Cặp vợ chồng mua trả trước căn nhà 180m2 giá hơn 54 tỷ đồng, 6 tháng sau không có nhà còn được tòa thông báo: "Anh chị phải bồi thường cho người bán hơn 17 tỷ"
Vì vi phạm hợp đồng mua nhà, cặp vợ chồng Trung Quốc vừa không mua được nhà, vừa phải đền bù số tiền lớn cho chủ nhà.
- 01-12-2024Có 17,5 tỷ đồng đền bù đất, người đàn ông mang hết đi gửi tiết kiệm, đến hạn 1 năm ngân hàng thông báo: "Anh không thể rút số tiền này"
- 26-11-2024Người phụ nữ gửi tiết kiệm hơn 35 tỷ đồng rồi nhận lãi trước, 12 ngày sau số dư còn 0 đồng, tòa án tuyên bố: "Ngân hàng phải bồi thường hơn 15 tỷ đồng"
Năm 2020, vợ chồng bà Ngô ở Thượng Hải, Trung Quốc, đã nhắm được 1 căn nhà có diện tích 180m2 ở quận Hoàng Phố có giá khoảng 15,5 triệu NDT (hơn 54 tỷ đồng). Ngày 17/5 cùng năm, 2 người họ nhanh chóng liên hệ với chủ sở hữu căn nhà là ông Phạm để trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc mua nhà. Vốn là một người thận trọng, ông Phạm còn đặc biệt mời luật sư tham dự buổi hẹn này để giúp ông làm hợp đồng bán nhà. Với sự tham gia của luật sư, giao dịch bất động sản giữa 2 bên diễn ra rất suôn sẻ.
Theo hợp đồng nhà ở do 2 bên soạn thảo, nếu vợ chồng bà Ngô muốn mua căn nhà trên thì phải trả trước cho ông Phạm số tiền 7,45 triệu NDT (hơn 26 tỷ đồng). Bà Ngô đồng ý với điều kiện này. Bà đưa cho chủ nhà số tiền 1 triệu NDT (hơn 3,5 tỷ đồng) để ký hợp đồng, số tiền 6,45 triệu NDT (hơn 22 tỷ đồng) còn lại sẽ trả sau khi vay ngân hàng.
Kết thúc buổi gặp mặt đầu tiên, cả 2 bên thống nhất khoản tiền 7,45 triệu NDT tiền cọc sẽ được trả trước khi căn nhà được chuyển nhượng vào ngày 30/6/2020. 8,05 triệu NDT (hơn 28 tỷ đồng) còn lại cũng sẽ phải được trả trước ngày 30/8/2020. Tuy nhiên, rất lâu sau khi ký hợp đồng, ông Phạm chỉ nhận được tổng cộng 4 triệu NDT (hơn 14 tỷ đồng) từ vợ chồng bà Ngô. Họ vẫn thiếu 2,45 triệu NDT (hơn 8,5 tỷ đồng) tiền trả trước như đã thỏa thuận trước đó.
Về vấn đề này, bà Ngô cho biết vợ chồng bà gặp một số khó khăn về tài chính và có thể phải đợi một thời gian nữa mới chuyển được 2,45 triệu NDT cho người bán. Tuy nhiên, phía ông Phạm lại rất nôn nóng muốn bán căn nhà này nên đã thúc giục họ thanh toán số tiền còn lại càng sớm càng tốt, nếu không ông sẽ chấm dứt hợp đồng mua nhà. Điều này khiến mối quan hệ giữa 2 bên trở nên khá căng thẳng.
Lo lắng vợ chồng bà Ngô không thể trả tiền nhà đúng hạn, ngày 2/7/2020, ông Phạm hẹn gặp bà Ngô để tìm ra cách giải quyết vấn đề. Lần này luật sư của ông Phạm đã soạn thảo điều khoản thỏa thuận bổ sung. Trong đó nêu rõ sau khi ký thỏa thuận bổ sung này, bà Ngô cần thanh toán số tiền nhà còn lại cho ông Phạm trong vòng 1 tháng. Nếu số tiền còn lại không thể thanh toán đúng hạn, bà Ngô sẽ phải trả 20% tổng giá trị hợp đồng mua nhà như một khoản bồi thường thiệt hại. Căn cứ vào tổng giá trị tài sản là 15,5 triệu NDT, bà Ngô phải bồi thường thiệt hại 3,1 triệu NDT (hơn 10,8 tỷ đồng). Thỏa thuận này có thể coi là nỗ lực tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người bán là ông Phạm.
Vợ chồng bà Ngô đồng ý ký thỏa thuận trên. Sau đó, họ đã vay mượn khắp nơi để kịp chuyển 2,45 triệu NDT tiền cọc còn lại cho ông Phạm. Nhận đủ tiền cọc, ông Phạm đã giao chìa khoá nhà cho bà Ngô. Hai bên đã hoàn tất thủ tục bàn giao nhà. Trong thời gian đợi ngân hàng xét duyệt khoản vay, vợ chồng này cũng nhanh chóng chuyển đến ở và bắt đầu việc cải tạo lại căn nhà. Tuy nhiên, một sự kiện xảy ra sau đó đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của họ.
Theo Sina, gần đến kỳ hạn trả tiền là ngày 30/8 nhưng khoản vay của vợ chồng bà Ngô vẫn chưa được ngân hàng xét duyệt. Lúc này, họ phải liên hệ người thân và bạn bè để vay tiền nhưng vẫn không đủ. Sau khi cố gắng liên hệ với bà Ngô để yêu cầu trả tiền nhưng không được, ông Phạm quyết định nhờ luật sư khởi kiện vợ chồng bà Ngô ra toà.
Theo luật sư của ông Phạm, vì vi phạm hợp đồng, ngoài số tiền bồi thường thiệt hại là 3,1 triệu NDT đã đề cập trong thỏa thuận, vợ chồng bà Ngô còn phải bồi thường 1,8 triệu NDT (hơn 6,3 tỷ đồng) khi chưa mua đứt căn nhà mà đã thay đổi cấu trúc của nó. Vì không muốn phải trả số tiền bồi thường lớn như vậy nên bà Ngô cũng khởi kiện ông Phạm và luật sư của ông ra toà.
Vào ngày 29/10/2020, khoảng 2 tháng sau ngày phải trả nợ, khoản vay ngân hàng mà bà Ngô đăng ký cuối cùng đã được chấp thuận. Khi nhận được khoản vay, bà Ngô liền tìm đến ông Phạm để trả tiền, đồng thời đề nghị hai bên đều rút đơn kiện và giải quyết sự việc trong êm đẹp. Tuy nhiên lúc này, ông Phạm không còn muốn bán ngôi nhà trên bởi sự chậm trễ của bà Ngô cũng đã khiến kế hoạch mua nhà mới của ông thất bại. Vì vậy, ông Phạm thờ ơ trước yêu cầu hòa giải của người phụ nữ này.
Ngày 25/6/2021, Tòa án nhân dân quận Hoàng Phố Thượng Hải đã đưa ra bản án sơ thẩm. Kết quả, tòa đồng ý với yêu cầu của ông Phạm về việc chấm dứt hợp đồng mua nhà và yêu cầu bà Ngô phải dọn ra khỏi nhà của người đàn ông này trong vòng 10 ngày. Nếu bà Ngô không tuân thủ, phí sử dụng nhà bổ sung sẽ được tính ở mức 1.000 NDT/ngày (hơn 3,5 triệu đồng).
Ngoài ra, bà Ngô cũng cần phải bồi thường thiệt hại 4,9 triệu NDT (hơn 17 tỷ đồng) như ông Phạm đề cập và 46.000 NDT (hơn 146 triệu đồng) phí tiếp nhận hồ sơ vụ kiện. Bà ngô không đồng ý với phán quyết của toà nên kháng cáo lên tòa án cấp cao. Vào ngày 1/12/2021, Tòa án nhân dân trung cấp số 2 Thượng Hải đã bác bỏ kháng cáo của người phụ nữ này và tuyên bố giữ nguyên bản án ban đầu. Ngoài ra, bà Ngô còn phải chịu chi phí thụ lý vụ án này với tổng số tiền khoảng 27.000 NDT (hơn 94 triệu đồng).
Sau vụ việc này, vợ chồng bà Ngô không chỉ không mua được nhà mà còn nợ ngân hàng và ông Phạm một khoản tiền lớn. Câu chuyện về người phụ nữ này sau khi được chia sẻ đã thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều người gọi bà Ngô là "người mua nhà ‘xui xẻo nhất’ Trung Quốc". Họ cũng xem trường hợp của bà Ngô như một bài học kinh nghiệm lớn cho mình. Khi mua nhà, mọi người nên tính toán tài chính rõ ràng. Trong trường hợp cần phải vay ngân hàng, hãy cân nhắc kỹ thời gian vay và khoản vay phù hợp với kế hoạch tài chính hiện tại và tương lai để tránh những rủi ro không đáng có.
(Theo Sina)
Đời sống và Pháp luật