (ở Sơn Tây, Hà Nội) vì nghèo quá".
Tảo mộ xong, ông Hải về nhà làm cơm cúng tất niên, đêm giao thừa đi xem pháo hoa xong rồi về xông nhà. "Năm nào tôi cũng đi xem pháo hoa ngoài bờ hồ, nhà tôi chân đau rồi không đi được nhưng không đau chân bà cũng không thích đi".
Gia đình ông Hải vẫn cúng tất niên như tục lệ nhưng họ hàng không ai đến chơi
"Từ khi ở trong ngôi nhà này, chưa năm nào anh em trong gia đình lên nhà tôi chơi Tết. Một phần do chật chội, một phần nhà thế này thì chúng tôi cũng mặc cảm, không dám mời lên. Đến bản thân tôi đi đến nhà anh em chúc Tết tôi cũng ngại vì nghèo quá, nhiều người cũng sợ vay mượn", ông Hải kể.
Sau khi đi chúc Tết họ hàng xong, đến mùng 4 ông Hải bà Sâm lại về quê chúc Tết và góp giỗ giỗ bố. "Tết cũng như ngày thường, nhà người ta thì bày bánh kẹo, làm cỗ đón khách nhưng nhà tôi thì không, tôi quen rồi. Nói thật, ở trên nóc nhà vệ sinh thế này, ai dám đến chơi. Bạn bè của tôi muốn đến chơi tôi cũng không muốn dẫn vào. Chỉ có đứa cháu mùng 3 hoặc mùng 4 Tết nó đến chơi", ông Hải kể tiếp.
Giờ đây, khi đã ở cái tuổi xế chiều, chân tay yếu vợ chồng bà Sâm chỉ mong nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sớm cải tạo các khu tập thể cũ nát để ông bà có được căn nhà nho nhỏ, tử tế để sinh sống, đón Tết những ngày cuối đời.
Cuộc sống tuy vất vả nhưng vợ chồng ông Hải và Sâm vẫn có những niềm vui riêng khi con cái đều trưởng thành
"Những ngày Tết năm trước, cứ mùng 2 tôi đi chợ bán hàng, người ra cứ khen bảo: 'Nhà như thế mà nuôi được 2 người con ngoan, đều tốt nghiệp đại học, chịu khó làm đỡ bố mẹ là tôi vui rồi, vợ chồng tôi cũng chỉ biết động viên nhau vậy thôi", bà Sâm bộc bạch.
Trí thức trẻ